GS.TS Ngô Thị Phương Lan: Cộng đồng học thuật cần có trách nhiệm với môi trường
Theo GS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cộng đồng học thuật cần có trách nhiệm với môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Trong những năm gần đây, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM) đã tiên phong xây dựng mô hình “Đại học Xanh”, đẩy mạnh thực hiện quốc tế hoá chương trình đào tạo, tự chủ đại học,... trở thành một điểm sáng trong các trường đại học phía nam nói chung và cả nước nói riêng.
Nhân dịp năm mới, Tạp chí Khoa học phổ thông đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM.
![gs-ts-ngo-thi-phuong-lan-2.jpg](https://khpt.1cdn.vn/2025/02/14/gs-ts-ngo-thi-phuong-lan-2.jpg)
Nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường
Chương trình "Đại học Xanh" của nhà trường vừa trải qua giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, bà đánh giá kết quả như thế nào?
Mô hình Đại học Xanh có 3 giai đoạn được thực hiện cụ thể theo năm học là: giai đoạn 1 (2018-2022) - Nhận thức Xanh; giai đoạn 2 (2022-2026) - Hành động Xanh; giai đoạn 3 (2026-2030) - Văn hóa Xanh. Nhà trường thực hiện chương trình này nhằm tạo môi trường để viên chức, người lao động, người học của trường nâng cao trách nhiệm tham gia xây dựng và phát triển môi trường học đường, xây dựng lối sống văn minh. Chuỗi hoạt động cũng tạo cơ hội để nâng cao chất lượng môi trường đại học, góp phần giáo dục định hướng, nâng cao nhận thức cho toàn thể người học.
Đến nay, chương trình đã hoàn thành giai đoạn 1 “Nhận thức xanh (2019-2022)”, đang tích cực thực hiện giai đoạn 2 “Hành động xanh (2022-2026)” và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Qua việc áp dụng các giải pháp bền vững như hoạt động truyền thông về chương trình, các phong trào thi đua xanh – sạch – đẹp, các chương trình hành động cụ thể (tuyên truyền bảo vệ môi trường, phân loại rác, trồng cây xanh, tiết kiệm…) của nhà trường đã làm thay đổi tích cực về nhận thức của người học, viên chức, người lao động trong công tác bảo vệ môi trường; giảm thiểu số lượng chất thải nhựa, rác thải; nâng cao ý thức giữ vệ sinh không gian học tập, làm việc; bảo vệ, giữ gìn cơ sở vật chất, trang thiết bị trong khuôn viên phòng học, khuôn viên trường; thực hiện tiết kiệm điện, nước, giấy in văn phòng,...
Chương trình cũng hoàn thành việc xây dựng, bố trí cảnh quan, môi trường, tạo không gian học tập hiện đại, tiện nghi cho người học; bố trí nhiều không gian xanh “USSH Garden”, “Vườn bản địa”, “Vườn Thái” và những lối đi trải dài hoa cỏ tại cơ sở Thủ Đức, giúp sinh viên hòa nhập với thiên nhiên, thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Công tác vệ sinh, môi trường được cải thiện đáng kể ở cả hai cơ sở. Công tác bảo vệ, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường được thực hiện tốt (bố trí nhân sự chăm sóc, cắt tỉa, tưới nước); văn phòng làm việc của các đơn vị trong trường được sơn sửa, bố trí khoa học, có mảng xanh, đảm bảo không gian làm việc xanh mát, trong lành,...
![gs-ts-ngo-thi-phuong-lan-khanh-thanh-vuon-cay-on-bac.png](https://khpt.1cdn.vn/2025/02/14/gs-ts-ngo-thi-phuong-lan-khanh-thanh-vuon-cay-on-bac.png)
Theo bà, "Đại học Xanh" có phải là xu hướng giáo dục hiện nay không và nhà trường có mục tiêu cụ thể nào cho giai đoạn sắp tới?
Cộng đồng học thuật cần có trách nhiệm với môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Mô hình Đại học xanh của Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM không chỉ góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường mà còn là một mô hình tiêu biểu cho các trường đại học tham khảo và áp dụng.
Thực hiện giai đoạn 2 “Hành động Xanh (2022-2026)”, trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông, phong trào thi đua và các chương trình tuyên truyền hành động bảo vệ môi trường. Nhà trường đã trồng cây xanh, bố trí cảnh quan, tạo không gian học tập hiện đại, tiện nghi, hòa nhập với thiên nhiên cùng với việc tích cực phân loại rác, giảm thiểu nhựa dùng một lần (thay thế chai nhựa bằng bình thủy tinh đựng nước trong các cuộc họp; vận động tài trợ bình nhựa dùng nhiều lần để phát cho cán bộ giảng viên; khuyến khích việc hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần tại canteen trường). Nhà trường còn tuyên truyền việc tiết kiệm điện nước và hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo thay thế trong tương lai.
