Dòng chảy

TP.HCM phấn đấu GRDP tăng 10% trong năm 2025

Thành Minh26/12/2024 - 13:19

Sáng 26/12, UBND TP. HCM tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; quán triệt triển khai nhiệm vụ năm 2025.

tp.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Cùng dự có các đồng chí: Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Hà Phước Thắng; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện.

TP.HCM đạt tăng trưởng GRDP trên 7%

Báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải cho biết, trong năm 2024, kinh tế TP.HCM tiếp tục phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá như: Theo dự ước của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước đạt 7,17% , gần đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch 7,5 - 8,5%); Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,3% so với cùng kỳ; mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển của công nghiệp TP.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 10,7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 21,5%; tổng doanh thu du lịch tăng 18,8%; khách quốc tế đến TP ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 502.000 tỷ đồng, đạt hơn 104% dự toán năm, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối năm 2024 ước đạt 3.895 nghìn tỷ, tăng 10% so với cuối năm 2023.

Theo đồng chí Dương Ngọc Hải, trong năm, TP.HCM tập trung giải quyết hiệu quả khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Thành phố đã giải quyết xong 157/232 kiến nghị của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc thành phố; còn 75/232 kiến nghị đang được tập trung giải quyết. TP.HCM cũng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở 34/64 dự án của doanh nghiệp bất động sản và đang tiếp tục rà soát, giải quyết đối với 30 dự án còn lại. Đồng thời giải quyết 110/114 kiến nghị, đang rà soát xử lý 4/114 kiến nghị còn lại.

Đồng thời, TP đã tham mưu Trung ương trình Quốc hội xem xét, thông qua 3 đề án về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Đường sắt đô thị, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Hoàn thành việc lập Quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp tổ chức hoạt động sơ kết Chương trình hợp tác phát triển KT-XH với các địa phương năm 2024.

Phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP trên 10% trong năm 2025

Năm 2025, TP.HCM xác định chủ đề năm là: Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của TP.

UBND TP tập trung thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu (gồm 31 chỉ tiêu thành phần) KT-XH chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI và phân chia thành 5 nhóm. Theo đó, nhóm chỉ tiêu về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% trong GRDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt trên 50%; tỷ lệ chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt trên 1%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 7%...

TP.HCM cũng phấn đấu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.

TP.HCM cũng đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2025. Đó là: Tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm; Huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị giải pháp huy động đủ nhu cầu vốn đầu tư phát triển năm 2025 dự ước 500.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của thành phố; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

Ngoài ra, Thành phố cũng đẩy mạnh công tác xây dựng quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch chung thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Tập trung tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đồng thời, TP.HCM tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện mô hình, khung khổ pháp lý chính quyền đô thị sát với thực tiễn phát triển. Cùng với đó là xây dựng nền công vụ thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ với thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số.

Thành Minh