Hành trình phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp tại TP.HCM
Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là giải pháp chiến lược để các thành phố lớn, đông dân giải quyết các thách thức về y tế, giao thông, và đô thị hóa. Đầu tư vào hệ thống này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của thành phố.
Hình thành mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn thành phố
Ở thời điểm trước năm 2013, hoạt động cấp cứu ngoại viện trên địa bàn TP.HCM chỉ do một bệnh viện đảm trách (BV Trưng Vương), với nguồn lực chỉ có 5 xe cứu thương, mỗi năm chỉ tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc gọi, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Trước thực trạng này, Ngành y tế thành phố đã tham mưu lãnh đạo Thành phố thành lập Trung tâm Cấp cứu 115, đồng thời kêu gọi sự tham gia tình nguyện của các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân theo mô hình làm trạm cấp cứu vệ tinh đặt ngay tại các khoa cấp cứu của bệnh viện và chịu sự điều phối chung của Trung tâm Cấp cứu 115.
Các bệnh viện công lập và tư nhân tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh theo 03 loại hình: (a) Loại hình 1: toàn bộ nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị của trạm cấp cứu đều do bệnh viện tham gia tự đảm trách; (b) Loại hình 2: nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị của trạm cấp cứu do sự phối hợp giữa Trung tâm Cấp cứu 115 và bệnh viện; (c) Loại hình 3: toàn bộ nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị của trạm cấp cứu do Trung tâm Cấp cứu 115 đảm trách, bệnh viện hỗ trợ cơ sở hạ tầng.
Đây có thể xem là cách làm sáng tạo đầu tiên trên phạm vi cả nước về hình thành mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh thay vì chỉ có một Trung tâm Cấp cứu 115. Qua từng năm, số trạm cấp cứu vệ tinh không ngừng gia tăng, với 44 trạm vệ tinh như hiện nay thực sự là cánh tay nối dài của Trung tâm Cấp cứu 115, góp phần bao phủ cung ứng dịch vụ cấp cứu ngoại viện đến tất cả các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức.
Số lượng cuộc gọi cấp cứu qua tổng đài 115 tăng gấp 40 lần so với thời điểm năm 2013 trở về trước, cho thấy dịch vụ cấp cứu ngoại viện của Ngành Y tế Thành phố đã tạo dựng được niềm tin đến người dân. Bên cạnh đó, lực lượng cấp cứu ngoại viện đã từng bước triển khai các loại hình cấp cứu chuyên sâu như cấp cứu người bệnh tâm thần, bệnh trầm cảm có ý định tự sát, cấp cứu người bệnh đột quỵ đảm bảo giờ vàng trong điều trị, cấp cứu người bệnh đa chấn thương bằng quy trình báo động đỏ liên viện.
Nghiên cứu, học tập mô hình cấp cứu ngoại viện của các nước có hệ thống y tế phát triển
Cách tiếp cận, xử lý tình huống cấp cứu, nguy kịch tại cộng đồng không giống như trong bệnh viện, đòi hỏi phải có phương thức tiếp cận và phương pháp khoa học phù hợp với thực tiễn. Tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay, khoa học về cấp cứu ngoại viện còn rất mới. Từ sau khi thành lập mạng lưới cấp cứu ngoại viện năm 2013, đến năm 2017, lãnh đạo Thành phố đã tổ chức 02 đoàn công tác đến Úc để khảo sát, học tập kinh nghiệm. Chuyến đi đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, xác định mô hình “paramedic” là hướng đi phù hợp để phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM.
Sau khi tiếp thu kinh nghiệm từ Úc, Ngành Y tế Thành phố đã từng bước chuẩn hóa quy chế phối hợp giữa cấp cứu ngoại viện và nội viện, tăng cường sự gắn kết giữa các bệnh viện với hệ thống cấp cứu 115. Lực lượng tham gia cấp cứu ngoại viện cũng được đào tạo chuẩn hoá theo hướng tiếp cận và xử trí theo vấn đề ưu tiên ABCDE theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và Liên đoàn Cấp cứu quốc tế (IFEM).
