Ngành y tế TP.HCM vững bước phát triển chuyên sâu
Tháng 6/2023, lần đầu tiên Ngành Y tế TP.HCM đã tổ chức thành công Hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM” và đó cũng chính là tiền đề để thành phố quyết tâm sẽ vươn mình ngang tầm các nước có y tế phát triển mạnh trong khu vực ASEAN và thế giới.
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, ngành y tế thành phố đã không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều thách thức, qua đó đạt được nhiều thành tựu y khoa, làm chủ được các kỹ thuật chuyên sâu, tiệm cận với trình độ phát triển y khoa của các nước tiên tiến trên thế giới, trong đó phải kể đến những chuyên khoa mũi nhọn của thành phố như sản phụ khoa, nhi khoa, ngoại khoa, ung bướu…
Ở nhiều chuyên ngành, các bác sĩ ở các bệnh viện đầu ngành thành phố không những tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, thành khu vực phía Nam mà còn chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ các nước khác trên thế giới, như đào tạo kỹ thuât can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi robot,… Bên cạnh đó là các bệnh viện không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh theo hướng đạt các chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện.

Phát triển kỹ thuật chuyên sâu
Về Sản phụ khoa: Một trong những điểm nổi bật của ngành sản phụ khoa của thành phố là tỷ lệ tử vong mẹ rất thấp: 2,02/100.000 sinh sống do quản lý thai kỳ nguy cơ cao tốt; đầu tư cho hồi sức cấp cứu, đặc biệt phối hợp liên chuyên khoa. Bênh cạnh giảm tử vong mẹ, mục tiêu giảm tử vong sơ sinh cũng được quan tâm. Chương trình tầm soát và chẩn đoán tiền sản đã phát triển với nhiều kỹ thuật hiện đại như: Xét nghiệm không xâm lấn (NIPT), di truyền y học không chỉ chẩn đoán bệnh lý bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Down) mà còn phát hiện bệnh lý về gen (Thalassemia); siêu âm 4D giúp phát hiện các bất thường về hình thái thai nhi; sàng lọc sơ sinh ngay sau sanh cũng được triển khai đến nay đã tầm soát thêm 50 bệnh chuyển hóa bẩm sinh.
Phẫu thuật nội soi phụ khoa đã trở nên rất phổ biến trong các can thiệp ngoại khoa bệnh lý phụ khoa. Đặc biệt nội soi 3D được ứng dụng trong bệnh lý ung thư phụ khoa giúp việc điều trị hiệu quả và an toàn. Tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm tại thành phố đạt 50-60%, ngang bằng các nước trong khu vực và thế giới, nhờ áp dụng hầu hết các kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt chi phí điều trị thấp hơn các nước lân cận.
Năm 2024, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phối hợp thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông van tim cho bào thai, đây là kỹ thuật chuyên sâu lần đầu tiên được thực hiện thành công ở các nước khu vực ASEAN. Ngoài ra, không thể không nhắc đến việc triển khai ứng dụng AI trong nội soi cổ tử cung giúp tầm soát ung thư cổ tử cung tại trạm y tế xã đảo Thạnh An.

Về Nhi khoa: Các bệnh viện đã cứu sống nhiều trường hợp nặng, phức tạp, kể cả các trường hợp sinh cực non, cải thiện rõ rệt tỷ lệ tử vong sơ sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ áp dụng các biện pháp điều trị toàn diện các biến chứng của sinh non.
Trong lĩnh vực Ngoại nhi, các bác sĩ đã có khả năng thực hiện hầu hết các phẫu thuật phức tạp, phối hợp liên chuyên khoa trong các tình huống tối khẩn cấp, phẫu thuật điều trị ngoài tử cung trong thai kỳ (Ex-Utero Intrapartum Treatment procedure-EXIT) và phẫu thuật tách rời thành công nhiều cặp song sinh dính nhau.
