Y học

Bệnh viện Nhân dân 115: Những cánh chim không mỏi trong chuyên ngành Hồi sức - cấp cứu và Đột quỵ

Võ Liên 25/02/2025 05:53

Mỗi ngày tiếp nhận hơn 350 lượt người bệnh cấp cứu, không chỉ chạy đua với tử thần để giành sự sống cho người bệnh, các bác sĩ khoa Cấp cứu - hồi sức, Bệnh viện Nhân dân 115 còn là những người phải thường xuyên trải qua nhiều cung bậc cảm xúc vui, buồn và cả những trăn trở với công việc của mình.

benh-vien-nhan-dan-115.jpg
ThS.BS CKII Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025), Tạp chí Khoa học phổ thông - Thời sự y học đã có cuộc trò chuyện với ThS.BS CKII Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 về những chiến binh áo trắng nơi "đầu sóng ngọn gió" - bác sĩ ở lĩnh vực Cấp cứu - hồi sức.

Hạnh phúc vì "Người bệnh đã bình an"

Có gần 20 năm gắn bó với bệnh viện trong lĩnh vực Cấp cứu - hồi sức, đâu là điều thôi thúc bác sĩ gắn bó với lĩnh vực này?

ThS.BS.CKII Trần Văn Sóng: Tôi có gần 20 năm công tác trong lĩnh vực Cấp cứu - hồi sức - một lĩnh vực mà những người trong nghề vẫn gọi là nơi "đầu sóng ngọn gió". Quả thật, đây là nơi tiếp nhận người bệnh nặng nhất, cần cấp cứu khẩn trương nhất. Y bác sĩ công tác ở khoa gần như không có khái niệm Tết vì thường trực theo ca kíp, nhất là khi những ngày lễ Tết, số lượng người bệnh nặng, nguy kịch từ các tuyến chuyển đến tăng hơn ngày thường.

Trong suốt quá trình công tác, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện về người bệnh, trong lòng có nhiều cảm xúc vui, buồn và cả những trăn trở với nghề. Điều mong mỏi lớn nhất của một bác sĩ Cấp cứu - hồi sức là người bệnh được qua cơn nguy kịch, bình an trở về với cuộc sống bình thường.

hinh-2-giam-doc-bv-nhan-dan-115-tro-chuyen-cung-pho-tbt-phu-trach-tap-chi-khpt-bui-huong-24-2.jpg
ThS.BS.CKII Trần Văn Sóng chia sẻ với ThS. Nhà báo Bùi Hương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông về công việc của người thầy thuốc

Sau những đêm trực, chúng tôi vẫn thường suy nghĩ, bàn luận về những ca bệnh nặng, phức tạp và luôn đặt câu hỏi rằng chúng ta đã nỗ lực đến cùng chưa. Nhiều bác sĩ Cấp cứu - hồi sức vẫn gắn bó với nghề suốt mấy chục năm trời, dù đây là một chuyên ngành vất vả, căng thẳng và có mức thu nhập thấp hơn so với nhiều chuyên khoa khác. Nhưng sự yêu nghề, niềm vui và hạnh phúc khi cứu sống người bệnh chính là động lực lớn nhất để chúng tôi tiếp tục vững bước.

Điều gì đã giữ chân các bác sĩ Cấp cứu - hồi sức bám trụ với người bệnh, thưa bác sĩ?

Mười mấy năm trước, việc tìm kiếm bác sĩ gắn bó lâu dài với Khoa Cấp cứu - hồi sức không hề dễ dàng. Thế nhưng, hiện nay, ngày càng có nhiều bác sĩ trẻ không ngại khó, không ngại khổ muốn dấn thân và theo đuổi chuyên ngành này. Giờ đây có thể nói số lượng bác sĩ tại khoa Cấp cứu - hồi sức Bệnh viện Nhân dân 115 là không thiếu. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Mỗi bác sĩ đều có ước mơ và định hướng nghề nghiệp riêng, đối với bác sĩ Cấp cứu - hồi sức, cứu chữa được nhiều người bệnh nặng chính là nguồn động lực lớn nhất.

