Cộng đồng

'Vui khỏe mỗi ngày' khiến sinh viên ngành y dược hào hứng vì đề cập đúng vấn đề ẩm thực ngày tết

HOÀNG NGUYỄN - ẢNH: TÍN PHƯƠNG 17/01/2025 09:27

Trong chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”, hai bác sĩ chuyên khoa đã chia sẻ những thông tin rất thiết thực để giúp các bạn trẻ sử dụng rượu bia, ăn uống và vận động một cách khoa học.

bcv.jpg
Ban tổ chức chương trình cùng hai báo cáo viên, các nhà tài trợ, đồng hành và các khách mời, sinh viên chụp ảnh lưu niệm.

Sáng 16/1, Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp với Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổ chức chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” chủ đề “Phòng ngừa bệnh xương khớp và bệnh tiêu hóa ngày Tết ở giới trẻ”. Chương trình với sự đồng hành của Hệ thống bệnh viện Sài Gòn - ITO, Bệnh viện Nhân dân 115 và Ngân hàng UOB đã thu hút đông đảo sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tham dự.

sinh-vien-4.jpg
Chương trình thu hút đông đảo sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tham dự.

Phát biểu khai mạc chương trình, ThS. Trịnh Văn Cư – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, nhà trường rất vinh dự và trân trọng cảm ơn sự phối hợp, đồng hành của Tạp chí Khoa học phổ thông, Hệ thống bệnh viện Sài Gòn - ITO, Bệnh viện Nhân dân 115 để tổ chức chương trình.

“Chương trình có chủ đề rất có ý nghĩa bởi còn chưa đầy 10 ngày nữa là sinh viên được nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Việc trang bị kiến thức phòng ngừa bệnh xương khớp và bệnh tiêu hóa sẽ giúp các em sinh viên bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mang kiến thức về nhà chăm sóc sức khỏe cho người thân trong gia đình”, ThS. Trịnh Văn Cư chia sẻ.

ths-trinh-van-cu-pho-hieu-truong.jpg
ThS. Trịnh Văn Cư – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur phát biểu tại chương trình.

Báo cáo chuyên đề “Phòng ngừa bệnh xương khớp và bệnh tiêu hóa ngày Tết ở giới trẻ” tại chương trình, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 và ThS.BS Hồ Sỹ Nam - Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, thuộc Hệ thống bệnh viện Sài Gòn – ITO đã trình bày, chia sẻ những kiến thức hữu ích đến thầy và trò Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur. Trong đó, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hai bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn đã lan tỏa những kiến thức bảo vệ sức khỏe vô cùng quan trọng.

Nhận biết, đề phòng ngộ độc thực phẩm và các bệnh tiêu hóa trong dịp Tết

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, trong dịp cận Tết, các bạn trẻ, trong đó sinh viên sinh viên cũng có nhiều nỗi lo, áp lực về thi cử, chạy deadline, chuẩn bị Tết (trang trí nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn, mua sắm, về quê,…). Tiếp đến, những ngày Tết mọi người thường “ăn thả ga”, bao nhiêu món ăn ngon vật lạ đều dồn vào Tết, nhất là các món ăn nhiều bột, đường và cả rượu bia… Và nhiều người ăn không đúng giờ giấc, thậm chí quên ngủ khi thức thâu đêm suốt sáng vui chơi. Hậu quả, gây ra các bệnh tiêu hóa, dẫn đến tổn thương dạ dày, rối loạn đường ruột…

ts-bs-le-thi-tuyet-phuong.jpg
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 trình bày báo cáo.

Bên cạnh đó, vấn đề ngộ độc thực phẩm dịp Tết rất đáng báo động khi liên tục xảy ra nhiều ca và có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Khi bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân thường có triệu chứng: đau bụng, tiêu chảy, sốt, nôn ói, mệt mỏi. Bên cạnh cá nhân, ngộ độc tập thể cũng có thể xảy ra khi một nhóm bạn hay một cơ quan, tổ chức cùng ăn uống với nhau và cùng bị ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, vấn đề viêm tụy cấp, đột tử trong dịp Tết khi đang ăn uống cũng dễ xảy ra do 3 nguyên nhân chính là: nhồi máu cơ tim, viêm tắc phổi, viêm tụy cấp.