Với thần kinh và chỉnh hình: các bác sĩ đã điều trị thành công bệnh teo cơ tuỷ sống, u não, u tuỷ, bệnh mạch máu thần kinh, động kinh kháng trị, tạo hình hộp sọ, chỉnh hình cột sống, ghép chi đứt lìa. Năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch trẻ em của ngành Nhi thành phố đã tiệm cận với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai như CT, MRI tim, siêu âm chẩn đoán tiền sản, phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp ở tuổi sơ sinh, thông tim can thiệp, đặt máy tạo nhịp và điện tim sinh lý.
Về Ngoại khoa: Các bệnh viện đã cố gắng phát triển nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng thành tựu về khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như: Phẫu thuật nội soi, can thiệp nội soi qua các ngã tự nhiên, can thiệp nội mạch, phẫu thuật Robot... Trên lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, ứng dụng công nghệ in 3D vật liệu titanium trong điều trị khuyết hỏng xương và xương khớp cá thể hóa đã tạo ra được những cấu trúc cấy ghép tương thích tối ưu với hình dạng thương tổn của từng cá thể. Ngoài ra, chuyên ngành Ngoại Thần kinh cũng rất phát triển với việc triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị.
Về Điều trị đột quỵ: Hiện tại trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận và điều trị hơn 15.000 ca đột quỵ. Bệnh viện Nhân dân 115 với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ thế giới, Hội Đột quỵ Việt Nam và Hội Đột quỵ TP.HCM trở thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về đột quỵ và hỗ trợ đào tạo nhân lực, tư vấn thành lập các đơn vị đột quỵ cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hình thành và phát triển mạng lưới đột quỵ của Việt Nam.
Về phẫu thuật tim mạch: Sau 30 năm hoạt động, Viện Tim đã phẫu thuật được 36.963 ca với tỷ lệ tử vong 2,2%, thực hiện 47.463 ca thông tim can thiệp, chuyển giao kỹ thuật trong nước cho trên 30 bệnh viện, một số nước châu Á, Senegal và Burkina Faso… Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện chuyên khoa tim mạch và bệnh viện đa khoa tuyến cuối cũng đã phát triển mạnh về lĩnh vực chuyên khoa này.
Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa được Tổ chức Children’s HeartLink (Mỹ) công nhận là Trung tâm Tim mạch xuất sắc đầu tiên tại Việt Nam và trở thành trung tâm thứ bảy trên thế giới.

Trong lĩnh vực Ung thư: Bệnh viện Ung bướu và nhiều trung tâm điều trị ung thư tại các bệnh viện khác đã tiếp cận, ứng dụng các loại thuốc và kỹ thuật tiên tiến của thế giới, từng bước nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ung thư. So với khu vực thì chuyên ngành Ung thư của thành phố ngang tầm, không hề tụt hậu, thậm chí trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, vi phẫu và phẫu thuật robot, chúng ta còn phát triển hơn nhiều nước trong khu vực.
Về lĩnh vực ghép tạng: Chương trình ghép mô-tạng bằng ghép thận từ người hiến sống có mối quan hệ huyết thống bắt đầu từ năm 1992, cho đến nay, sau 30 năm đã đạt 1.126 trường hợp. Ngoài ra còn ghi nhận các trường hợp ghép chéo, ghép khác nhóm máu, ghép thận từ người hiến chết, ghép gan từ người hiến sống vào năm 2012), người hiến chết não năm 2015…
Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, tại TP.HCM, đối với ghép thận còn có: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Thống Nhất. Ghép gan có Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Đại học Y Dược. Ghép giác mạc có Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Pháp Việt. Ghép tủy có Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Riêng tại khu vực phía Nam, Đơn vị Điều phối đã tiếp nhận thông tin từ các Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Xuyên Á,
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, khu vực An Giang, Kiên Giang và trong tương lai sẽ có thêm nhiều bệnh viện khác. Trong năm 2024 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt đầu tiên, điều này tạo ra cơ hội sống đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch.