Bên cạnh đó, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp với trường Đại học khoa học ứng dụng Saimaa, Phần Lan đã xây dựng thành công và tuyển sinh đào tạo loại hình “Điều dưỡng cấp cứu ngoại viện” (Paramedic nursing). Nhờ những chương trình đào tạo và mô hình phù hợp, lực lượng cấp cứu ngoại viện tại Thành phố đã từng bước vượt qua nhiều rào cản, phát huy tính sáng tạo theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Nhiều giải pháp cụ thể sau đó đã chứng minh hiệu quả như đồng phục paramedic giúp lực lượng cấp cứu thuận tiện trong thao tác kỹ thuật tại nhiều môi trường phức tạp; mô hình thí điểm xe cứu thương hai bánh giúp một số trạm vệ tinh tiếp cận người bệnh nhanh chóng hơn tại khu vực hẻm sâu, các sự kiện tập trung đông người; mô hình cấp cứu người bệnh tâm thần, trầm cảm mang tính nhân văn cao.
Đột phá, sáng tạo trong thích ứng và chống dịch COVID-19
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, hệ thống cấp cứu ngoại viện TP.HCM đối mặt với áp lực chưa từng có. Trung tâm Cấp cứu 115 trở thành lực lượng tuyến đầu, đảm nhiệm vai trò vận chuyển bệnh nhân, tổ chức các đội phản ứng nhanh, hỗ trợ y tế tại nhà. Để đáp ứng nhu cầu cấp cứu tăng đột biến, ngành y tế đã linh hoạt nhiều giải pháp, có những giải pháp chưa có tiền lệ như huy động lực lượng taxi, xe khách tham gia vận chuyển cấp cứu; thành lập 5 trung tâm cấp cứu 115 dã chiến tại những khu vực đông người bệnh nhất; thần tốc di dời và mở rộng đường truyền hệ thống tổng đài 115 từ 12 lên 100 đường truyền, đảm bảo tiếp nhận cuộc gọi 24/7. Dù đối diện với nhiều khó khăn, hệ thống y tế Thành phố đã ứng phó linh hoạt, giữ vững mặt trận cấp cứu ngoại viện đảm bảo cầu nối giữa tuyến y tế cơ sở tại cộng đồng và tuyến điều trị tại các bệnh viện 3 tầng, góp phần quan trọng trong chiến thắng đại dịch.
Chuyển đổi số và chuẩn hóa hệ thống tiếp nhận và điều phối cấp cứu của tổng đài 115.
Để đảm bảo cho hoạt động của toàn hệ thống cấp cứu ngoại viện được thông suốt, hiệu quả thì Tổng đài 115 phải được đầu tư, trang bị hiện đại. Từ đầu năm 2021, Trung tâm Cấp cứu 115 phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông triển khai hệ thống phần mềm điều phối cấp cứu. Hệ thống này giúp tối ưu hóa quy trình tiếp nhận cuộc gọi, phân tích tình trạng cấp cứu theo thời gian thực, đồng thời tự động điều phối xe cứu thương đến các điểm phù hợp nhất. Bên cạnh đó, tổng đài 115 đã triển khai các quy trình tư vấn, hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại, vừa trấn an vừa giúp người dân có thể thực hiện được những việc nên làm trong khi chờ kíp cấp cứu đến, thậm chí có thể hướng dẫn sơ cứu từ xa. Quy trình hướng dẫn hồi sinh tim phổi, sơ cứu hóc dị vật qua điện thoại thực sự đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Trong hơn 1 năm triển khai có 1.469 trường hợp ngừng tuần hoàn hô hấp được sơ cứu qua điện thoại, giúp cải thiện tỉ lệ hồi sinh tim phổi thành công tăng thêm được 11%.
