Dòng chảy

Chính quyền TP.HCM tin tưởng sẽ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số

Thành Minh 24/01/2025 - 14:18

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với TP.HCM. Ngoài các sự kiện lớn, 2025 là năm vươn mình để hoàn thành các mục tiêu nhiệm kỳ và tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới. Trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã cuộc trao đổi với báo chí.

ct.jpg
Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM sẵn sàng nhận trọng trách tăng trưởng hai con số. Ảnh: T.T.

Tại hội nghị công bố quy hoạch mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho TP.HCM huy động 5 triệu tỉ đồng trong giai đoạn 2025 - 2030 để thực hiện quy hoạch.

Giải pháp huy động vốn để phát triển hạ tầng đô thị

Về quá trình chuẩn bị, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong quy hoạch Thành phố từ nay đến năm 2030, để đạt tăng trưởng hai con số, Thành phố cần ít nhất 4,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, đầu tư công là 1,1 triệu tỷ đồng, còn lại 3,3 triệu tỷ đồng huy động ngoài ngân sách.

Thành phố cũng xác định nhu cầu phải có ít nhất 5 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin và khoa học công nghệ… Các dự án cụ thể đã được liệt kê trong trong danh mục kèm theo của hồ sơ Quy hoạch.

Theo đó, ngoại trừ đường sắt đô thị dự kiến hoàn thành năm 2035, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông nội đô và kết nối liên vùng.

Từ quy hoạch, TP sẽ dành nguồn lực đất đai để khuyến khích đầu tư các dự án lớn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư, đồng thời nghiên cứu thêm một số cơ chế, chính sách nhằm phát huy Nghị quyết 98.

"Làm sao để ngân sách bỏ ra 1 đồng thì thu hút thêm 8-9 đồng ngoài ngân sách. Một ví dụ cụ thể là cơ chế hợp vốn giữa Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) và các ngân hàng. Với mỗi 2 đồng từ HFIC, ngân hàng góp thêm 8 đồng, tạo nguồn vốn 10 đồng cho dự án", Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ.

Thành phố cũng huy động các nguồn vốn thông qua chương trình phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, trái phiếu công trình, dự án để huy động ngay nguồn vốn từ người dân Thành phố, trong nước và kiều bào ở nước ngoài.

Riêng với kiều hối, năm 2024 kiều hối qua Thành phố đạt 9,6 tỷ USD. Số tiền này rất lớn. Nếu chúng ta có chính sách và cách làm hợp lý, chắc chắn sẽ huy động được một phần trong số này.

"Tôi tin nguồn vốn là không thiếu, tiền không thiếu, cách chúng ta huy động và tiêu số tiền này mới là vấn đề", Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định.

Một trong những đề án chiến lược được kỳ vọng đóng góp lớn cho việc huy động nguồn lực phát triển của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, là trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Thành phố đang rất khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo. Hiện chúng tôi đang phối hợp cùng với Đà Nẵng và Bộ Kế hoạch Đầu tư chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết với những cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư và các thành phần tham gia vào trung tâm tài chính. Đây chắc chắn sẽ là một nguồn lực rất lớn về mặt tài chính cho nhu cầu đầu tư phát triển của Thành phố.

Tuy nhiên, còn nhiều việc khác cần thực hiện. Chúng tôi phải lập kế hoạch đầu tư cho hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin… Cùng với đó là xây dựng kế hoạch chuyên đề đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến trung tâm tài chính, nguồn nhân lực trực tiếp quản lý, điều hành và phục vụ tại trung tâm tài chính.

Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định: "Đánh giá chung về việc đóng góp của trung tâm tài chính quốc tế cho việc huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển thành phố là điều tất yếu, không chỉ cho Thành phố mà cho cả nước. Tất nhiên, ở những giai đoạn khác nhau, sự hiện diện của các tổ chức tài chính và sự tham gia sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta thiết kế nhanh hay chậm".

Mục tiêu tăng trưởng 2 con số

Đề cập mục tiêu tăng trưởng 2 con số, Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ: "Thành phố đã xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ năm 2025 và trong giai đoạn 2026 - 2030 đạt mức 10%, coi đây là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố mà còn đóng vai trò dẫn dắt cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Thành phố sẵn sàng nhận trách nhiệm tiên phong, cam kết đạt mức tăng trưởng vượt trội và sẽ nỗ lực nhiều hơn nếu Trung ương đặt ra mục tiêu cao hơn, như 11 - 12%.

Trong chiến lược phát triển, Thành phố đang tái cơ cấu các ngành kinh tế truyền thống, theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời, tái cơ cấu các ngành dịch vụ chất lượng cao, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Song song đó, TP đang nỗ lực và cũng đã đạt được những bước tiến rõ nét trong các động lực mới là kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

"Đây là quá trình dài hơi, đòi hỏi sự nuôi dưỡng để đủ lớn thì mới bứt phá được. Trong năm 2025 chúng ta sẽ tiếp tục phát triển, một số nội dung sẽ phát triển mạnh mẽ từ năm 2025 hoặc sau đó", ông Phan Văn Mãi nói thêm.

Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng câu chuyện cải cách thể chế cần được đặt lên đầu tiên, xem đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để tháo gỡ, mở đường cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Phan Văn Mãi khẳng định: "Tôi nhìn thấy trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIV sắp tới, câu chuyện cải cách thể chế được đặt lên đầu tiên, nhấn mạnh rằng đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để tháo gỡ và mở đường cho tăng trưởng phát triển. Tuy nhiên, việc này phải rất đồng bộ. Thậm chí, chúng ta phải tính tới chuyện có đề xuất nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp hay không?, và luật phải sửa bao nhiêu?.

Ở cấp địa phương, Thành phố đang nghiên cứu thực tiễn để kiến nghị với Trung ương một số nội dung và tự mình làm một số nội dung. Trong đó, thể chế về kinh tế cần được tiếp tục cải cách theo hướng doanh nghiệp, người dân được làm những gì mà luật không cấm, tạo luồng xanh để những nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và tiến hành hậu kiểm.

Lúc này, Nhà nước tập trung quản lý những việc cần thiết, còn lại sẽ do thị trường, xã hội thực hiện".

Thành Minh