Với vai trò là bệnh viện tuyến cuối, trong suốt 20 năm qua, Bệnh viện Nhân dân 115 luôn chú trọng đầu tư phát triển theo 5 hướng chuyên khoa mũi nhọn như đột quỵ, tim mạch, thận niệu, chẩn đoán hình ảnh – can thiệp mạch máu thần kinh và Cấp cứu - hồi sức. Lãnh đạo bệnh viện qua các thời kỳ đều chung một suy nghĩ: "Chúng ta là bệnh viện tuyến cuối của ngành Y tế thành phố, nếu chúng ta không đủ điều kiện điều trị cho các người bệnh nặng, bệnh viện nào sẽ điều trị?". Chính sự trăn trở này mà Bệnh viện Nhân dân 115 không ngừng đầu tư phát triển y tế chuyên sâu, chuyển giao các kỹ thuật trong đó có lĩnh vực đột quỵ, Cấp cứu - hồi sức cho nhiều bệnh viện trong và ngoài thành phố, qua đó, người bệnh cũng như nhiều cơ sở y tế khác biết đến và tin tưởng Bệnh viện Nhân dân 115 hơn.

Tôi nghĩ rằng, giá trị nhân văn và ý nghĩa về sự sống khi cứu chữa người bệnh còn lớn hơn gấp nhiều lần những giá trị khác và không thể đong đếm được.

Hiện nay, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng bao nhiêu ca cấp cứu, thưa bác sĩ?

Hiện tại, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận trung bình 350 ca mỗi ngày, trong đó có nhiều ca đa chấn thương, đột quỵ cần hồi sức can thiệp cấp cứu (riêng đột quỵ chiếm từ 40 - 50 ca). Với số lượng người bệnh cấp cứu lớn như vậy, bệnh viện đã tổ chức 4 khoa hồi sức để đáp ứng nhu cầu điều trị. Mỗi ngày, bệnh viện luôn có trên 100 người bệnh nặng phải thở máy, cao hơn nhiều so với nhiều bệnh viện khác. Cũng chính vì điều này, đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện rất thành thạo các kỹ năng Cấp cứu - hồi sức. So với những năm trước, chất lượng điều trị hiện tại đã tiến bộ vượt bậc và là mũi nhọn chuyên sâu của bệnh viện. Nếu người bệnh diễn biến nặng, các bác sĩ đều có kỹ năng can thiệp kịp thời ngay tại chỗ, trước khi đội hồi sức chuyên sâu có mặt.

Nỗ lực đưa kỹ thuật chuyên sâu về Việt Nam

Khi điều trị có những người trở về cuộc sống bình thường, tuy nhiên có những ca rất nặng, ngoài mong đợi. Ngoài những trăn trở, anh mong muốn điều gì để ngành y tế phát triển hỗ trợ cho người bệnh tốt hơn?

Có những trường hợp ngay cả y học hiện nay cũng không giải quyết được, nhưng có những kỹ thuật mà thế giới đã làm được từ lâu, nhưng Việt Nam vẫn chưa làm được. Chẳng hạn, trong điều trị đột quỵ cấp, trước đây chúng ta chỉ dùng thuốc thông thường, trong khi thế giới đã sử dụng thuốc tiêu cục máu đông trong mạch máu não hoặc sử dụng dụng cụ hút lấy cục máu đông gây đột quỵ.

Đến năm 2009 và 2012, Việt Nam mới triển khai được 02 kỹ thuật này giúp người bệnh đột quỵ yếu liệt, hôn mê hồi phục ngoạn mục. Từ đó, các bác sĩ đều mong mỏi rằng phải làm sao để chúng ta có thể tiếp cận kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến của thế giới, làm sao có phương tiện trang thiết bị hiện đại để mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Chúng tôi luôn cảm ơn các thế hệ lãnh đạo của bệnh viện đã luôn trăn trở, đồng sức, đồng lòng đối với câu chuyện đưa kỹ thuật chuyên sâu về bệnh viện. Nhìn lại hành trình 36 năm hình thành và phát triển bệnh viện, đã ghi dấu ấn với nhiều thành tựu trong lĩnh vực phát triển y tế chuyên sâu. Chính nhờ những kỹ thuật chuyên sâu này đã giúp cứu sống được nhiều người bệnh, giảm tử vong và tàn phế, đưa người bệnh trở về với cuộc sống bình thường.

benh-vien-115-24-2-2025.jpg
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 luôn trong tình trạng đông kín bệnh nhân

Bác sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn kỹ thuật chuyên sâu của bệnh viện?

