Giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: “Tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ đã đặt ra”

Công Chương (thực hiện) 02/02/2025 05:23

Ngành giáo dục và đào tạo trải qua năm 2024 với những điểm nhấn nổi bật. Vậy, trong năm 2025, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo có những kỳ vọng gì? Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã dành cho Tạp chí Khoa học phổ thông cuộc trò chuyện đầu xuân Ất Tỵ - 2025.

bo-truong-nguyen-kim-son-1.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Lễ tổng kết năm học 2023-2024 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Đánh giá kết quả của ngành giáo dục trong năm 2024

Xin Bộ trưởng đánh giá những kết quả nổi bật mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm 2024?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Năm 2024 đối với ngành Giáo dục là năm nhiều công việc, nhiệm vụ, cũng là năm đánh dấu bằng nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra, đồng thời tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của giáo dục nước nhà.

Sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, năm 2024, đánh dấu một mốc quan trọng đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo đất nước, đó là việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 10/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Cùng với những chủ trương, định hướng lớn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo, năm 2024 cũng là năm ngành Giáo dục tiếp tục tập trung cho hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, dự thảo Luật Nhà giáo được trình và thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là điểm nhấn.

Năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước. Danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đã hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt. Việc tăng cường quản lý, bảo đảm sách giáo khoa theo hình thức xã hội hóa là một trong những nhân tố quan trọng góp phần hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới giáo dục phổ thông.

Năm 2024 tiếp tục là một năm ngành Giáo dục dành sự quan tâm cho công tác chuyển đổi số và đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Đây cũng là năm ngành Giáo dục nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua thiệt hại do thiên tai, mưa lũ để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục. Sự chung sức, đồng lòng của toàn ngành trong khó khăn cũng là thành quả rất đáng trân trọng trong năm qua.

bo-truong-nguyen-kim-son-4.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

Thuận lợi và thách thức đặt ra với ngành giáo dục

Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục hiện đang đứng trước những thuận lợi nào để phát triển trong thời gian tới?

Ngành Giáo dục có nhiều thuận lợi, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Trước hết, đó là sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội dành cho ngành, sự quan tâm này mang tới những đồng hành, chia sẻ với ngành trong triển khai các nhiệm vụ.

Đó là những chỉ đạo, định hướng sát sao về phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; sự quan tâm, ghi nhận, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành, với lực lượng nhà giáo, với học sinh, sinh viên. Cùng với đó là sự vào cuộc phối hợp của các cấp, các ngành trung ương, địa phương với sự nghiệp giáo dục.

Những chuyển động trong hoàn thiện chế độ, chính sách chung có tác động tới giáo dục, cũng như chế độ, chính sách riêng của ngành, liên quan tới ngành… cũng tạo thuận lợi lớn cho những đổi mới, phát triển về giáo dục và đào tạo thời gian qua.

Các thách thức lớn nhất mà ngành giáo dục đang phải đối mặt là gì?

Như chúng ta cũng thấy, bên cạnh thuận lợi, cơ hội là thách thức. Sự quan tâm, kỳ vọng lớn với giáo dục trong bối cảnh điều kiện đầu tư cho phát triển giáo dục còn khiêm tốn làm gia tăng áp lực cho ngành. Sự quan tâm nhưng đôi khi chưa thấu hiểu, chia sẻ đúng, đủ của phụ huynh, xã hội cũng là thách thức trong việc đáp ứng được sự quan tâm.

Những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường lớp nhất là ở vùng sâu, vùng xa và ở ngay các thành phố lớn đặt ra thách thức chưa thể giải quyết được ngay. Mặc dù các địa phương rất nỗ lực và thời gian qua đã bổ sung đầu tư song vẫn chưa theo kịp với sự gia tăng số lượng học sinh và yêu cầu của đổi mới giáo dục.

Thiếu giáo viên, áp lực để làm nghề, giữ nghề của nhà giáo trong điều kiện còn khó khăn về thu nhập, khó khăn về điều kiện làm việc và cả sức ép để thích ứng với đòi hỏi của quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo đang diễn ra… đều là những thách thức lớn đang đặt ra cho ngành.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ cũng đặt ra bài toán về việc thích ứng, quản lý, quản trị trong môi trường giáo dục.

bo-truong-nguyen-kim-son-trao-doi-voi-truong-diem-thi-truong-thpt-chuyen-bien-hoa-ha-nam.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi với Trưởng Điểm thi Trường THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam, trong chuyến kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT 2024 và động viên học sinh, giáo viên tại điểm thi này.