“Ngày nay có những tiến bộ trong điều trị ung thư nhưng đối với ung thư dạ dày thì tỉ lệ tử vong rất cao, do 90% ca mắc mới ung thư dạ dày tại Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ tử vong cao, khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn 3 và giai đoạn 4. Rượu bia và những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng còn tạo áp lực rất lớn lên gan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong đó có liên quan gây ra ung thư gan”, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho biết.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng chia sẻ cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, mọi người cần lưu ý: thực phẩm có dấu hiệu bất thường thì không nên ăn; nếu bị dấu hiệu ngộ độc thì không nên ăn và báo cho mọi người biết, bù nước và điện giải cho cơ thể khi uống nhiều nước, trung hòa độc tố và bảo vệ đường ruột, nhận biết dấu hiệu nguy hiểm, không cầm nôn và không cầm tiêu chảy

Bên cạnh đó, nên chọn thực phẩm tươi sạch, nguồn gốc rõ ràng; "ăn chín, uống sôi"; ngâm kỹ, rửa sạch khi ăn sống. Thức ăn sống, chín phải để riêng, chế biến riêng. Dụng cụ, nơi chế biến luôn khô sạch. Rửa tay trước khi chế biến và trước khi ăn. Chế biến thức ăn bằng nước sạch. Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín. Ăn ngay thức ăn khi vừa nấu xong. Đun kỹ thức ăn trước khi dùng lại. Không ăn thức ăn ôi thiu.

bs-phuong.png
"Chìa khóa" đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng chia sẻ, cần bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách “lập trình” một chế độ ăn uống khoa học, đặc biệt lưu ý đến việc lựa chọn thực phẩm sạch, xanh, an toàn; Ăn uống điều độ, đầy đủ các chất; Không bỏ bữa, không ăn quá no; Tăng cường rau xanh, trái cây tươi, bổ sung vitamin & khoáng chất, hạn chế chất béo; Đừng quá sa đà vào những bữa tiệc, đừng quá chén trong những cuộc liên hoan.

“Tập thể dục tăng cường sức khỏe, kiểm soát trọng lượng cơ thể; Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya. Nếu thực hiện các chế độ lành mạnh mà vẫn gặp các triệu chứng bệnh tiêu hóa thì nên đi gặp bác sĩ, đến bệnh viện có chuyên khoa để khám và điều trị”, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng đưa ra lời khuyên.

Phòng ngừa bệnh xương khớp là đầu tư cho sức khỏe

Bên cạnh chế độ ăn uống không lành mạnh, uống nhiều rượu bia thì trong dịp Tết, nhiều người có xu hướng dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi, xem phim, hoặc tụ tập trò chuyện, dẫn đến việc giảm hoạt động thể chất. Việc ngồi lâu trong một tư thế, đặc biệt là tư thế không đúng, có thể gây đau lưng, đau cổ và căng cơ.

Tại chương trình, ThS.BS Hồ Sỹ Nam - Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận đã chia sẻ để thầy và trò Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur hiểu về bệnh xương khớp ở giới trẻ (thường gặp nhất là bệnh thoái hóa khớp sớm, viêm khớp, chấn thương cơ xương khớp); phân tích các yếu tố nguy cơ dịp Tết và đề xuất các biện pháp phòng ngừa.

ths-bs-ho-sy-nam.jpg
ThS.BS Hồ Sỹ Nam - Khoa Điều trị Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận chia sẻ tại chương trình.

Theo ThS.BS Hồ Sỹ Nam, biện pháp phòng ngừa bệnh xương khớp tốt nhất là duy trì hoạt động thể chất, tránh ngồi lâu trong một tư thế; kiểm soát chế độ ăn uống và giới hạn lượng rượu bia tiêu thụ hàng ngày. Ngoài ra, các bạn trẻ cần xây dựng thói quen lâu dài, tạo kế hoạch tập luyện, ăn uống và duy trì ngay cả sau kỳ nghỉ Tết. Đối với cộng đồng, cần có các chiến dịch nâng cao nhận thức; sử dụng mạng xã hội, truyền hình để phổ biến kiến thức phòng bệnh cơ xương khớp.

Các bài tập ThS.BS Hồ Sỹ Nam gợi ý ngày Tết cho các bạn trẻ gồm: Bài tập giãn cơ nhẹ nhàng (Yoga, Pilates); Tập thể dục trong nhà (đi bộ, leo cầu thang); Thể thao (chơi cầu lông, bóng bàn) và hoạt động ngoài trời như đi dạo công viên, đạp xe, chạy bộ…

“Phòng ngừa bệnh xương khớp là đầu tư cho sức khỏe. Tăng cường ý thức và duy trì lối sống lành mạnh suốt cả năm. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhưng đều đặn!”, BS Hồ Sỹ Nam khuyến cáo.

Giao lưu hỏi - đáp trực tiếp cùng bác sĩ

Ngay sau phần trình bày, với phần dẫn dắt và điều phối nhịp nhàng của ThS. Nhà báo Bùi Hương – Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng và ThS.BS Hồ Sỹ Nam đã có phần giao lưu hỏi – đáp. Nhiều câu hỏi từ thầy và trò Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cùng các khách mời tham dự chương trình đã được đưa ra để hai bác sĩ chuyên khoa giải đáp trực tiếp.

giao-luu-hoi-dap.jpg
ThS. Nhà báo Bùi Hương – Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông (giữa) cùng TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng và ThS.BS Hồ Sỹ Nam trong phần giao lưu.

Giải đáp về việc chuẩn bị để đối phó với các bệnh tiêu hóa, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho hay, trong dịp Tết, mọi người thường có tâm lý kiêng cử, ngại đến bệnh viện và nhà thuốc. Vì vậy, để chuẩn bị cho một cái Tết an vui, cần chuẩn bị một số loại thuốc để sử dụng khi cần như: Thuốc than bạc, trung hòa độc tố; đặc biệt cần chuẩn bị thuốc bù nước, bù điện giải để có thể điều trị ngộ độc thực phẩm, ói, tiêu chảy,… và sử dụng thuốc, pha thuốc theo đúng hướng dẫn của từng loại. Tuy nhiên, nếu bị các triệu chứng có kèm sốt cao, nôn ói dữ dội, tiêu chảy xối xả, tiêu chảy ra máu, triệu chứng mất tri giác, huyết áp tụt… thì phải đến ngay các cơ sở y tế để điều trị.

Đối với băn khoăn có nên dùng các loại thuốc giải rượu hay những thuốc giảm đau, giảm nhức đầu khi uống bia rượu trong dịp Tết hay không, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng khuyến cáo không nên sử dụng bởi không tốt cho sức khỏe. “Hiện trên thị trường có nhiều loại được quảng cáo là thuốc giải rượu nhưng đây chủ yếu là các vitamin, không có nhiều tác dụng, và ngay cả sử dụng các thuốc giải độc gan sau khi uống bia rượu cũng rất nguy hiểm, gây độc cho cơ thể, có thể khiến người dùng bị tử vong. Mỗi ngày, chỉ nên uống tối đa 1 lon bia và 1 tuần tối đa là 5 ngày”, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng khẳng định.

Bên cạnh đó, đối với một số người ăn kiêng để giảm cân, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng khuyến cáo không nên thực hiện chế độ bỏ hoàn toàn tinh bột, chỉ sử dụng đạm để giảm cân vì sẽ rối loạn chuyển hóa, hậu quả bị viêm cơ tim; khi ăn uống trở lại bình thường sau đó cũng sẽ gây rối loạn chuyển hóa, có nguy cơ gây đột tử. Thực phẩm chức năng có thể sử dụng được tùy đối tượng, tuy nhiên, không nên thần thánh hóa thực phẩm chức năng mà nên hỏi ý kiến của bác sĩ khi sử dụng

Giải đáp câu hỏi của sinh viên về người già hay bị đau khớp trong dịp tết khi trời lạnh, ThS.BS Hồ Sỹ Nam cho hay, những người lớn tuổi và cả những bạn trẻ ở các khu vực thời tiết lạnh dễ bị đau khớp về ban đêm. Vì vậy, cần phải chườm ấm để giúp cơ xương khớp không bị căng cứng quá mức. Bên cạnh đó, những người lớn tuổi đang điều trị bệnh xương khớp mạn tính vẫn cần phải duy trì uống thuốc, tập luyện theo chế độ của bác sĩ hướng dẫn trong dịp Tết.

“Tuy nhiên, thời tiết chỉ là một yếu tố nhỏ góp phần vào bệnh xương khớp. Mọi người cần có chế độ vận động, ăn uống khoa học và điều trị hợp lý”, ThS.BS Hồ Sỹ Nam khẳng định.

sinh-vien-2.jpg
sinh-vien.jpg
Sinh viên tham dự được tặng ấn phẩm của Tạp chí Khoa học phổ thông.
thu-phap.jpg
Sinh viên tham dự chương trình còn được tặng chữ thư pháp.

Đại diện Tạp chí Khoa học phổ thông, ThS. Nhà báo Bùi Hương – Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, sự đồng hành của Hệ thống bệnh viện Sài Gòn - ITO, Bệnh viện Nhân dân 115 và Ngân hàng UOB; đặc biệt là hai báo cáo viên của chương trình là TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng và ThS.BS Hồ Sỹ Nam.

nha-bao-bui-huong-pho-tbt-phu-trach-tap-chi.jpg
ThS. Nhà báo Bùi Hương – Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông chia sẻ tại chương trình.

ThS. Nhà báo Bùi Hương mong rằng những kiến thức mà hai báo cáo viên giàu kinh nghiệm tại chương trình sẽ giúp ích cho thầy và trò Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới và trong cuộc sống, vì sức khỏe là tài sản quý giá nhất đối với mọi người. Trong năm 2025, chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” của Tạp chí Khoa học phổ thông sẽ tiếp tục đến với nhiều cơ quan, đơn vị để lan tỏa kiến thức y khoa đến với cộng đồng.

Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” đã mang đến một chủ đề rất thiết thực và ý nghĩa trong dịp Tết. Với nội dung xoay quanh việc phòng ngừa các bệnh cơ xương khớp ở giới trẻ, chương trình không chỉ cung cấp những thông tin khoa học rõ ràng mà còn đưa ra những hướng dẫn cụ thể, dễ áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Chương trình có cách truyền tải nội dung gần gũi, sinh động và phù hợp với lối sống hiện đại của người trẻ. Những bài tập vận động đơn giản, lời khuyên về tư thế sinh hoạt, cùng các cách duy trì thói quen lành mạnh trong ngày Tết được giải thích dễ hiểu, khiến khán giả có thể thực hành ngay tại nhà.

Ngoài ra, chương trình đã kịp thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc cơ xương khớp, đặc biệt trong thời điểm Tết - khi mọi người dễ bị cuốn vào lối sống thiếu vận động hoặc sinh hoạt không điều độ. Điều này không chỉ giúp giới trẻ phòng ngừa bệnh lý cơ xương khớp mà còn góp phần xây dựng thói quen sống khỏe mạnh lâu dài.

Đây là một chương trình rất hữu ích, phù hợp với mọi đối tượng khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ. Hy vọng chương trình sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều số với các chủ đề sức khỏe thiết thực khác để cộng đồng được nâng cao nhận thức và thực hành lối sống lành mạnh.

ThS.BS Hồ Sỹ Nam

HOÀNG NGUYỄN - ẢNH: TÍN PHƯƠNG