Dòng chảy

Công bố Nghị quyết của Chính phủ xây dựng Trung tâm Tài chính tại TP.HCM

Minh Thành04/01/2025 09:39

Sáng 4/1, tại TP.HCM, Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM và UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

tt.jpg
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, chủ trì hội nghị

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao. Cùng các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đây là vấn đề không mới trên thế giới nhưng với Việt Nam là vấn đề khó và chưa có tiền lệ. Do đó, cơ hội lớn sẽ đi kèm với thách thức lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành công sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt được 5 cơ hội: kết nối với thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định vị thế là một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững; từ đó bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa.

Đối với TP.HCM, TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống...; Tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại Trung tâm tài chính của các địa phương.

Trung tâm tài chính tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực cho TP.HCM

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ, sự kiện này là niềm vui lớn, tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực để góp phần quan trọng giúp TP.HCM thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Trung ương giao trước mắt và lâu dài.

bt.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của Trung ương, sự cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, cùng với sự đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính minh bạch, hiệu quả và bền vững.

Trung tâm Tài chính quốc tế không chỉ là dự án phát triển kinh tế mà còn là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính. Là bước đi chiến lược để kết nối sâu hơn với dòng chảy tài chính thế giới, thu hút nguồn lực và thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trung tâm tài chính không chỉ hướng tới một nơi tập trung hoạt động tài chính mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, dẫn dắt lĩnh vực công nghệ tài chính với xu hướng kinh tế xanh và bền vững.

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, đây là cam kết chính trị để hiện thực hóa chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ. TP.HCM quyết tâm cao nhất thực hiện nghiêm Kết luận của Bộ Chính trị, kế hoạch triển khai của Chính phủ một cách nhanh chóng, quyết liệt, khẩn trương phối hợp với bộ ngành Trung ương thực hiện đồng bộ các giải pháp.

TP.HCM tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ quản lý, vận hành của Trung tâm Tài chính quốc tế, đào tạo nhân lực phát triển, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và công nghệ.

TP.HCM nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, các định chế tài chính lớn... phát triển thị trường tài chính an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cùng với đó, tập trung bố trí nguồn lực, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Huy động các nguồn lực trong đó có ngân sách, hỗ trợ quốc tế, nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân, nguồn vốn cộng đồng và xã hội.

Đồng thời, chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Việt Nam có đủ 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đang có đủ 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Thứ nhất, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33-34 thế giới, bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 -4.700 USD; với tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, đồng thời kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, phấn đấu đạt mức 2 con số trong những năm tới.

Thứ hai, đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Thứ ba, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt 2 con số, cao nhất khu vực.

Thứ tư, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với trên 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới; quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP.

Thứ năm, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ngoài ra, Việt Nam có vị trí chiến lược, vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới, có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.

Thủ tướng đánh giá, việc sớm phát triển trung tâm tài chính và khu vực và quốc tế có 5 ý nghĩa, tác động tích cực: Giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.

Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc, Thủ tướng khẳng định.

Đây là việc mới, việc khó nhưng khó mấy cũng phải làm, Thủ tướng cho rằng cần tham khảo học tập kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam hóa các tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng hiện đại; nâng cao công nghệ, năng lực quản lý, quản trị thông minh; phát huy sự đồng lòng, chung sức của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng: Việt Nam đủ 5 điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế- Ảnh 14.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính là công việc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người trên cương vị của mình với tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhấn mạnh quan điểm coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán kịp thời, đúng lúc, Thủ tướng đề nghị tất cả các chủ thể liên quan tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động phải quyết liệt hơn. Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, bạn bè quốc tế giúp đỡ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm rõ sản phẩm.

Kế hoạch hành động của Chính phủ đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể, để Chính phủ nhanh chóng trình Quốc hội các cơ chế, chính sách vào kỳ họp sắp tới, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM và Đà Nẵng khẩn trương rà soát, đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đồng tình, ủng hộ, sát cánh cùng TP.HCM và Đà Nẵng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây không phải việc riêng của 2 thành phố, mà là công việc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người trên cương vị của mình với tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển.

Minh Thành