Định hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

Vậy, trong năm 2025, ngành giáo dục có những định hướng lớn nào, thưa Bộ trưởng?

Năm 2025, ngành Giáo dục tiếp tục có nhiều công việc, nhiệm vụ phải làm để tiếp tục trong hành trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, nhiệm vụ lớn là Bộ GDĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận số 91-KL/TW ngày 10/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Sau khi Chương trình hành động được ban hành sẽ là xây dựng các kế hoạch và bắt tay vào triển khai.

Hiện nay, Bộ GDĐT cũng đang trong quá trình hoàn thiện để ngay trong đầu năm 2025 ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cùng với Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển giáo dục sẽ là căn cứ quan trọng cho những bước phát triển tiếp theo của giáo dục và đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào để cải thiện chất lượng giáo dục?

Trong nửa đầu năm 2025, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội khóa XV lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 9. Xác định đây là việc lớn nên Bộ GD&ĐT đã và đang tập trung cao cho việc hoàn thiện dự thảo sau lần đầu lấy ý kiến Quốc hội. Chúng tôi mong rằng, những tâm huyết, ấp ủ về một dự thảo Luật sẽ phát triển được lực lượng nhà giáo, sẽ gỡ vướng được cho hàng loạt các vấn đề về quản lý nhà giáo trong suốt thời gian qua… sẽ thuyết phục được đại biểu Quốc hội, thuyết phục được xã hội. Không chỉ chúng tôi mà hơn 1,6 triệu nhà giáo cả nước đang ngóng chờ thời điểm Luật Nhà giáo chính thức được thông qua và đi vào cuộc sống. Cùng với đó, chúng tôi sẽ rà soát Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp để xem xét sửa đổi, bổ sung.

Khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn thành chu trình đầu tiên, lại là lúc Chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được triển khai thí điểm tại 20 tỉnh/thành phố trong cả nước. Năm 2025 sẽ đánh dấu bước khởi đầu của đổi mới giáo dục mầm non - cấp học nền tảng nhưng còn nhiều khó khăn nhất hiện nay.

Cùng với các ban, bộ, ngành, địa phương, năm 2025 cũng sẽ là năm Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục tập trung cho việc tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý. Trước mắt, chúng tôi đang tổ chức thực hiện việc sáp nhập, tiếp nhận các đơn vị, đầu mối theo chỉ đạo của Trung ương. Và đối với nhóm công việc này sẽ có nhiều việc phải làm trong năm 2025.

Gửi gắm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trong năm 2025

Trước thềm năm mới - Xuân Ất Tỵ, Bộ trưởng muốn gửi gắm thông điệp gì đến đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh trong năm 2025 này?

- Có thể coi năm 2025 là năm bản lề, bởi nhiều công việc, nhiệm vụ của năm khi hoàn thành sẽ tạo nền tảng, tạo đà cho quá trình phát triển trong 05 năm tiếp theo. Với nhiều công việc, nhiệm vụ phải làm trong năm 2025, tôi mong rằng toàn ngành đã nỗ lực sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các công việc, nhiệm vụ đã đặt ra.

Năm 2024 ghi dấu về sự quyết liệt trong các chính sách đầu tư, quan tâm tới giáo dục từ trung ương tới địa phương; rất nhiều địa phương đã ban hành chính sách đặc thù về học phí, về chính sách cho nhà giáo, về đầu tư cơ sở vật chất… để thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo. Tôi mong rằng những quan tâm, những chính sách quyết liệt, hiệu quả này sẽ tiếp tục được thể hiện trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Tôi cũng mong rằng, sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của xã hội với ngành Giáo dục đã nhiều sẽ nhiều hơn nữa.

Nhân dịp năm mới, tôi gửi tới các cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục lời chúc mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc. Chúc các em học sinh, sinh viên có một năm mới với nhiều niềm vui, sự tiến bộ và thành quả trong học tập.

Xin cám ơn Bộ trưởng.

Công Chương (thực hiện)