Sống xanh

Cùng 3 “nữ tướng” Việt bàn về đổi mới và bền vững

Ngọc Hương 24/01/2025 13:29

Ba nhân vật gạo cội trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, ngoại giao gồm Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Chuyên gia ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh đã có những chia sẻ vô cùng thú vị tại tọa đàm “Innovation & Sustainability - Đổi mới và bền vững”. Tựu trung là đổi mới và bền vững phải xuất phát từ việc thay đổi tư duy con người.

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng: Không có gì phải sợ, chúng ta hãy can đảm lên!

Đối với đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, đổi mới là ngọn lửa, là tinh thần sống YOLO - you only live once (bạn chỉ sống một lần trong đời). Bà không bao giờ để mình đóng đinh vào bất cứ một vai trò hay một việc gì đó nhàm chán và quen thuộc. Bà từng làm nhiều nghề, nhiều vị trí khác nhau… Mỗi ngày sống của bà là một ngày trải nghiệm và tận hưởng, dù là độ tuổi nào. Ở tuổi 96, ngày nào bà cũng dậy sớm tập yoga, chiều chiều ngồi vào bàn đọc sách và ký tặng sách cho người hâm mộ, sau đó bà đi tưới cây, cắm hoa…

xuan-phuong-6.jpg
Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng vẫn tràn đầy năng lượng dù tuổi đã ngoài 90. Bà là một biểu tượng của sự đổi mới

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng là người gốc Huế. Bà được biết đến như một pho lịch sử thu nhỏ của Việt Nam thế kỷ 20 vì bà đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử đất nước. Bà còn là biểu tượng của sự đổi mới khi kinh qua nhiều công việc, trong nhiều vai trò khác nhau như kỹ thuật viên thuốc nổ, y tá, phóng viên, thông dịch viên, bác sĩ, dịch và thuyết minh phim tiếng Pháp, đạo diễn phim tư liệu chiến trường, chủ phòng tranh cũng như là người viết sách. Năm 2011, bà nhận bằng Huân chương Bắc đẩu bội tinh do Chính phủ Pháp trao tặng vì những cuộc triển lãm tranh và đóng góp không ngừng nghỉ cho tình hữu nghị Pháp - Việt.

Không chỉ là tấm gương sống tích cực, sống hết mình, bà còn khiến những người trẻ nể phục vì tinh thần đối mặt với khó khăn và thất bại. Bà chia sẻ: “Tôi muốn nhắn với người già, về hưu không phải là hết, về hưu là có cuộc đời đầy ý nghĩa nếu chúng ta giữ mãi cho mình một trái tim thanh xuân. Tôi cũng muốn nhắn các bạn trẻ rằng đừng bao giờ tuyệt vọng, thất vọng khi gặp thất bại.

Không có ai làm công ăn lương mà thành công một cách dễ dàng, không có một người nào bước đi mà chỉ có hoa hồng trải dưới chân. Tôi mở phòng tranh năm tôi đã 62 tuổi nhưng 2 lần cháy nhà, 7 lần phải chuyển chỗ. Rồi tôi bị lừa gạt đến mức gần như phá sản. May mắn, tôi không phải là người chấp nhận đầu hàng số phận, tôi cố gắng hết sức, làm mọi cách để giữ phòng tranh lại cho đến ngày hôm nay. Với kinh nghiệm một người bà, một người cô, một người chị, tôi muốn nói với các bạn doanh nhân Việt Nam: Không có gì là cực khổ, không có gì là chấm hết. Chúng ta hãy can đảm lên. Thất bại là mẹ thành công.

Bởi lẽ khi mình sa cơ lỡ vận, chúng ta có thể nhận ra được nhiều điều và biết ai là bạn thực sự, ai là người xấu. Cái giá trị mà bản thân nhận ra người tốt, người xấu sau vấp ngã cao hơn thất bại mà bạn gặp phải. Cái thứ hai chính là nhìn lại sự thất bại, mình thấy tự hào, biết ơn và nỗ lực vượt qua, cố gắng đi đến cùng con đường mà mình đã chọn”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thay đổi tư duy, biết mình, biết người

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mọi sự đổi mới phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy con người. Bên cạnh việc tìm cách tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng thì việc thay đổi nhận thức, định vị lại mình là ai, đang ở đâu cũng khá quan trọng. Đừng nên tự mãn quá sớm khi thấy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.

chi-lan-3.jpg
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Đổi mới phải bắt đầu bằng đổi mới tư duy

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng:

“Nói về kinh tế, vào thời vua Minh Mạng năm 1820, Việt Nam có vị thế về kinh tế gần như tương đương bằng 80% so với vị thế về dân số, nhưng hiện tại VN còn xa lắm, so với quá khứ của mình còn đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn rất nhiều. Muốn nói rõ với các bạn trẻ điều đó để thấy chúng ta còn có nhiều việc phải làm để vượt lên. Cơ hội lớn nhất của chúng ta chính là nhìn lại cả thế giới đang thay đổi như thế nào và nhìn lại chính mình để biết mình biết người hơn trong công cuộc hội nhập, hợp tác, cạnh tranh với các nước khác. Bất cứ nền kinh tế nào cũng phải gắn với với các nền kinh tế khác và toàn cầu. Mình không thể đứng riêng được.

Cho nên, khi hội nhập với cạnh tranh là tất yếu, luôn luôn phải biết mình, biết người. Đừng nghĩ về mình quá nhiều nhưng cũng đừng quá tự ti vì mình có tiềm năng rất lớn, chẳng qua lâu nay mình phát triển dưới tiềm năng của mình, dưới hiệu suất của các nguồn lực.

