Giáo dục

Đại học Quốc gia TP.HCM đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

HOÀNG NGUYỄN 23/02/2025 - 13:57

Sáng 23/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Đại học Quốc gia TP.HCM.

2.dhqg-tphcm-don-nhan-huan-chuong-lao-dong-hang-nhat.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đại học Quốc gia TP.HCM.

Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên...; đại diện các bộ, ban, ngành; lãnh đạo TP.HCM và nhiều tỉnh: Kon Tum, Bình Thuận, Bình Phước, An Giang, Kiên Giang, Ninh Thuận, Quảng Nam, Bình Dương, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cà Mau, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu...

lanh-dao-tham-du-kn-30-nam-dhqag-hcm.jpg
Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự sự kiện: (phải qua trái): Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi trọng và sử dụng nhân tài với triết lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Thầy giáo Chu Văn An đã nói: “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Truyền thuyết Thánh Gióng có lẽ là minh chứng đầu tiên trong lịch sử dân tộc về việc trọng dụng nhân tài. Cách đây gần 1.000 năm, nhà Lý đã tổ chức khoa thi đầu tiên với để tuyển chọn nhân tài tham gia bộ máy quản lý điều hành đất nước. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 20/11/1946 Bác Hồ đã ra thông báo “Tìm người tài đức”. Bác khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Năm 1945, đất nước ta giành được độc lập. Nhưng ngay sau đó là 2 cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ, kéo dài đến năm 1975 mới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu thời kỳ đổi mới, mở cửa thì cũng là lúc phải đối diện với thách thức của một nước nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, trải qua thời kỳ dài trong cơ chế bao cấp, bị bao vây cấm vận.

Nền giáo dục đại học, từ mô hình quản lý đến công tác đào tạo cũng không nằm ngoài cơ chế bao cấp này. Chương trình đào tạo phần lớn theo mô hình Liên Xô và các nước Đông Âu: đơn ngành, đơn lĩnh vực; chưa tiệm cận với xu hướng quốc tế.

"Trong bối cảnh đó, năm 1995, ĐHQG -HCM đã được thành lập tại Nghị định số 16/CP của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo và tâm huyết của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – người đã có tầm nhìn chiến lược về một hệ thống đại học trọng điểm phía Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể nói, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành của ĐHQG -HCM, mà còn truyền cảm hứng về khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học Việt Nam", PGS.TS Vũ Hải Quân khẳng định.

pgs-ts-vu-hai-quan.jpg
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại sự kiện.

Là "cái nôi" đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ cấp chiến lược cho đất nước

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, trong 30 năm qua, đóng góp lớn nhất của ĐHQG-HCM là đã đào tạo và cung cấp gần 400.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ; là cái nôi đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ cấp chiến lược cho đất nước trong đó nhiều lãnh đạo giữ vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước; tiền thân là bác Nguyễn Minh Triết, bác Trương Tấn Sang và cô Đặng Thị Ngọc Thịnh đang ngồi đây; nhiều doanh nhân thành đạt, nhà khoa học đầu ngành, có uy tín trong và ngoài nước đã trưởng thành từ đây.

ĐHQG-HCM là đơn vị tiên phong thí điểm mở các ngành đào tạo mới: trí tuệ nhân tạo, chip - bán dẫn, các chương trình tài năng; dẫn đầu về số chương trình được xếp hạng thế giới: nếu như năm 2021, ĐHQG-HCM chỉ có 1 ngành thì năm 2025, ĐHQG-HCM đã có 17 ngành, 3 lĩnh vực được xếp hạng trong đó có đến 14 ngành thuộc top 500 thế giới; dẫn đầu cả nước với 154 chương trình được kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế;

ĐHQG-HCM là đơn vị dẫn đầu về số bài báo công bố quốc tế với dấu mốc ấn tượng gần 3.200 bài báo trong danh mục Scopus năm 2024, chiếm 13.6% tổng công bố của cả nước; là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ với nhiều bằng sáng chế quốc tế, đạt doanh thu trung bình 250-300 tỷ mỗi năm.

