Bí quyết trường thọ của Cụ Tư
Cụ Tư chính là nhà nghiên cứu 105 tuổi Nguyễn Đình Tư - người vừa được trao Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia với tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020).
105 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn minh mẫn, nhớ tốt, ngồi làm việc liên tục 8-10 tiếng trên máy tính vẫn không thấy mỏi mệt, leo cầu thang mỗi ngày 10 vòng vẫn “khỏe re”, đi đứng trên đường bằng phẳng không cần người dìu như nhiều cụ già khác.
Đầu năm mới, Tạp chí Khoa học phổ thông - Sống Xanh đã có cơ hội được trò chuyện cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư để khám phá những bí quyết giúp cụ “đi qua trăm năm” nhưng vẫn sống vui, sống khỏe, sống có ý nghĩa.
Luôn lạc quan, không chấp nhất
Sinh năm 1920 tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cuộc đời cụ Nguyễn Đình Tư trải qua rất nhiều khổ cực, bao trận bể dâu, thăng trầm, làm đủ nghề, tha hương qua nhiều nơi, phải bỏ dở cả việc học Đại học, nhưng cụ không bao giờ than thân trách phận hay tỏ ra bất đắc chí mà luôn tìm cách vượt qua nghịch cảnh, lạc quan yêu đời, cố gắng học, đọc và miệt mài nghiên cứu viết sách.
Theo cụ Tư, dù khó khăn, gặp nhiều cảnh trái ngang trong cuộc đời nhưng nhờ tiếp thu được triết lý từ - bi - hỷ - xả trong đạo Phật, nên việc nào xong thì thôi, cụ không chấp nhất, không để trong lòng, không sân si nên khi nào cũng vui. “Nếu mình cố chấp, mình sẽ bứt rứt trong lòng, ngủ không được, ăn cũng không ngon, tổn hại đến sức khỏe, tinh thần nhiều lắm”, cụ chia sẻ. Chính vì vậy, cụ luôn tươi cười, không nhăn nhó hay tỏ vẻ cau có, nặng nề với ai cả.
Ở tuổi ngoài 100, mỗi ngày cụ Tư vẫn chịu khó xem tin tức về sự đổi thay, phát triển của đất nước, của đồng bào để “lấy cái vui của thiên hạ làm cái vui của mình”. “Chẳng hạn tôi đọc báo, xem ti vi thấy nông dân của mình xuất khẩu được nông sản, thu về được nhiều tiền là mừng lắm. Đất nước mình không còn khổ cực như xưa nữa”, cụ tâm sự.
Sống trong thực tại
Đây cũng là một bí quyết để nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư luôn vui vẻ, cảm thấy mình đang sống chứ không phải chỉ là tồn tại. Trong quá trình trò chuyện, cụ Tư không quên đề cập đến những thay đổi của thời đại, khoảng cách giữa các thế hệ. Theo cụ, thời đại ngày nay đã khác xưa rất nhiều, nếu những người lớn tuổi cứ đòi hỏi những thế hệ sau phải ứng xử theo lề lối, nguyên tắc cứng nhắc xưa cũ mà không được, dễ trở nên bất mãn, bực bội, tự làm khổ mình.
Cụ cho rằng, người già cần chấp nhận thực tại, sống trong thực tại vì nhân loại luôn tiến hóa, phát triển, phải thích ứng để không bị lạc lõng.
Luôn làm việc, kiên trì nuôi dưỡng đam mê
Mục tiêu và niềm đam mê cả đời của cụ Nguyễn Đình Tư chính là đọc, nghiên cứu và viết sách. Với trí nhớ minh mẫn và tinh thần học tập, lao động hiếm có, trong suốt hơn 80 năm, cụ Tư luôn dành hàng giờ cho việc đọc sách, báo để cập nhật kiến thức, thông tin, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, địa lý các vùng đất để viết nên những quyển sách có giá trị cho hậu thế. Cụ Tư có khoảng 60 đầu sách về lịch sử, văn hóa và địa lý.
Tính đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản như: Non nước Phú Yên, Non nước Ninh Thuận, Non nước Quảng Trị, Địa chí Khánh Hòa, Đường phố nội thành TP.HCM, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, Sổ tay tên đường ở TP.HCM, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân, Bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020); Tự truyện Đi qua trăm năm; Bộ truyện ngắn: Nguyễn Xí, Nguồn sống, Dì ghẻ - con chồng...