Lúc này, thời cơ đang lớn hơn bao giờ hết. Nhất là gần đây, khi các công ty công nghệ lớn, hiện đại họ đang vào Việt Nam vì nhìn thấy ở Việt Nam có tiềm năng phát triển. Họ tin là ở Việt Nam, những người trẻ với kỹ năng tốt, tính ham học hỏi, có thể thích ứng được các điều kiện mới và có thể tiếp cận với cái mới. Cái đó là cơ hội lớn nhất mà mình không được phép bỏ qua như đã từng bỏ qua một số cơ hội trong quá khứ. Lỡ nhịp thôi là khó có thể vực dậy tiếp. Nên mình phải thay đổi về tư duy. Nếu mà mình vẫn nghĩ theo cách cũ là thôi mình tốt lắm rồi, mình được lắm rồi, đã có thể tự hào về mình, đã thỏa mãn được mình, không cần cố gắng tiếp nữa thì không bao giờ bật lên được”.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, muốn đổi mới bền vững, cần thay đổi lại cấu trúc kinh tế, mở rộng quan hệ và nắm bắt cơ hội. Bấy lâu nay, Việt Nam phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ. Bây giờ, tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt mà lao động giá rẻ cũng… hết thời. Ngày nay, người lao động cần có kỹ năng tốt hơn, hiểu biết cũng như nắm bắt được công nghệ mới có thể đáp ứng yêu cầu. Do vậy, cần phải thay đổi việc giáo dục, đào tạo con người để đáp ứng tình hình mới.

Bên cạnh đó, phải định vị lại vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, phải đạt vị trí cao hơn chứ không thể mãi là một thân phận chỉ làm gia công ở khâu thấp nhất ở đáy giá trị. “Tôi nghĩ cơ hội định vị nằm trong tay những người trẻ và tôi có niềm tin mạnh mẽ vô cùng vào thế hệ trẻ của Việt Nam. Họ có thể đưa đất nước bật lên”, bà nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Với kinh nghiệm thực tiễn, bà đã đóng góp nhiều công sức để tạo ra môi trường kinh doanh cho các nhà doanh nghiệp, xây dựng thể chế, góp ý vào các văn bản pháp lý của nhà nước, tạo mối quan hệ khăng khít, hợp tác đối thoại giữa chính phủ và doanh nghiệp. Đồng thời bà cũng góp phần cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức đào tạo về quản lý và tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước.

Bà cũng cho rằng, để đổi mới, sáng tạo, cần phải làm khác đi, nghĩ khác đi nhưng phải nhớ đến yếu tố bền vững là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đó cũng là mục tiêu thiết thực với các doanh nghiệp. Nếu không ứng dụng những cái mới của sáng tạo, khó có thể phát triển được trên những nền tảng cũ.

Chuyên gia ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh: Phát triển nhưng phải giữ căn tính Việt và giá trị về văn hóa

Theo chuyên gia ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, khi nói về Việt Nam thì trước hết phải nói đến hành trình. Việt Nam là một hành trình về dân tộc, văn hóa và con người Việt Nam.

ton-nu-thi-ninh-3.jpg
Chuyên gia ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh: Phát triển nhưng phải giữ căn tính Việt và giá trị về văn hóa

Chuyên gia ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh được xem là một trong những nhà ngoại giao nổi bật và cá tính nhất của Việt Nam thời kỳ đổi mới. Bà từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam ở Liên minh châu Âu (EU). Bà cũng từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam. Bà có vai trò tích cực trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam. Hiện tại, bà là người khởi xướng và triển khai Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt, với mục tiêu xây dựng thương hiệu đất nước với cốt lõi là “sức mạnh mềm” văn hóa.

Chuyên gia ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh nói rằng: “Trong diễn đàn Thời khắc Việt, chúng tôi phát triển câu chuyện Việt Nam, điều mà không phải dân tộc nào cũng có được. Hành trình đó đi qua khói lửa của chiến tranh, đau thương mất mát của chiến tranh và đang đi vào một giai đoạn mới, mà mọi người hay nói là kỷ nguyên của sự phát triển…

Tôi có cơ hội gặp gỡ và giao tiếp với các nhân vật quốc tế. Họ không đề cập đến thành tựu kinh tế, các con số của Việt Nam, thay vào đó họ thể hiện sự thán phục với cái cách mà Việt Nam thích nghi với mọi thách thức và ứng xử linh hoạt với thế giới đầy biến động. Không bao giờ chịu thua, không bao giờ bỏ cuộc, tiếp cận mọi thứ một cách cởi mở. Đó là căn tính Việt, là nền tảng, là nét cơ bản của văn hóa Việt. Chúng ta cần đứng vững và định vị bản sắc dân tộc của mình để tự tin phát triển, tranh thủ được lợi ích và lợi thế tối đa có thể được”.

NEXT Awards do Tạp chí Nữ Doanh nhân tổ chức nhằm tôn vinh các cá nhân và tổ chức theo các giá trị cốt lõi “Tự chủ và khát vọng”, “Đổi mới và sáng tạo”, “Đóng góp xã hội và trách nhiệm cộng đồng”, “Bền vững và bảo tồn văn hóa”, “Lòng dũng cảm và sự kiên cường”, hy vọng lan tỏa sự tích cực và truyền cảm hứng cho cộng đồng.

3-co-tren-san-khau.jpg
3 "nữ tướng" Việt trong tọa đàm bàn về đổi mới và bền vững

Ngọc Hương