Tài chính

Xây dựng Trung tâm tài chính cần có chính sách đột phá

Võ Liên 18/01/2025 07:58

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM cần có những chính sách đột phá để thúc đẩy các lĩnh vực mới nhưng phải quản trị được rủi ro, như rủi ro về tội phạm công nghệ, rửa tiền,...

hvu2.jpg
TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu

Đó là ý kiến được TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM - nêu tại hội thảo tham vấn chuyên gia về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech) hướng đến phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, chiều 17/1.

Chương trình do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM tổ chức.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Bộ Chính trị trước đó đã đồng ý chủ trương đối với đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Theo ông Vũ, cần phải có những quy định được cụ thể hóa và có các văn bản pháp lý khả thi để quản trị được các rủi ro liên quan đến lĩnh vực tiền mã hóa.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cần được đặt ra đối với giải pháp công nghệ hỗ trợ tuân thủ quy định (Reg Tech) cho các lĩnh vực tài chính, ngân hàng; công nghệ chuỗi khối (blockchain); trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ sổ cái phân tán (DLT)... Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ tiếp cận vốn, ưu đãi về chính sách thuế cũng được đặt ra khi các nhà đầu tư, start-up, công ty công nghệ khi tham gia vào hệ sinh thái này.

Tại hội thảo, ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Anh Đức - Công ty Luật quốc tế A&O Shearman - cho biết việc thành lập trung tâm tài chính mới dừng lại ở Nghị quyết của Chính Phủ. Tuy nhiên, một trong những điều thu hút nhà đầu tư là môi trường pháp lý ổn định, không chồng chéo.

ad.jpg
Luật sư Trần Anh Đức - Công ty Luật quốc tế A&O Shearman phát biểu

Luật sư Đức cũng thông tin thêm, hiện nay, các công ty nước ngoài đến Việt Nam để thăm dò các giải pháp Fintech. Các công ty này quan tâm đến vấn đề có thể mở sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa, thanh toán số... hay không? Công ty nước ngoài có được mở ngân hàng số, tài khoản số được hay không?

“Chúng ta nói kỹ thuật số, nền tảng số nhưng vướng mắc cơ bản là tài sản số, đồng tiền số vẫn chưa có và chưa được công nhận”, ông Đức nói và kỳ vọng sẽ có văn bản công nhận quyền sở hữu đối với tài sản số.

Điểm cần lưu ý, điểm chung của tất cả các trung tâm tài chính quốc tế là không kiểm soát ngoại hối gồm chuyển tiền, chuyển đổi tự do tiền VND sang ngoại tệ khác. Trong khi Việt Nam vẫn đang kiểm soát chính sách này một cách chặt chẽ.

Còn theo ông Đức Trần - Giám đốc quỹ đầu tư IDG Capital Vietnam Blockchain, hiện nay, blockchain được áp dụng trong mọi ngành nghề. Trong đó, Fintech là nơi blockchain được ứng dụng mạnh mẽ trong vòng 5 năm trở lại đây, tạo ra một cuộc cách mạng. Blockchain là xu thế tất yếu trong 5-7 năm tới nên không thể không làm, vì vậy phải vừa làm vừa xếp hàng để tiết kiệm thời gian.

Ông Đức cho rằng, việc tạo sandbox cho Fintech cần phải độc lập với hệ thống tài chính, ngân hàng và bảo hiểm hiện tại. Bên cạnh đó, việc lập sàn, hệ sinh thái về blockchain thử nghiệm không có nghĩa là chỉ chú trọng ở Việt Nam mà còn quốc tế. Do đó, hệ thống phải được đảm bảo kết nối với quốc tế, từ đó mới thu hút được dòng tiền. Ngoài ra, phải khai thác được lợi thế hiện tại của Việt Nam như dân số trẻ, nhiều kỹ sư công nghệ, ham học, là quốc gia thứ năm trên thế giới sở hữu tài khoản tiền mã hóa (Crypto), với khoảng 8 triệu tài khoản.

Võ Liên