Thế mạnh lớn nhất của Bệnh viện Nhân dân 115 vẫn là cấp cứu đột quỵ, đặc biệt bệnh viện liên tục tham gia các nghiên cứu mở rộng "giờ vàng" theo các khuyến cáo mới nhất của Hội đột quỵ thế giới trong điều trị đột quỵ và đã đạt được nhiều thành công. Nếu trước đây, "giờ vàng" để can thiệp là 6 giờ, nay, nhờ hợp tác với Đại học Stanford (Hoa Kỳ), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp con số này mở rộng lên 24 giờ. Điều này giúp tăng cơ hội cứu sống người bệnh đến muộn. Chúng tôi đang cùng với các bệnh viện tiếp tục nghiên cứu để kéo dài "cửa sổ giờ vàng" lên 30 giờ. Đây là bước tiến quan trọng để người bệnh ở vùng sâu, vùng xa có thêm cơ hội tiếp cận y tế chuyên sâu.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng được Sở Y tế TP.HCM giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho các bệnh viện trong và ngoài thành phố. Thực tế hiện nay, nhiều đơn vị đã nhận chuyển giao kỹ thuật mới trong điều trị đột quỵ từ Bệnh viện Nhân dân 115 và chúng tôi kỳ vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều trung tâm y tế chuyên sâu, đặc biệt là Trung tâm điều trị đột quỵ, giúp người bệnh tiếp cận y tế chuyên sâu dễ dàng hơn thay vì phải di chuyển xa như hiện nay.

Dù chỉ 1% hy vọng, chúng tôi vẫn không từ bỏ điều trị

Đâu là ca bệnh mà bác sĩ nhớ nhất?

Mỗi ngày, khoa Cấp cứu tiếp nhận hàng trăm người bệnh, mỗi người bệnh là một số phận, một câu chuyện riêng. Có những trường hợp khỏe mạnh, đột ngột ngưng tim dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, gây ra cú sốc lớn cho gia đình. Khi ấy, các bác sĩ kíp trực của các chuyên khoa cùng chạy đua với thời gian để cấp cứu, hồi sức cho người bệnh, tận dụng mọi cơ hội dù mong manh nhất để giành giật sự sống cho người bệnh. Trong y khoa, 1% vẫn là hy vọng, và đôi khi, chính những hy vọng nhỏ bé ấy lại mang đến những kỳ tích không ngờ.

Tôi vẫn còn nhớ những ca tưởng chừng như không qua khỏi, bệnh viện huy động toàn lực để cứu chữa, nhiều kíp phẫu thuật cùng can thiệp, chạy đua với thời gian, có những lúc tưởng chừng như không thể, nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc. Mới đây, trường hợp một người bệnh gần 50 tuổi, bị xuất huyết não lượng nhiều do vỡ dị dạng mạch máu não, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng rất xấu, khi ấy, bệnh viện đã huy động các chuyên gia từ các khoa cấp cứu, hồi sức, gây mê, đột quỵ, can thiệp mạch máu não, ngoại thần kinh, chẩn đoán hình ảnh cùng phối hợp can thiệp cho người bệnh.

benh-vien-115.jpg

Sau đó, người bệnh phải trải qua nhiều lần can thiệp, nhiều lần phẫu thuật, nằm hồi sức kéo dài. Nếu bệnh viện không có đủ các chuyên khoa sâu, như vừa phẫu thuật thần kinh, điều trị đột quỵ, can thiệp mạch máu não bằng DSA, không có bộ phận hồi sức tốt, khó để điều trị người bệnh một cách tốt nhất. Thật sự kết quả ngoài mong đợi, người bệnh đã được cứu sống một cách ngoạn mục, trở lại cuộc sống, đi làm bình thường. Nhiều người bây giờ vẫn nhắc đến trường hợp đó để thấy vai trò của y tế chuyên sâu, cùng với tay nghề chuyên môn của bác sĩ bệnh viện đã làm được rất nhiều điều cho người bệnh nặng. Đó là một trong nhiều ca điển hình mà tôi nhớ mãi.

benh-vien-115-24-2.jpg
Tìm mọi cách để cứu những ca tổn thương não

Gắn bó với bệnh viện hơn 20 năm, chứng kiến nhiều thế hệ bác sĩ đến và đi, bác sĩ có điều gì truyền cảm hứng từ hành trình này?

Tôi đã làm việc tại Bệnh viện Nhân dân 115 được 25 năm. Trước đây, để giữ chân một bác sĩ Cấp cứu - hồi sức là điều vô cùng khó khăn. Nhân lực hồi sức cấp cứu luôn thiếu hụt, khi một người rời đi, người còn lại phải gánh vác, khối lượng công việc nặng nề hơn. Dù có bác sĩ từ các khoa khác đến tăng cường, nhưng họ không thể thay thế hoàn toàn bác sĩ chuyên về Cấp cứu - hồi sức.

