Y học

Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị ca sẹo hẹp khí quản và rò khí thực quản hiếm gặp

An Quý 21/12/2024 - 17:21

Sẹo hẹp khí quản và rò khí thực quản hiếm được đánh giá là một phẫu thuật khó, phức tạp đối với ngành Tai Mũi Họng và phẫu thuật đầu cổ Việt Nam nói riêng cũng như trên thế giới nói chung.

BS.CKII. Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết vừa qua, khoa đã tiếp nhận một ca bệnh nhân nam bị sẹo hẹp khí quản và rò khí thực quản. Đặc biệt, bệnh nhân còn thuộc nhóm máu hiếm AB (Rh-). Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên khoa Tai Mũi Họng tiếp nhận một ca bệnh rất nặng và hiếm như thế.

benh-nhan-bi-ro-khi-quan.jpg

Cách đây một năm, bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa và được điều trị tại phòng ICU của bệnh viện địa phương khoảng 20 ngày. Sau khi được xuất viện về nhà, bệnh nhân bắt đầu ho ra máu. Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân bị rò khí thực quản.

Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Do lỗ rò quá lớn nên chưa phát hiện được sẹo hẹp. Bệnh nhân được phẫu thuật để vá lỗ rò.

BS.CKII Hoàng Bá Dũng cho biết: “Sau khi mở cổ, chúng tôi phát hiện nguyên phần sau của khí quản bị mất. Do đó, khi đóng lò rò lại, khí quản bị hẹp đi. Nhưng lúc đó tổng trạng bệnh nhân quá yếu để chịu đựng một cuộc mổ lớn và kéo dài. Viêm phổi kèm theo lỗ rò khí quản khiến bệnh nhân chỉ còn khoảng 39kg. Nên chúng tôi phải chia ra làm 2 lần; đóng lỗ rò trước, mở khí quản… Bệnh nhân được cho xuất viện”.

Sau 4 tháng điều dưỡng tại nhà, bệnh nhân tăng thêm 20 kg, tình trạng viêm phổi được cải thiện. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị sẹo gây hẹp bít tắc phần khí quản trên, đường rò khí thực quản vẫn còn, nên các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, quyết định tiến hành phẫu thuật lần 2.

“Bệnh nhân lại thuộc nhóm máu hiếm, nên chuẩn bị phẫu thuật gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi chuẩn bị được hai đơn vị máu cho cuộc mổ. Cuộc mổ kéo dài 4 tiếng với 6 phẫu thuật viên; cắt toàn bộ sẹo hẹp khí quản, bóc tách hẳn khí quản ra khỏi thực quản, khâu đóng lỗ rò thực quản, khâu nối khí quản. Hiện bệnh nhân đã thở và nói được bằng đường tự nhiên”, BS Bá Dũng mô tả.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần tránh những thực phẩm gây kích thích mô tạo sẹo như rau muống, tôm, hải sản...

Với số lượng bệnh nhân khám hằng ngày trên 5.000, trên 1 - 2 năm mới gặp 1 trường hợp, theo BS Dũng, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng đó là ca bệnh hiếm gặp. Trước đây, khoa Tai Mũi Họng vẫn thường tiếp nhận vài ba ca rò khí thực quản và sẹo hẹp khí quản. Khoảng 1 năm trước, khoa cũng từng tiếp nhận 1 ca rò khí thực quản nhưng bệnh nhân dị ứng với toàn bộ kháng sinh nên không thể thực hiện được phẫu thuật.

Rò khí thực quản và sẹo hẹp khí quản thường do tình trạng bệnh nhân hôn mê phải thở máy, đặt khí nội quản kéo dài từ 10 ngày trở lên, kèm theo suy dinh dưỡng… gây hoại tử dẫn đến thủng khí quản hay thực quản.

An Quý