Dòng chảy

Trí thức đóng góp ý kiến cùng TP.HCM phát triển trong kỷ nguyên mới

Ngọc Duy - Trúc Nhã 22/12/2024 - 15:44

Ngày 22/12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024.

Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Hội nghị đón tiếp gần 300 đại biểu là Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu, đại biểu biểu trí thức hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực, đại diện cho đội ngũ trí thức TP.HCM.

hinh-11(1).jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị "Gặp gỡ trí thức 2024".

Phát huy vai trò trí thức hiện nay

Tại chương trình, đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, trong không khí những ngày cuối năm, cùng cả nước, thành phố đang nỗ lực, phấn đấu vừa hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, lập thành tích chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024 nhằm lắng nghe ý kiến, những đề xuất, hiến kế của đại biểu trí thức thành phố trên các lĩnh vực để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI; đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XII, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thành phố.

Đội ngũ trí thức Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước qua các thời kỳ. Đây là lực lượng khá đông đảo, giàu tâm huyết, nắm giữ nguồn lực tri thức chủ yếu trong xã hội, đồng thời luôn trăn trở về sứ mệnh của mình trước những bước tiến của quốc gia, dân tộc và thời đại.

Sự đóng góp của đội ngũ trí thức ngày càng nổi bật khi thế giới bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nơi chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trở thành nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ phát triển và hội nhập của đất nước.

Do đó, TP.HCM luôn xem việc xây dựng, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đây là lực lượng giàu tâm huyết, nắm giữ nguồn tri thức chủ yếu và có sứ mệnh lớn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

z6154737844753_4b0d5349e8260d02f5ab9aaeaee60a2b.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM (thứ 8 từ trái sang) và đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM (thứ 4 từ phải sang) trao hoa cho các trí thức tiêu biểu của thành phố.

Sự ra đời của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong chiến lược phát triển quốc gia đã trở thành một cột mốc quan trọng đối với công tác tập hợp, đãi ngộ và phát triển đội ngũ trí thức.

Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển đội ngũ trí thức, thu hút nhân tài và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo đó, Thành ủy TP.HCM đã ban hành chương trình hành động, các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa những mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện Nghị quyết 27 gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Song song đó, Thành ủy TP.HCM cũng đề ra các chủ trương nhằm tăng cường nguồn lực để thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã đầu tư xây dựng các thiết chế để tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thu hút trí thức khoa học và công nghệ tham gia nghiên cứu, học tập, sản xuất, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, TP.HCM tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiên cứu triển khai và ứng dụng; ban hành quy chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách cho các nhà khoa học đầu ngành và trí thức trẻ.

Qua chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, TP.HCM đã làm giàu thêm truyền thống vốn có của mình trong công tác tập hợp, thu hút đội ngũ nhân sĩ trí thức, văn nhân nghệ sĩ.

Trí thức góp ý chính sách cùng sự phát triển của thành phố

Tại hội nghị, với tình cảm chân thành, sâu sắc, tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu là những trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã dành thời gian trao đổi, chia sẻ cởi mở về những kinh nghiệm, kết quả nổi bật, những đề xuất của bản thân đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng.

Phát biểu tại hội nghị TS.BS Lê Quốc Sử - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cho biết, TP.HCM là một trung tâm y tế lớn của cả nước. Hiện nay nhiều bệnh viện công đang trong tình trạng quá tải. Điều đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Trong khi đó nhiều bệnh viện tư không hoạt động hết công suất.

“Có những bệnh nhân phải chờ chụp MRI 4 - 5 ngày ở bệnh viện công. Trong khi đó nhiều bệnh viện tư đầu tư máy móc rất lớn, hiện đại, nhưng không hoạt động hết công suất”, TS.BS Sử trình bày.

Ông cũng ý kiến thêm, TP.HCM có thể nghiên cứu một mô hình doanh nghiệp phối hợp giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Mục tiêu lớn là hình thành những trung tâm y tế, không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn có thể cạnh tranh với các nước khác.

z6154737979376_18585672f7f90caa2d078bcbf01c06e9.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết “Đọc sách giúp chúng ta có kiến thức, kiến thức là mở đầu cho mọi thứ. Không có kiến thức thì không thể làm được gì cả”.