Khi còn là bác sĩ trẻ, khi một ai đó rời khỏi khoa Cấp cứu - hồi sức, tôi cảm thấy buồn, chứng kiến họ chuyển sang khoa khác, tôi không khỏi chạnh lòng, thậm chí có chút trách móc: "Tại sao những nơi rất cần bác sĩ, sao không ở lại?".

Nhưng về sau, suy nghĩ của tôi thay đổi. Mỗi bác sĩ đều có đam mê và thế mạnh riêng, dù làm ở đâu, nhân viên y tế vẫn đang tiếp tục cống hiến vì sức khỏe cộng đồng. Ngành này đòi hỏi sự tận tâm rất lớn, nếu không thực sự yêu thích mà gượng ép làm việc, cũng không thể đạt được kết quả tốt, không thể toàn tâm toàn ý với người bệnh.

Chính vì vậy, khi giữ vai trò lãnh đạo khoa cấp cứu, tôi càng thấu hiểu hơn. Tôi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng bác sĩ, nếu hợp lý, tôi sẵn sàng tạo điều kiện để họ được làm đúng chuyên ngành yêu thích.

Khi đảm nhận vai trò lãnh đạo bệnh viện, tôi càng thấy rõ một nhân viên y tế xin chuyển từ bệnh viện công sang hệ thống tư nhân là điều bình thường. Hệ thống y tế tư nhân có những lợi thế riêng, một số bác sĩ có thể phát huy tốt năng lực trong hệ thống y tế tư. Điều đó có lợi cho người bệnh. Chúng ta nên nhìn nhận một cách tích cực rằng, Bệnh viện Nhân dân 115 luôn cần sự hợp tác hỗ trợ với các đơn vị y tế để phát triển, tích cực tham gia mạng lưới chăm sóc y tế, đặc biệt y tế chuyên sâu, để y tế chuyên sâu đến được mọi tầng lớp trong cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng việc đào tạo lớp kế thừa để gánh vác trọng trách của bệnh viện trong tương lai như mô hình Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ 4.0 của bệnh viện. Chúng tôi có niềm tin về một thế hệ bác sĩ trẻ giỏi chuyên môn, giàu y đức, giỏi ngoại ngữ và khoa học công nghệ. Một người rời vị trí, phải có người khác sẵn sàng tiếp nhận công việc đó, để không bị khuyết, dù chỉ một ngày.

hinh-3-khoa-cap-cuu-benh-vien-nhan-dan-115-moi-ngay-tiep-nhan-khoang-350-ca-benh-1-.jpg
ThS.BS.CKII Khâu Minh Tuấn - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115 kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân lớn tuổi tại khoa

Bệnh viện có những hoạt động gì nhân ngày vui của ngành 27/2 không, thưa bác sĩ?

Vui cùng niềm vui của ngành, chúng tôi vẫn luôn hướng đến người bệnh. Ngày 27/2 tới, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ tổ chức nhiều hoạt động hướng tới sự kiện quan trọng của ngành y tế, đồng thời tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển y tế chuyên sâu, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị đột quỵ. Bệnh viện không chỉ tập trung nâng cao chất lượng điều trị mà còn đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cho nhiều đơn vị trong và ngoài thành phố, góp phần mở rộng mạng lưới đột quỵ, hình thành nhiều trung tâm chuyên sâu.

Có thể nói, dịp 27/2 năm nay mang đến niềm vui lớn cho tập thể bệnh viện, khi ngay từ đầu năm, đội ngũ y bác sĩ đã làm việc hăng say, người bệnh tin tưởng đến khám chữa bệnh đông hơn, dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Bệnh viện cũng phát động phong trào nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo người bệnh được chăm sóc tốt nhất. Nhiều người bệnh sau khi điều trị đã gửi lời khen ngợi, tạo động lực để đội ngũ y bác sĩ tiếp tục cố gắng.

Bên cạnh đó, bệnh viện giao nhiệm vụ cho từng chuyên khoa mũi nhọn chủ động phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu sẵn sàng triển khai thực hiện sứ mệnh mới khi hạ tầng, trang thiết bị hiện đại được đầu tư, trang bị. Bệnh viện sẽ tiếp tục mở rộng thêm mũi nhọn chuyên sâu góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo định hướng và chỉ đạo của lãnh đạo ngành y tế thành phố.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Võ Liên