TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi: “Tư duy phản biện và sáng tạo rất quan trọng đối với bác sĩ Răng Hàm Mặt”
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhân lực y tế, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi là một gương mặt tiêu biểu, được đồng nghiệp và sinh viên quý trọng bởi tài năng, tâm huyết và những đóng góp quan trọng của ông trong sự nghiệp phát triển ngành Răng Hàm Mặt (RHM). Hiện nay, ông giữ vai trò Trưởng khối ngành Khoa học Sức khỏe, đồng thời là Trưởng khoa Răng Hàm Mặt tại Trường Đại học Văn Lang.
Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi đã dành cho Tạp chí Khoa học phổ thông cuộc phỏng vấn.

Nỗ lực xây dựng ngành RHM chất lượng cao
Thưa TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi, ông có thể chia sẻ về những nét nổi bật của Khoa Răng Hàm Mặt tại Trường Đại học Văn Lang trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế? Bên cạnh đó, Khoa Răng Hàm Mặt đã triển khai những chương trình đào tạo nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhân lực trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt?
TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi: Khoa Răng Hàm Mặt Văn Lang thành lập năm 2020, là đơn vị đào tạo ngành RHM thứ 17 trên toàn quốc và hiện chưa có khóa tốt nghiệp. Tuy nhiên, Khoa RHM Văn Lang triển khai đồng thời các chương trình đào tạo liên tục nhằm nâng cao chất lượng cho ngành RHM song hành cùng với chương trình đào tạo Bác sĩ RHM. Ngoài ra, Khoa RHM Văn Lang cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm mục đích cập nhật và nâng cao kiến thức cho cộng đồng BS.RHM.
Về những thành tựu đã đạt được, có thể kể đến các chương trình đào tạo liên tục của khoa RHM. Bắt đầu từ năm 2022 đến nay, khoa RHM Văn Lang đã đào tạo 36 khóa đào tạo liên tục, bao gồm 4 khóa Chỉnh hình răng mặt cơ bản, 3 khóa Cấy ghép nha khoa cơ bản, 8 khóa Phẫu thuật miệng cơ bản, 19 khóa Kiểm soát lây nhiễm trong thực hành nha khoa và 1 khóa Phương pháp dạy học lâm sàng, với tổng số học viên tham dự các khóa đào tạo liên tục là 1574 học viên.
Bên cạnh các khóa đào tạo liên tục, có thể kể đến các hội nghị, hội thảo. Từ năm 2021 đến 2024, Khoa RHM Văn Lang đã tổ chức 3 hội nghị quốc tế và 18 hội thảo. Số lượng hội thảo viên tham dự trung bình 300/ hội thảo và hội nghị có số lượng tham dự từ 500 – 1000 hội thảo viên… Trong các hội nghị quốc tế, khoa RHM Văn Lang đã mời gọi được những báo cáo viên hàng đầu thế giới trong chuyên ngành. Đó là lý do các hội nghị của khoa RHM Văn Lang thu hút rất đông hội thảo viên tham dự.
Xu thế phát triển, mở rộng các lĩnh vực đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học kéo theo việc cạnh tranh nguồn giảng viên là điều không tránh khỏi. Trường Đại học Văn Lang có những chiến lược gì để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên, bác sĩ có trình độ cao tham gia vào công tác giảng dạy và nghiên cứu?
- Nhân sự là vấn đề quan trọng nhất trong công tác đào tạo, đặc biệt là khối ngành sức khỏe. Chiến lược nhân sự của nhà trường là đảm bảo nguồn nhân sự giỏi, ổn định và gắn kết lâu dài với nhà trường. Lực lượng nhân sự không chỉ có những giảng viên giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm lâm sàng mà còn phải có lực lượng nhân sự tiềm năng kế thừa. Do đó, chiến lược nhân sự của nhà trường bao gồm mời gọi những chuyên gia đầu ngành và tuyển chọn những ứng viên tiềm năng.

