Đề xuất một trung tâm nghiên cứu về vùng Đông Nam Bộ
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Thành phố sẽ đề xuất một trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Bộ để tập trung chuyên gia, nguồn lực nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp tăng cường liên kết Vùng.
Ngày 15/1, UBND TP.HCM tổ chức buổi làm việc với UBND các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Long An. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các địa phương dự buổi làm việc.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm, theo Kế hoạch phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam bộ, tổng cộng có 43 nội dung phối hợp song phương giữa TP.HCM và các tỉnh trong Vùng. Đến hết năm 2024, đã hoàn thành 27/43 nội dung phối hợp cấp vùng. Còn lại 15/43 nội dung hoàn thành một phần và 1/43 nội dung đang thực hiện.
Trong lĩnh vực giao thông, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An triển khai các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM, đảm bảo yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ; phối hợp trong triển khai hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án Vành đai 4 TP.HCM; trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; phối hợp Bộ Giao thông vận tải trong triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc, đường sắt trong vùng (Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành…); nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai, Bình Dương; phối hợp quản lý, khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến vận tải hành khách TP.HCM - Vũng Tàu;…
Các nội dung phối hợp song phương đa phần là những nội dung thường xuyên (như lĩnh vực y tế, du lịch, xúc tiến đầu tư…) hoặc cần thời gian triển khai dài (như lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch…) nên vẫn đang tiếp tục phối hợp thực hiện trong thời gian tới.
Trong năm 2025, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ phối hợp triển khai 16 nội dung trọng tâm, theo giai đoạn 2024 - 2025 tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM; trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án thành phần đường Vành đai 3 TP.HCM. Thống nhất kế hoạch chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng xanh. Tiếp tục triển khai Chương trình kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh hàng năm. Nghiên cứu xây dựng đề án Phát triển ngành logistics vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050…
Đẩy mạnh liên kết Vùng để cùng nhau phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc liên kết giữa các địa phương là rất cần thiết trong cái giai đoạn hiện nay và các địa phương phải cùng nhau liên kết, cùng nhau phát triển.
Đối với nhiệm vụ kết nối hạ tầng, ông Mãi khẳng định phải khẩn trương hoàn thiện các dự án hạ tầng chiến lược ở Vùng. Về dự án đường Vành đai 4, cần tập trung trình cơ quan thẩm quyền để có được chủ trương đầu tư và sau đó triển khai dự án. Còn với các dự án đang triển khai như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 3 thì tập trung quyết liệt để hoàn thành theo tiến độ.
Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin thêm, đối với dự án đường Vành đai 3, các địa phương kiên trì mục tiêu là đầu năm 2026 thông xe kỹ thuật, đến quý II năm 2026 sẽ thông xe toàn tuyến. Dự án đường Vành đai 4 thì phấn đấu để trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2025.
Đối với các cao tốc kết nối, ông mãi cho biết, sẽ cố gắng khởi công dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài trong năm nay để đồng bộ với cái cao tốc ở phía Campuchia.
Về đường sắt thì có tuyến Metro số 1 TP.HCM, kéo dài qua Bình Dương, Đồng Nai, đối với việc này ông Mãi khẳng định TP.HCM ủng hộ và sẽ tham gia tích cực.
Liên quan tới liên kết Vùng, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ đề xuất một trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Bộ và có văn phòng đặt tại TP.HCM. Mục đích là để có một bộ phận chuyên trách tập trung chuyên gia, tập trung các nguồn lực, để có đề xuất kịp thời lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
TP.HCM cũng sẽ căn cứ Nghị quyết 98 đề xuất một cơ chế cho quỹ phát triển hạ tầng Vùng. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ sớm hoàn thiện sơ bộ kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực cho Vùng và gửi cho các địa phương để đóng góp ý kiến. Ngoài ra, ông Mãi cũng đề nghị các địa phương quan tâm liên kết du lịch để thu hút nhiều hơn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, đến với Vùng.