![sinh-vien-dh-khxhnv-dai-hoc-xanh-2.jpg](https://khpt.1cdn.vn/2025/02/14/sinh-vien-dh-khxhnv-dai-hoc-xanh-2.jpg)
Là đơn vị đầu tiên trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam công bố và triển khai chương trình Đại học Xanh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đi đầu trong việc nâng cao nhận thức về môi trường trong cộng đồng học thuật. Nhà trường đã bắt đầu hành trình này bằng việc nâng cao nhận thức xanh – không chỉ của giảng viên, cán bộ nhân viên mà còn của mỗi sinh viên trong trường. Sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động không chỉ mang lại một môi trường trong lành, kiến tạo cho người học, mà còn thay đổi tư duy cộng đồng, chất lượng đào tạo của nhà trường cũng được củng cố và phát huy thông qua các hoạt động phát triển bền vững và phục vụ cộng đồng tương tự như vậy.
Sau hành trình 5 năm, nhà trường tự hào rằng những nỗ lực của mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong trường đã và đang tạo nên một văn hóa xanh mạnh mẽ. Văn hóa xanh không chỉ thể hiện qua những hành động nhỏ hàng ngày, mà còn là một lối sống, một thái độ ứng xử đối với thiên nhiên và cộng đồng. Nó đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh viên và cán bộ giảng viên của trường, là một giá trị bền vững mà nhà trường luôn luôn gìn giữ và phát huy.
![dh-khxhnv-dai-hoc-xanh-2.jpg](https://khpt.1cdn.vn/2025/02/14/dh-khxhnv-dai-hoc-xanh-2.jpg)
Mở rộng chương trình thu hút sinh viên quốc tế
Quốc tế hóa chương trình đào tạo là trọng tâm phát triển của nhà trường, vậy nhà trường đã và đang thực hiện mục tiêu này ra sao?
Về công tác đào tạo, quốc tế hóa chương trình đào tạo là trọng tâm phát triển của nhà trường trong giai đoạn tới. Nhà trường sẽ tăng cường sự liên thông trong nội bộ và các cơ sở giáo dục đào tạo khác nhau trong và ngoài hệ thống ĐHQG. Để quốc tế hóa trong hoạt động đào tạo của các ngành khoa học cơ bản nói chung và đối với đào tạo liên ngành nói riêng, cần phát huy các môn học có yếu tố quốc tế ở đại học, sau đại học và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các sự kiện quốc tế.
Các mục tiêu chính của nhà trường sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc từng bước cập nhật chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp các yếu tố toàn cầu hóa vào nội dung giảng dạy; tăng cường sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy và học tập, một số môn học được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; mời các chuyên gia quốc tế đến giảng dạy và tham gia nghiên cứu. Trường cũng tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế: kí kết các thỏa thuận hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới, tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên; tham gia vào các mạng lưới nghiên cứu quốc tế và thu hút sinh viên quốc tế, phát triển đội ngũ giảng viên,…
Bà có thể cho biết thêm, hiện nhà trường có bao nhiêu sinh viên quốc tế đến học tập?
Theo số liệu năm học 2023-2024 của nhà trường, số lượng sinh viên nước ngoài đang theo học ở bậc cử nhân hiện đang học là 46, bậc cao học là 22 và nghiên cứu sinh là 6. Bên cạnh đó, sinh viên trao đổi có 130, sinh viên diện Hiệp định là 35 và có 503 sinh viên nước ngoài đang học tiếng Việt ngắn hạn.
Nhà trường đã có chính sách nào để thu hút sinh viên quốc tế, thưa bà?
Trong giai đoạn tự chủ, nhà trường cũng có một số kế hoạch để thu hút được nhiều hơn sinh viên quốc tế theo học như: Nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh các kế hoạch truyền thông, quảng bá thương hiệu trường trên các nền tảng truyền thông, đặc biệt tập trung vào các đối tượng tiềm năng, các trường, các quốc gia có nền giáo dục phát triển và có nhu cầu du học, trao đổi sinh viên cao; Tăng cường các hoạt động hợp tác và ký kết với các đối tác quốc tế để xây dựng và triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động trao đổi học thuật cho sinh viên Việt Nam và quốc tế. Sinh viên nước ngoài có thể đến học tập tiếng Việt hoặc các chuyên ngành đào tạo phù hợp. Trường cũng phát triển các chương trình giao lưu, trải nghiệm văn hóa Việt Nam ngắn hạn dành cho sinh viên quốc tế có nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử xã hội Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Ngô Thị Phương!