Thông qua quan hệ cá nhân, khoa RHM đã mời gọi được những giảng viên là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chuyên sâu của ngành. Để giữ chân được các giảng viên giỏi như vậy, vấn đề không chỉ là mức thu nhập tương xứng, mà quan trọng hơn là tạo được một môi trường làm việc mà các giảng viên cảm nhận được sự tôn trọng, sự ghi nhận công sức đóng góp và có thể cống hiến hết sức mình. Với các giảng viên trẻ tiềm năng, bên cạnh mức thu nhập thỏa đáng, nhà trường có chính sách đào tạo, hỗ trợ đào tạo và thăng tiến nghề nghiệp cho các giảng viên. Nhiều giảng viên giỏi và kinh nghiệm cũng là yếu tố quan trọng để các giảng viên trẻ, tiềm năng gắn kết với nhà trường vì họ sẽ được học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ những người đi trước.
Số lượng giảng viên của khoa Răng hàm mặt Văn Lang hiện nay có 51 giảng viên, xếp thứ 3 sau Viện đào tạo Răng hàm mặt Đại học Y Hà Nội và Khoa RHM Trường Đại học Y Dược TP.HCM, trong đó có 1 PGS, 15 Tiến sĩ/Bác sĩ chuyên khoa 2, 26 Thạc sĩ. Ngoài ra, khoa RHM còn mời giảng viên thỉnh giảng là những giảng viên giỏi, chủ yếu là Tiến sĩ/Bác sĩ chuyên khoa 2 với nhiều kinh nghiệm lâm sàng với số lượng trung bình 10 giảng viên/ học kỳ.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Khoa của ông đã có những hợp tác quốc tế nào nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt?
- Về hợp tác quốc tế, Khoa RHM đã ký MOU với Khoa Nha Đại học Seoul, Hàn Quốc, Khoa Nha Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, Khoa Nha Đại học Airlangga, Indonesia, Khoa Nha Đại học Puthisastra, Cambodia... Khoa đã triển khai công tác trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên, hợp tác nghiên cứu với các bài công bố quốc tế chung. Hoạt động trao đổi sinh viên đã tạo niềm hứng khởi cho sinh viên khi được giao lưu quốc tế với các trường bạn. Đầu năm 2025, Khoa RHM Văn Lang cũng đã phối hợp với Đại học Kasetsart (Thái Lan), Đại học Puthisastra (Campuchia) Ecam LaSalle (Pháp) tổ chức hội nghị quốc tế về Sức khỏe số tại Phnom Penh (9/2/2025).

Sắp tới, Khoa RHM Văn Lang sẽ có hợp tác với Đại học Kasetsart (Thái Lan), một trường mạnh về lĩnh vực công nghệ số trong nghiên cứu lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật số và AI trong nha khoa, một xu hướng mới hiện nay trên thế giới. Đồng thời, Khoa RHM Văn Lang cũng có những nghiên cứu hợp tác với khoa Nha Trường Đại học Mahidol (Thái Lan) và khoa Nha Trường Đại học Puthisastra (Cambodia).
Ông nhận định như thế nào về xu hướng phát triển của khối ngành sức khỏe nói chung và ngành Răng Hàm Mặt nói riêng trong tương lai và Khoa RHM đã chuẩn bị như thế nào để đáp ứng những thay đổi này?
- Xu hướng phát triển hiện nay của khối ngành sức khỏe nói chung và ngành RHM nói riêng liên quan với công nghệ số và AI. Có thể nói khoa RHM Văn Lang là đơn vị đi đầu trong đào tạo nha khoa kỹ thuật số tại Việt Nam. Hiện khoa RHM Văn Lang trang bị 8 máy quét kỹ thuật số cho sinh viên thực hành lấy dấu kỹ thuật số. Việc thực hành mô phỏng được chấm điểm với phần mềm Prepcheck, đảm bảo tính khách quan và sinh viên hiểu rõ được những sai sót của mình. Trong điều trị, sinh viên được kiến tập và thiết kế hàm khung với phần mềm kỹ thuật số, thực hành máng nhai kỹ thuật số, thực hành in khí cụ chỉnh nha 3D, thực hành phân tích phim với phần mềm phân tích có hỗ trợ AI…
Bên cạnh đó, nhu cầu thẩm mỹ của cộng đồng ngày càng nâng cao và khoa RHM Văn Lang triển khai những học phần đào tạo tích hợp điều trị liên chuyên khoa, giúp sinh viên tiếp cận những xu hướng hiện đại nhất hiện nay, đáp ứng được nhu cầu thực tế của bệnh nhân khi ra trường làm việc.
Ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng?
- Nghiên cứu khoa học là một cột trụ quan trọng của trường Đại học, vì Đại học phải là nơi sản sinh kiến thức mới. Con đường duy nhất sản sinh ra kiến thức mới chính là nghiên cứu khoa học. Khoa RHM Văn Lang có 4 định hướng nghiên cứu khoa học bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu lĩnh vực nha khoa cộng đồng và giáo dục y khoa trong nha khoa.
Với nghiên cứu cơ bản, nhà trường có kế hoạch đầu tư lab sinh học phân tử hiện đại, với tổng kinh phí 43 tỉ đồng chia làm 2 giai đoạn sử dụng chung cho khối ngành sức khỏe, trong đó có khoa RHM. Bên cạnh đó, những thiết bị hiện đại của nhà trường đầu tư cho Khoa RHM có thể sử dụng cho mục đích giảng dạy và nghiên cứu. Chúng tôi đã có những nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực RHM và một số đề tài đã hoàn tất, chờ công bố.
Lĩnh vực nha khoa lâm sàng, chúng tôi tập trung hai mũi nhọn là nghiên cứu về lĩnh vực cấy ghép nha khoa và chỉnh hình răng mặt theo hướng công nghệ số hóa và áp dụng AI. Các đề tài này đang được xây dựng và hợp tác nghiên cứu với các đối tác quốc tế. Trong năm qua, khoa RHM đã có 7 công bố quốc tế về lĩnh vực nha khoa lâm sàng.
Lĩnh vực nha khoa cộng đồng, chúng tôi định nghiên cứu lĩnh vực lão nha. Đối tượng trên 65 tuổi ngày càng tăng. Sức khỏe răng miệng người già là vấn đề cần nghiên cứu nhằm có những giải pháp thích hợp trong điều trị răng miệng cho người cao tuổi. Chúng tôi đang có một đề tài cấp bộ về lĩnh vực lão nha, dự kiến sẽ tiến hành trong năm 2025 này.
Giáo dục y học trong lĩnh vực nha khoa cũng là vấn đề quan trọng không kém trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Chúng tôi đã có 2 đề tài trong lĩnh vực này, trong đó 1 đề tài đã hoàn tất và nộp công bố quốc tế và một đề tài đang tiến hành.
Nghiên cứu khoa học giúp công tác đào tạo nghiên cứu cho sinh viên về phương pháp nghiên cứu và hiện nay Khoa RHM có 7 đề tài nghiên cứu sinh viên đang tiến hành. Một đề tài sinh viên Khoa RHM báo cáo trong hội nghị Quốc tế tiểu vùng sông Mê Kông (12/2024) đã được giải ba.
Kiểm soát chất lượng
Được biết khoa của ông chỉ nhận đào tạo mỗi năm 100 chỉ tiêu trong khi nhu cầu của xã hội rất lớn, ông có thể chia sẻ về câu chuyện này?
- Vấn đề chất lượng đào tạo là quan trọng nhất. Do đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo, chúng tôi đề xuất với nhà trường là giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh 100 chỉ tiêu/ năm, mặc dù năng lực tuyển sinh của Khoa RHM theo quy định có thể lên con số trên 200 sinh viên/năm.