Về lĩnh vực văn học, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, văn hóa đọc hiện nay suy giảm nghiêm trọng. Học sinh, sinh viên hiện nay dành nhiều thời gian cho các thiết bị di động. Số lượng các ấn phẩm báo chí (báo giấy) xuất bản ngày càng ít.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đề nghị Thành phố nên phát động phong trào đọc sách, đọc báo rất rầm rộ, lớn mạnh hơn, không chỉ trên văn bản mà phải có những hành động, việc làm cụ thể. Các trường học cần có tủ sách phù hợp với từng lứa tuổi. Nên bổ sung sách, báo cho các thư viện huyện và đa dạng thể loại. Bên cạnh đó, có thể tổ chức các giải thưởng khuyến khích đọc sách, báo; giải thưởng cho nhà xuất bản và tờ báo.

“Đọc sách giúp có kiến thức, kiến thức là mở đầu cho mọi thứ. Không có kiến thức thì không thể làm được gì cả”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư khẳng định.

Trong khi đó, nhà văn Trầm Hương nêu vấn đề cần đưa văn hóa Việt ra thế giới và cần có chiến lược cụ thể. Nước ta dịch nhiều sách nước ngoài ra tiếng Việt, nhưng rất ít sách tiếng Việt được dịch ra tiếng nước ngoài.

“Hơn 230.000 du học sinh ở nước ngoài là cầu nối lớn để đưa giá trị văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài. Để khai thác giá trị trí tuệ hữu hiệu thì đừng quên lực lượng trẻ, du học sinh”, bà Trầm Hương cho biết.

gs-sen.jpg
GS.TS Võ Văn Sen - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

Còn theo GS.TS Võ Văn Sen - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng, trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa, cũng như những biến đổi của đời sống xã hội thành phố. Dựa trên đặc điểm và nhu cầu cụ thể, mỗi địa phương, cơ quan cần có chiến lược và chính sách linh hoạt để trọng dụng nguồn nhân lực một cách phù hợp. Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc thù để đãi ngộ xứng đáng những trí thức có tài năng, có cống hiến quan trọng".

Lắng nghe để phát triển

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, mục tiêu của chương trình hành động của thành phố mong muốn phát triển đội ngũ trí thức có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, gắn bó vững chắc giữa Đảng và chính quyền với trí thức; trí thức có vai trò quan trọng trong tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

z6154737977902_abe2b164f307605fa7c8a704fedb3ebe.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu kết luận hội nghị.

Bí thư Nguyễn Văn Nên thông tin, trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa các cấp lãnh đạo thành phố với đội ngũ trí thức ngày càng gắn bó. Đội ngũ trí thức của thành phố không chỉ lớn mạnh về số lượng mà còn không ngừng tăng về chất lượng, độ tuổi không ngừng trẻ hóa.

"Thành phố luôn có 3 nhóm trí thức. Nhóm thứ nhất là những trí thức trẻ do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phụ trách; nhóm trí thức cao tuổi do Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông làm đầu mối và nhóm trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn sẵn sàng tập hợp khi cần thiết", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM mong muốn Chương trình hành động của thành phố sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, để xây dựng đội ngũ trí thức đủ về số lượng và mạnh về chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và phát triển toàn diện thành phố.

“Lãnh đạo thành phố luôn ý thức rằng, để phát triển mạnh mẽ, cần lắng nghe, học hỏi từ mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức. Chúng ta phải nghiêm túc rút ra bài học từ những vị lãnh đạo tiền bối như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người luôn thể hiện tinh thần gần gũi, cầu thị, lắng nghe trực tiếp ý kiến từ nhân dân và các trí thức”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Qua chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, TP.HCM đã làm giàu thêm truyền thống vốn có của mình trong công tác tập hợp, thu hút đội ngũ nhân sĩ trí thức, văn nhân nghệ sĩ. Đội ngũ này đang trở thành một lực lượng đông đảo đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển của thành phố hiện nay.

Hiện, đội ngũ trí thức TP.HCM có khoảng 1,6 triệu người, trong đó khoảng 18.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và khoảng 80.000 thạc sĩ.

Riêng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có 188 giáo sư, gần 1.200 phó giáo sư.

Ngọc Duy - Trúc Nhã