Ngành y tế TP.HCM đã có những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực nội khoa, đặc biệt là trong việc áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu như kỹ thuật chuyên sâu trong Hồi sức cấp cứu, tim mạch, nội tiết, hô hấp, thần kinh, nội soi chẩn đoán và điều trị, lọc thận, lọc máu, can thiêp tim mạch chuyên sâu… Việc ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu vừa chẩn đoán vừa điều trị đã giảm tỷ lệ tử vong đáng kể, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Ngoài ra trong nhiều chuyên khoa khác như Tai Mũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Da liễu, Truyền máu Huyết học, sinh học phân tử, Y học cổ truyền… đều phát triển mạnh các kỹ thuật chuyên sâu, không hề thua kém các nước trên thế giới và trong khu vực ASEAN.
Cận lâm sàng, hình ảnh học luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chẩn đoán, hỗ trợ điều trị các bệnh lý chuyên khoa. Đa phương thức hình ảnh học trong chuỗi bệnh lý tim mạch giúp tối ưu hóa điều trị đồng thời đem lại hiệu quả điều trị cao. Lĩnh vực X quang can thiệp đã góp phần chẩn đoán, điều trị xâm lấm tối thiểu nhiều bệnh lý phức tạp, khó của các chuyên khoa. Ứng dụng sinh học phân tử trong xác định, chẩn đoán sớm các bệnh lý di truyền hay ứng dụng điều trị trúng đích đã phát triển mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn.
Phấn đấu đạt các chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện
Song song với việc làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu, các bệnh viện trên địa bàn thành phố luôn cố gắng phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế từ các tổ chức uy tín đánh giá. Năm 2024,
Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện công lập đầu tiên đạt chứng nhận chất lượng quốc tế ACHS (Australian Council on Healthcare Standards). Bệnh viện Truyền máu Huyết học là bệnh viện công lập đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận Joint Commission International (JCI) - một trong những tiêu chuẩn uy tín hàng đầu thế giới về chất lượng và an toàn lĩnh vực y tế. Trước đó bệnh viện ngoài công lập có Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, Bệnh viện Quốc tế Mỹ, Bệnh viện Pháp Việt cũng đạt chứng nhận JCI.

Năm 2024, Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống y tế TP.HCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo” Đây không chỉ là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn hiện thực hóa mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể là:
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, xây dựng các bệnh viện hiện đại, mở rộng dịch vụ y tế theo mô hình cụm chuyên sâu.
- Quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của ngành y tế đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung Thành phố và hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn thành phố theo 3 cụm (Cụm y tế chuyên sâu khu vực trung tâm của Thành phố, Cụm y tế chuyên sâu tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Cụm y tế chuyên sâu tại thành phố Thủ Đức), mỗi cụm bao gồm: Trường Đại học khối ngành sức khỏe đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, bệnh viện Đại học, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đạt chuẩn chất lượng và chuẩn chuyên môn kỹ thuật ngang tầm các nước trong khu vực.
- Phát triển nhân lực y tế chất lượng cao, chuẩn hóa đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, phát triển các chuyên ngành y học mũi nhọn: Phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, phấn đấu đạt được chuẩn đào tạo quốc tế, thông qua việc cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao năng lực giảng viên, hợp tác quốc tế, đánh giá và kiểm định chất lượng theo các tiêu chí quốc tế.
- Phát triển kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật của người dân và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; Xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa từ bệnh viện tuyến cuối đến y tế cơ sở theo quy mô vùng; Phát triển thêm các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
- Hình thành và phát triển Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược của TP.HCM: Để nâng cao vị thế TP.HCM trên bản đồ y tế ASEAN, thành phố đang hướng đến xây dựng Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất thuốc, thiết bị y tế và sinh phẩm chất lượng cao.
- Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số và y tế thông minh để nâng cao hiệu quả điều trị và quản lý y tế.
- Phát triển du lịch y tế gắn liền với phát triển y học chuyên sâu và y học cổ truyền.
Mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đến làm việc và chuyển giao công nghệ.
- Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo y tế, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển mô hình bệnh viện thông minh.
Với chiến lược phát triển bền vững và sự quyết tâm của cả hệ thống, TP.HCM đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực ASEAN, chuyển mình cùng dân tộc trong kỷ nguyên mới. Thành phố không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu y tế của người dân trong nước mà còn thu hút bệnh nhân quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ y tế thế giới.