Quá trình theo đuổi đam mê mãnh liệt này đã giúp trí não cụ Tư liên tục hoạt động. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, đọc sách hay viết lách có thể giúp bảo vệ não bộ của người lớn tuổi, giúp trì hoãn quá trình lão hóa, cải thiện khả năng ghi nhớ. Thói quen này cũng giúp giảm lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, giảm thiếu mất ngủ ở người cao tuổi.
Bảo vệ sức khỏe và tập luyện đúng cách
Thời trẻ, cụ Nguyễn Đình Tư có lối sống lành mạnh nghiêm túc, không nghiện thuốc lá, rượu chè. Ở tuổi già, cụ vẫn luôn chú ý giữ sức khỏe, sinh hoạt điều độ và tập thể dục hằng ngày. Cụ quả quyết, “có sức khỏe, sẽ có tất cả, không có sức khỏe, không làm được gì hết”.
“Có lần tôi lên xe bus, đưa thẻ căn cước cho anh soát vé, ảnh thấy tui thuộc diện ưu tiên nên miễn phí và chỉ chỗ ngồi cho tôi. Khi đó, anh tài xế rất ngạc nhiên và nói vui là: “Ông già đâu mà già, ông leo lên xe như thanh niên vậy”. Lúc đó tôi 100 tuổi rồi. Ai cũng không tin chứ không phải riêng chú tài xế”, Cụ Tư hóm hỉnh kể lại.
Hiện tại, cụ Tư thường dậy từ sáng sớm nhưng không vội tập thể dục ngay mà cụ thường xoa bóp tay chân hay mở máy vi tính lên làm việc trước. Đợi khi nắng lên, cụ mới đứng lên tập thể dục để không bị lạnh phổi, viêm phổi - một căn bệnh dễ xảy ra ở người già.
Ý thức đã cao tuổi, cụ cũng không “xông pha” quá mà khi đi đứng, tập luyện đều tự lượng sức mình. Hằng ngày, cụ vẫn tập thể dục 45 phút để các cơ, khớp xương được co giãn, vận động với các động tác tự nhiên chứ không dùng dụng cụ nặng, vượt sức.
“Trong cơ thể không có cái khớp nào mà tôi không tập cả. Từ ngón tay cho đến ngón chân, khớp gối, khớp cổ, khớp vai. Tôi bị loãng xương nên thỉnh thoảng bị chuột rút lúc ngủ dậy nhưng tôi bắt chước các cầu thủ, xoa bóp, gập gối, kéo bàn chân chỉ mấy giây là hết”, cụ chia sẻ.
Buổi chiều, cụ Tư đi cầu thang thay vì đi bộ. “Vì chỗ tôi ở quá chật hẹp, nếu đi lại lỡ xe tông hay té ngã, rất nguy hiểm nên tôi chọn đi cầu thang trong nhà cho an toàn. Tôi đi từ tầng trệt lên 2 tầng nữa, tổng cộng là 36 bậc thang. Hồi trước tôi còn khỏe, đi 20 vòng lên và 20 vòng xuống nhưng giờ già rồi nên chỉ đi 10 vòng thôi. Chiều nào cũng đi như vậy”, cụ tiết lộ.
Nhờ siêng năng tập luyện, có những hôm cụ ngồi máy vi tính 8-10 tiếng đồng hồ mà đứng dậy không thấy đau lưng, đau cổ. Tim mạch, huyết áp của cụ vẫn ổn, mắt vẫn thấy rõ, đọc sách, làm việc mà không cần dùng kính. Cụ chỉ bị loãng xương, suy thận nhẹ, tai nghe hơi kém do tuổi tác.
Ăn uống chừng mực, điều độ
Cụ có thói quen ăn uống chừng mực, khoa học. Lịch trình và thực đơn ăn uống mỗi ngày hiện tại của cụ như sau: Buổi sáng, cụ uống 1 ly sữa dành cho người già, có hôm ăn thêm củ khoai lang, khoai mì. Buổi trưa ăn lưng bát cơm hoặc 1 cái bánh tráng nướng bằng bột gạo, kết thúc bằng 1 ly bia cho dễ tiêu hóa. Buổi tối cụ uống 1 ly rượu thuốc tự ngâm, ăn thêm ít cơm hay bánh tráng nướng, uống thêm 1 ly sữa rồi đi ngủ.
