Y học

Tạm biệt nỗi lo yếu liệt sau phẫu thuật cột sống với công nghệ xâm lấn tối thiểu

Thu Hằng 24/01/2025 - 21:06

Phẫu thuật cột sống bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu, sử dụng kính hiển vi phẫu thuật, cùng sự dẫn đường của hệ thống O-arm và giám sát của điện sinh lý thần kinh trong lúc mổ, giúp giảm thiểu nguy cơ yếu liệt sau mổ.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đã điều trị thành công một trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nghiêm trọng. Đó là chị Đ.H.T (49 tuổi, Quận 7) được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm nhiều năm, từng đi khám và điều trị nhiều nơi. Tuy nhiên, do lo sợ nguy cơ yếu liệt chân sau mổ, chị T đã trì hoãn phẫu thuật và chỉ dùng thuốc.

Một tuần trước ngày nhập viện, chị T mất cảm giác ở hai chân, phản xạ kém kèm đau thắt lưng dữ dội, việc tiểu tiện cũng dần mất khả năng kiểm soát. Người nhà đã nhanh chóng đưa chị đến nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

nam-sg-ts.bs.-le-kham-tuan-phan-tich-mri-cot-song.jpg
TS.BS Lê Khâm Tuân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, phân tích MRI cột sống của bệnh nhân.

Qua kết quả chụp MRI cột sống thắt lưng, TS.BS Lê Khâm Tuân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, chẩn đoán chị T mắc nhiều bệnh lý liên quan đến hệ thống thần kinh cột sống như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm thắt lưng tầng L5-S1, các rễ thần kinh chùm đuôi ngựa và rễ S1 bị chèn ép hai bên.

TS.BS Lê Khâm Tuân cho biết: “Tình trạng có tổn thương lớn trong ống sống gây hậu quả chèn ép các rễ thần kinh phần thấp của tủy sống còn gọi là hội chứng chùm đuôi ngựa, ảnh hưởng tới chức năng vận động và cảm giác hai chân, bàng quang, trực tràng. Biến chứng nặng của hội chứng này là yếu liệt hai chân, mất tự chủ tiểu tiện và mất chức năng “sinh lý” ở nam giới... Thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng là nguyên nhân thường gặp dẫn đến hội chứng này”.

nam-sg-ekip-phau-thuat-tai-phong-mo.jpg
Ê-kíp phẫu thuật cột sống bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu, cùng sự dẫn đường của hệ thống O-arm và giám sát của điện sinh lý thần kinh trong lúc mổ, giúp giảm thiểu nguy cơ yếu liệt sau mổ.

Các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống đã hội chẩn và chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu, sử dụng kính hiển vi phẫu thuật, cùng sự dẫn đường của hệ thống O-arm và giám sát của điện sinh lý thần kinh trong lúc mổ.

Bác sĩ Tuân cho biết: “Hệ thống O-arm hiện đại, mang đến hình ảnh không gian 3D có độ phân giải cao, toàn diện, chính xác và an toàn hơn. Hệ thống theo dõi điện sinh lý thần kinh đa phương thức giúp giám sát liên tục hoạt động của hệ thần kinh trong quá trình phẫu thuật để phát hiện những thay đổi bất thường và cho thấy sự phục hồi chức năng thần kinh trong khi mổ. Từ đó, bác sĩ có thể hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra các biến chứng yếu liệt chân sau mổ”.

Sau phẫu thuật, chị T cũng đã bước đầu thực hiện các bài tập phục hồi chức năng và xuất viện. Sau hơn 1 tuần tái khám, tình trạng sức khỏe của chị ổn định, chức năng bàng quang và trực tràng cũng cải thiện tốt.

TS.BS Lê Khâm Tuân khuyến cáo với cuộc sống hiện đại ngày nay, thoát vị đĩa đệm không còn là bệnh lý quá xa lạ, lại có xu hướng trẻ hóa do thói quen làm việc, vận động sai tư thế hoặc do tính chất nghề nghiệp. Vậy nên, người bệnh không nên chủ quan khi phát hiện các triệu chứng bất thường như đau lưng, đau lan xuống hai chân, đau khi thay đổi tư thế...

Thu Hằng