Với sứ mệnh phục vụ cộng đồng, ĐHQG-HCM tiên phong trong chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh, triển khai thực hiện được 11.000 công trình thanh niên, xây và sửa chữa 1.500 nhà tình nghĩa; bê tông hóa, nâng cấp, sửa chữa 230 km đường, 90 cầu nông thôn;

ĐHQG-HCM đã ký kết và triển khai hiệu quả hợp tác với 14 tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở vào cùng hàng trăm trường đại học, tổ chức quốc tế; tích cực phối hợp cùng các đối tác quốc tế triển khai nhiều dự án lớn với tổng kinh phí nhiều trăm triệu USD.

ĐHQG-HCM đã phát triển Khu đô thị đại học xanh, thân thiện, hiện đại đầu tiên của cả nước với hệ thống giao thông được kết nối đồng bộ. Nơi đây, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, từ ý tưởng và chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Minh Triết, đồng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng về việc xây dựng ký túc xá từ nguồn đầu tư của địa phương và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, khu ký túc xá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với hơn 50.000 chỗ ở đã được hoàn thành.

Đất nước cần những “Thánh Gióng thế hệ mới”

"Trong bối cảnh thế giới không ngừng biến đổi với rất nhiều thách thức và cơ hội mới, để không bị bỏ lại phía sau, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất vượt qua thách thức bằng lợi thế nhân tài. Đất nước cần những thế hệ Thánh Gióng mới để vươn mình phát triển.

ĐHQG-HCM bước vào kỷ nguyên mới với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam; gánh trên vai sứ mệnh kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới cho đất nước; tiên phong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!", PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

Giám đốc ĐHQG-HCM bày tỏ mong muốn các thầy cô giáo không ngừng nỗ lực, miệt mài nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để tìm ra tri thức mới, công nghệ mới, những giá trị văn hóa đặc sắc mới; giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam.

"Thầy mong các em sinh viên chăm chỉ, cần mẫn học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành công dân của kỷ nguyên mới, có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, có tư duy khởi nghiệp; có đủ nhân lễ nghĩa trí tín; làm chủ, vận dụng sáng tạo tri thức, sớm đưa đất nước ta trở thành nước phát triển. Đất nước cần các em - những Thánh Gióng thế hệ mới", PGS.TS Vũ Hải Quân nhắn nhủ đến sinh viên.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, cũng như những đại học quốc gia khác ở châu Á, châu Âu luôn được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển, hai ĐHQG đang sở hữu đội ngũ lớn nhất cả nước với khoảng 4000 giảng viên nhà khoa học có trình độ từ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư; có công bố quốc tế chiếm 21/% tổng công bố cả nước; là hệ thống đại học đa ngành đa lĩnh vực có quy mô đào tạo lớn nhất nước; có tổng diện tích quy hoạch gần 2.000 ha; có hợp tác chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp; có vị trí cao trên bản đồ giáo dục đại học của thế giới.

Với khát vọng hiện thực hóa tầm nhìn các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước về một cơ sở giáo dục đại học hàng đầu đất nước, mang tầm quốc tế, về một hệ sinh thái giáo dục - khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo của Việt Nam, kết nối với khu vực và thế giới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số, tại sự kiện, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM đề nghị:

  • Chính phủ sớm ban hành Nghị định về Đại học quốc gia theo hướng tăng quyền tự chủ nhiều hơn hơn so với giai đoạn trước; ĐHQG mong muốn có thay đổi căn bản và toàn diện từ tư duy quản lý hành chính sang quản trị; được giao quyền, ủy quyền nhiều hơn trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu; được tiếp tục là đơn vị dự toán cấp 1 và có dấu quốc huy.
  • Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ ĐHQG-HCM tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư tài chính, quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính để sớm hoàn thành Khu đô thị ĐHQG-HCM.

HOÀNG NGUYỄN