“Tôi cố ăn rau cho dễ tiêu hóa còn thịt cá rất hạn chế. Tôi cũng không ăn nhanh vì bác sĩ khuyên người già không nên ăn nhanh quá, rất hại cho bao tử. Khi ăn cũng không cố ăn quá no, khi còn muốn ăn thêm vài miếng nữa, tôi cũng ngưng lại để bao tử không phải làm việc quá sức” cụ chia sẻ.
Có sự gắn kết với con cháu
Một điều cũng giúp cho cụ Nguyễn Đình Tư luôn cảm thấy vui, đó là không khí gia đình luôn chan hòa, ấm ấp, có sự kết nối giữa các các thành viên. Hiện cụ đang sinh sống cùng gia đình người con trai thứ tên Nguyễn Việt Hùng, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Mỗi khi ăn cơm tối, dù hơi trễ nhưng các thành viên trong gia đình luôn tập trung trong căn phòng nhỏ của cụ, vừa ăn vừa trò chuyện với nhau rất vui vẻ chứ không “có cảnh mỗi người mỗi nơi, mỗi người mỗi tô cơm và không ai nói với ai lời nào”. Những khi có thời gian, các con, cháu của cụ ở những nơi khác cũng hay thu xếp về thăm người cha, người ông của mình.
Chính sự kết nối của các thành viên trong gia đình, sự yêu thương, quan tâm nhau khiến người già như cụ Tư tránh được cảm giác buồn phiền, cô độc.
Tự lập và làm những điều có ích
Cụ cho biết, cả cuộc đời cụ là một hành trình tự lập. Tinh thần đó vẫn theo cụ cho đến nay. Tất cả những chuyện gì thuộc về chăm sóc cá nhân, nếu có khả năng là cụ tự làm hết, kể cả xoa chân bóp tay. Nay sức khỏe đã kém hơn xưa nên khi đi xa, cụ đi cùng con trai chứ nhiều năm trước, cụ Tư vẫn tự đi lại khắp nơi bằng xe đạp, xe bus. Thu nhập từ tiền viết sách, tiền thưởng và các khoản hỗ trợ khác, cụ để dành chi tiêu chứ không xin con cháu, không đòi hỏi. Cụ Tư luôn sống trong tâm thế chủ động, không làm phiền hà cho ai và cảm thấy rất thoải mái, nhẹ nhàng vì điều đó.
Nghiên cứu viết sách để thỏa đam mê nhưng cũng là một cách để cụ cống hiến và giúp ích cho đời. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, hàng loạt con đường tại TP.HCM được thay tên mới mà không có chú thích tên đường cũ khiến người lao động làm nghề xích lô, ba gác, xem ôm rất khó khăn khi tìm đường. Nhận thấy điều này, cụ Tư đã đạp xe rong ruổi khắp thành phố, thu thập thông tin từng con đường, xem tên trước và sau khi đổi là gì, lai lịch ra sao, dài bao nhiêu km, hai bên đường có những gì... Suốt một thời gian dài ròng rã như thế và cụ đã cho ra đời quyển sách “Đường phố nội thành TP.HCM” để phục vụ công chúng.
Cụ Nguyễn Đình Tư cười hồn hậu cho hay, cụ hy vọng có thể sống được vài năm nữa để hoàn thành thêm 10 quyển sách còn dang dở để khi cụ qua đời, không còn gì để nuối tiếc nữa.
Dạ thưa cụ Tư, cụ đã sống một đời quá trường thọ, đủ đầy ý nghĩa. Tạp chí Khoa học phổ thông - Sống Xanh kính chúc những nguyện ý của cụ được trọn vẹn.
Ngoài Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2024 với bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, cụ Nguyễn Đình Tư còn nhận được Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất năm 2018 với bộ sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954)”; Giải Bạc Sách hay năm 2009 của Hội xuất bản Việt Nam; Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11 năm 2023 chuyên ngành lịch sử; Huân chương Lao động Hạng Ba (2024)...
Cụ được Hội sử học Việt Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học Việt Nam (2017), được vinh danh là Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2023 - 2024, Đại sứ văn hóa đọc trọn đời, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về lịch sử, địa chí"…