Ngành RHM có đặc thù quan trọng là thực hành điều trị trực tiếp trên bệnh nhân. Đề đạt yêu cầu chất lượng điều trị, sinh viên phải đảm bảo các chỉ tiêu lâm sàng như nhổ răng, trám răng, điều trị nội nha, làm phục hình… Mặc dù chúng tôi đào tạo rất kỹ các kỹ năng điều trị trên mô hình, nhưng nếu không có trải nghiệm lâm sàng, chắc chắn sinh viên sẽ không đủ tự tin khi điều trị cho bệnh nhân. Ví dụ như để sinh viên có thể nhổ răng hay trám một cách tự tin cho bệnh nhân khi ra trường, chúng tôi đặt chỉ tiêu là mỗi sinh viên phải nhổ được 30 răng, trám được 20 răng khi tốt nghiệp. Nếu tuyển sinh 100 sinh viên/năm, sẽ cần 3000 răng để nhổ và 2000 răng để trám. Để có được số lượng bệnh nhân đủ cho 100 sinh viên thực hành đã là một việc rất khó khăn.

Trong quá trình giảng dạy, ông đặt ra những tiêu chí nào để đào tạo sinh viên trở thành những bác sĩ Răng Hàm Mặt giỏi cả về chuyên môn lẫn y đức?
- Để đào tạo sinh viên trở thành những bác sĩ Răng Hàm Mặt giỏi cả về chuyên môn lẫn y đức, chúng tôi đã thiết kế chuẩn đầu ra dựa trên khảo sát ý kiến các bên liên quan và tham khảo chuẩn đầu ra các trường tốp đầu trên thế giới. Sau đó, chúng tôi xây dựng các phương pháp lượng giá phù hợp để đánh giá các chuẩn đầu ra và xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở các chuẩn đầu ra này. Trong quá trình đào tạo, các giảng viên sẽ theo sát các em và đánh giá tất cả các vấn đề từ chuyên môn đến giao tiếp trong suốt quá trình thực hành. Các giảng viên sẽ luôn có đánh giá và phản hồi để các em sửa chữa những điều chưa đạt được về chuyên môn, thái độ, khả năng giao tiếp…
Cuối cùng, ông có lời khuyên nào dành cho các sinh viên đang theo học ngành Răng Hàm Mặt và những học sinh đang có ý định đăng ký theo học khối ngành sức khỏe để họ có thể trở thành những bác sĩ giỏi trong tương lai?
- Tôi cho rằng, tốt nghiệp bác sĩ RHM mới chỉ là bước khởi đầu mà thôi. Đào tạo đại học trong chuyên ngành RHM tại Việt Nam cũng như trên thế giới là đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát. Thực tế cho thấy, thực hành tổng quát giải quyết được khoảng 50% vấn đề sức khỏe răng miệng trong cộng đồng, nhưng 50% còn lại đòi hỏi có kiến thức chuyên sâu. Chính vì vậy, nếu không tiếp tục học thì sẽ không bao giờ trở thành một bác sĩ giỏi. Do đó, sau khi tốt nghiệp và thực hành để có chứng chỉ hành nghề, có thể lựa chọn một chuyên ngành phù hợp để có thể tiếp tục nâng cao kiến thức và kỹ năng. Hiện tại, khoa RHM có chương trình đào tạo liên tục và nâng cao cho tất cả các chuyên ngành trong lĩnh vực răng hàm mặt và sẽ có chính sách ưu đãi cho sinh viên RHM Văn Lang.
Một bác sĩ giỏi không chỉ có kiến thức mà phải có kỹ năng thuần thục, khả năng tư duy và một điều quan trọng không kém là đảm bảo tính chuyên nghiệp. Cho nên, bên cạnh việc trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng thì các em cần rèn luyện khả năng tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện và tư duy sáng tạo. Mỗi trường hợp lâm sàng là một thực tế khác nhau, đòi hỏi phải vận dụng kiến thức và kỹ năng trong chẩn đoán và điều trị mới có thể thành công. Điều này đòi hỏi phải có tư duy phản biện và tư duy sáng tạo, chứ không áp dụng kiến thức một cách máy móc.
Ngoài ra, để trở thành một bác sĩ giỏi, việc tự học là rất quan trọng. Khả năng tự học quyết định hơn 70% trong việc trở thành một bác sĩ giỏi, bởi vì ngành y nói chung và RHM nói riêng đòi hỏi việc học liên tục và suốt đời.
Xin cám ơn TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi.