Tài chính

Các chuyên gia đánh giá TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển Trung tâm tài chính

Minh Thành 17/01/2025 - 07:48

Chiều 16/1, tại Hội thảo Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam do UBND TP Đà Nẵng và Bộ KH&ĐT tổ chức, TP.HCM và TP Đà Nẵng được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao, có nhiều lợi thế để phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

ct.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, mục tiêu phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng dựa trên điều kiện nền tảng chung của cả quốc gia với tình hình chính trị ổn định, quy mô nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, độ mở lớn và hội nhập với nền kinh tế thế giới...

Đặc biệt là vị trí chiến lược có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, vị trí địa chính trị quan trọng nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới.

Từ lợi thế của quốc gia là điều kiện nền tảng, TP.HCM và Đà Nẵng tiếp tục phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá đây là hội thảo chất lượng, thu hút rất nhiều nhà đầu tư, nhà khoa học trong và ngoài nước. Trung tâm tài chính là vấn đề mới, đóng vai trò quan trọng như một “cú hích” của nền kinh tế, thúc đẩy để Việt Nam vươn mình cất cánh. Các chuyên gia, tổ chức tài chính đều đánh giá: Đà Nẵng và TP.HCM là hai địa điểm hoàn toàn đúng đắn, hội tụ đủ yếu tố hiện tại và tiềm năng trong tương lai để phát triển Trung tâm tài chính.

Các diễn giả đều có nhận xét chính xác về những định hướng, chính sách dự kiến và có nhiều gợi mở cho Chính phủ Việt Nam, cũng như kỳ vọng Việt Nam khi có hai trung tâm tài chính này sẽ trở thành một phần ngày càng quan trọng của kinh tế thế giới. Muốn đất nước phát triển bền vững thì Trung tâm tài chính là quyết định mang tính chiến lược. Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương cần nghiên cứu kỹ các ý kiến tại hội thảo; đồng thời mong các diễn giả tiếp tục đồng hành với Việt Nam để phát triển trung tâm tài chính.

Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, hai thành phố và các bộ, ngành bám sát các vấn đề mà Chính phủ và chuyên gia đã chỉ ra. Đặc biệt là tập trung học hỏi kinh nghiệm của các trung tâm tài chính đã được xây dựng và phát triển bền vững hiện tại. Điểm mạnh của hai thành phố ngoài cơ sở hạ tầng là nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao, đặc biệt là quyết tâm của cả hệ thống chính trị tại địa phương.

Bên cạnh đó, hai thành phố tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất là hạ tầng pháp lý tốt, cơ chế chính sách ưu đãi hấp dẫn. Theo đó, Chính phủ đang nghiên cứu, tìm hiểu thêm các cơ chế chính sách tại các trung tâm tài chính trên thế giới để tiếp tục xây dựng chính sách phù hợp, cởi mở, đáng tin cậy và Việt Nam mong muốn các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện điều này. Thứ hai, các thành phố cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, liên hệ các trung tâm tài chính để học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp. Thứ ba, chuẩn bị về hạ tầng, cụ thể là hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng môi trường sống, môi trường làm việc và hệ sinh thái xung quanh trung tâm tài chính như Khu thương mại tự do, cảng, bến bãi…

TP.HCM được xếp hạng trong danh sách các trung tâm tài chính tại báo cáo xếp hạng các Trung tâm tài chính toàn cầu (Global Financial Centres Index- GFCI) lần đầu tiên vào năm 2022. Và tại báo cáo gần nhất của GFCI (tháng 9-2024), Trung tâm tài chính TPHCM được đánh giá là một trong số các trung tâm tài chính có sự cải thiện nổi bật về thứ hạng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

TP.HCM cũng là trung tâm dịch vụ tài chính số của Việt Nam, là thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính cùng với hệ sinh thái tài chính tập trung hơn 50% công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (Fintech), cùng với lực lượng lao động, lập trình viên có trình độ, tay nghề cao với mức chi phí rất cạnh tranh so với các nước trong khu vực, có thể tạo được lợi thế và hình thành các sản phẩm đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM.

Báo cáo của GFCI cũng đánh giá TP.HCM là trung tâm tài chính mới nổi, đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên còn thiếu tính kết nối, đa dạng và chuyên môn hóa của các trung tâm tài chính hàng đầu.

Minh Thành