Tiếp tục nhiều giải pháp mạnh mẽ phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp, hiện đại và có khả năng liên kết vùng
Từ những giải pháp mang tính sáng tạo chứng minh được hiệu quả, Sở Y tế đề xuất bổ sung loại hình nhân viên y tế phù hợp cho hoạt động cấp cứu ngoại viện. Luật khám bệnh chữa bệnh năm 2023 lần đầu tiên đã quy định loại hình nghề nghiệp “cấp cứu viên ngoại viện” phải có chứng chỉ hành nghề sẽ là tiền đề quan trọng trong phát triển toàn diện hoạt động cấp cứu ngoại viện từ đào tạo đến sử dụng và tổ chức bộ máy phù hợp.
Ngày 26/3/2024, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn 2024 - 2030, đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cấp cứu hiện đại, đáp ứng nhu cầu người dân với 3 trung tâm theo quy hoạch 3 Cụm y tế chuyên sâu của thành phố: Trung tâm Cấp cứu 115 tại cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên (Bình Chánh) là trụ sở chính, điều phối cấp cứu ngoại viện, huấn luyện sơ cấp cứu và nghiên cứu phát triển; Trung tâm Cấp cứu 115 tại cụm y tế trung tâm là đội ngũ tinh nhuệ, đảm bảo cấp cứu nhanh tại khu vực trung tâm và các sự kiện trọng điểm, có khả năng cấp cứu chuyên sâu các trường hợp phức tạp nguy kịch ngay tại hiện trường; Trung tâm Cấp cứu 115 tại TP. Thủ Đức là lực lượng phát triển cấp cứu chuyên sâu, phù hợp với đặc thù khu vực.
Không dừng lại ở cấp cứu đường bộ, Thành phố cũng đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện loại hình cấp cứu đường không, đường thủy vừa phù hợp với thực tiễn về nguồn lực và địa lý của địa phương; tăng khả năng kết nối với các khu vực lân cận gồm Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, các khu vực biển đảo và cũng phù hợp với sự phát triển của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể hiện nay Bệnh viện Quân y 175 đã triển khai thành công nhiều trường hợp cấp cứu đường không cho các bệnh nhân là chiến sĩ, ngư dân nơi các vùng biển đảo; người dân trên xã đảo Thạnh An huyện Cần Giờ cần cấp cứu vẫn đang được triển khai vận chuyển bằng phương tiện đường thủy vào đất liền. Chính thực tiễn này càng thôi thúc phát triển thêm nhiều loại hình vận chuyển cấp cứu trong thời gian tới.
Hệ thống tiếp nhận và điều phối cấp cứu sẽ tiếp tục được nâng cấp theo hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp phân loại ưu tiên cấp cứu, tối ưu hóa nguồn lực và dự đoán nhu cầu cấp cứu. Đội ngũ cấp cứu viên ngoại viện tiếp tục được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, kết hợp lực lượng bán chuyên và tình nguyện viên, tạo nên hệ thống cấp cứu đa tầng, đáp ứng mọi tình huống khẩn cấp.
![y2.jpg](https://khpt.1cdn.vn/2025/02/09/y2.jpg)
![y3.jpg](https://khpt.1cdn.vn/2025/02/09/y3.jpg)
![y4.jpg](https://khpt.1cdn.vn/2025/02/09/y4.jpg)
![y5.jpg](https://khpt.1cdn.vn/2025/02/09/y5.jpg)
![y6.jpg](https://khpt.1cdn.vn/2025/02/09/y6.jpg)
![y7.jpg](https://khpt.1cdn.vn/2025/02/09/y7.jpg)
Hệ thống cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM trong qua trình hơn 10 năm hình thành và phát triển đến nay đã khẳng định được vai trò quan trọng, không thể thiếu trong phát triển bền vững ngành y tế, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn cho người dân, góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế. Những nỗ lực đổi mới, sáng tạo đã giúp thành phố dần hình thành một hệ thống cấp cứu chuyên nghiệp, hướng tới chuẩn khu vực ASEAN, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực.