Giáo dục

Đổi mới quản trị đại học gắn với tự chủ và đảm bảo chất lượng

Công Chương 24/12/2024 - 13:32

Hội thảo Khoa học Quốc gia 2024 với chủ đề “Đổi mới quản trị đại học trên cơ sở tự chủ đại học gắn liền với đảm bảo chất lượng” vừa diễn ra tại quận 1, TP.HCM. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 150 cơ sở giáo dục đại học và hơn 200 đại biểu, cùng hơn 200 đại biểu tham gia trực tuyến.

Hội thảo được tổ chức bởi Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM, nhằm tạo ra một diễn đàn để trao đổi về các chiến lược quản trị đại học hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa.

hoi-thao-qtdh.jpg
Ban tổ chức tặng hoa chúc mừng các diễn giả tại hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham dự của nhiều đại biểu quan trọng, bao gồm đại diện Ban tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam, cùng với đại diện lãnh sự quán Hoa Kỳ và Hội đồng Anh tại TP.HCM. Mục đích của sự kiện là tạo cơ hội cho các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia và nhà nghiên cứu trao đổi về các chiến lược quản trị đại học, tận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng đào tạo, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm

hoi-thao-ts.tran-viet-anh.jpg
TS Trần Việt Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM, phát biểu.

Trong bài phát biểu khai mạc, TS Trần Việt Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM, cho biết: “Hội thảo lần này đề cập đến một chủ đề quan trọng liên quan đến tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình trong đảm bảo chất lượng giáo dục. Sau hơn nửa năm chuẩn bị, Ban tổ chức đã nhận được gần 70 báo cáo chất lượng từ các đại biểu, chuyên gia và nhà quản lý giáo dục”.

hoi-thao-gs.tskh.-nguyen-dinh-duc.jpg
GS.TS.KH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục Việt Nam, phát biểu.

GS.TS.KH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục Việt Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức hội thảo, chia sẻ rằng các báo cáo hội thảo lần này tập trung vào thực trạng tự chủ đại học tại Việt Nam, kinh nghiệm của các quốc gia khác và các yếu tố tác động đến tự chủ đại học, từ đội ngũ giảng viên, chuẩn đầu ra đến chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các báo cáo này cũng đánh giá mối quan hệ giữa nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay.

Tự chủ đại học: Cơ hội và thách thức

Một trong những vấn đề được thảo luận tại hội thảo là tầm quan trọng của việc xác định rõ vai trò và vị trí của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là đối với các trường công lập và ngoài công lập. Theo các báo cáo tham luận, tự chủ đại học sẽ dẫn đến những thay đổi quan trọng trong cơ chế và mô hình quản trị của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là trong việc phát triển đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh rằng tự chủ đại học, đặc biệt là từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, đã tạo ra động lực lớn cho việc đổi mới giáo dục đại học, tuy nhiên, cần phải gắn liền với đảm bảo chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ và chất lượng nghiên cứu.

Ở tham luận của mình, TS Nguyễn Minh Huyền Trang (Đại học Quốc gia TP.HCM), phân tích “Chất lượng giáo dục và sự thay đổi – Thách thức và cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa”, mở ra những góc nhìn mới về cải tiến chất lượng đào tạo. TS Huyền Trang tập trung vào những thách thức mà toàn cầu hóa mang lại trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, bao gồm các yếu tố liên quan đến văn hóa, chính trị, kinh tế và sự chênh lệch về chất lượng giữa các vùng miền và quốc gia, cũng như tác động của công nghệ số đối với phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, cô còn đề xuất các cơ hội nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc tận dụng những lợi thế mà xu thế toàn cầu hóa mang lại.

Những đóng góp quan trọng và định hướng phát triển

Hội thảo chia thành hai phiên chính. Phiên 1, với chủ đề “Đổi mới tự chủ đại học và quản trị trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế”, đã nhận được sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu như TS Nguyễn Thị Thu Hà (Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải), người đã trình bày về quá trình tự chủ đại học ở Việt Nam, nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống quản trị đại học trực tuyến để thúc đẩy chuyển đổi số. Tuy nhiên, TS. Thu Hà cũng chỉ ra rằng quá trình này vẫn đang ở giai đoạn đầu, với nhiều cơ sở còn thiếu sự đồng bộ.

hoi-thao-pgs.ts-tran-van-hung.jpg
PGS.TS Trần Văn Hưng (Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM) phát biểu.

Trong phiên thứ 2, PGS.TS Trần Văn Hưng (Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM) đã thảo luận về mối quan hệ giữa giáo dục và hệ sinh thái khởi nghiệp, ảnh hưởng đến quyết định khởi nghiệp của sinh viên. Cùng với đó, TS Hoàng Thị Hương đã nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ hỗ trợ đào tạo sau đại học, chỉ ra rằng cơ sở vật chất và sự tin cậy là hai yếu tố quan trọng nhất.

Tổng kết hội thảo, GS Nguyễn Đình Đức đánh giá cao các báo cáo tham luận và nhấn mạnh rằng nếu thực hiện tốt, tự chủ đại học có thể trở thành “khoán 100” đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, tạo ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ cho giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai. Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, khẳng định rằng hội thảo là bước đi quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự phát triển của tự chủ đại học tại Việt Nam.

Hội thảo cũng đã đề xuất 4 chủ đề hoạt động của Câu lạc bộ trong năm 2025, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, triển khai đào tạo STEM, ứng dụng AI trong giáo dục đại học, và xây dựng các tiêu chí kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh CMCN 4.0.

Câu lạc bộ bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 58/QĐ-HH-CLB năm 2023, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học. Mặc dù mới thành lập, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam.

Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM là một trong những cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập thành lập đầu tiên tại TP.HCM, với hơn 30 năm hình thành và phát triển. Nhà trường hiện đang chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, hợp tác với các doanh nghiệp, và hướng đến mục tiêu trở thành trường đại học thông minh, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Công Chương