Cộng đồng

“Vui khỏe mỗi ngày” tháng 12/2024: Quản lý cơ xương khớp và dinh dưỡng cho tuổi thanh niên

HOÀNG NGUYỄN 20/12/2024 - 14:13

Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” tháng 12/2024 sẽ được tổ chức với chủ đề "Phòng tránh các bệnh lý cơ xương khớp và dinh dưỡng cho tuổi thanh niên".

Chương trình do Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp cùng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện Nhân dân 115.

Sự kiện diễn ra vào lúc 13h30-16h, ngày 23/12/2024 (Thứ Hai) tại Hội trường Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (Số 5 Nam Quốc Cang, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM).

vui-khoe-moi-ngay-thang-12.2024.jpg

Tham dự chương trình với vai trò báo cáo viên lần này là BS.CKII Nguyễn Đức Lâm - Phó Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, thuộc Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO và BS.CKII Võ Thanh Dinh – Phó trưởng Khoa, phụ trách quản lý điều hành Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115.

“Dinh dưỡng bền vững” mang lại cuộc sống lành mạnh cho hiện tại và tương lai

Tại chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” lần này, BS.CKII Võ Thanh Dinh – Phó trưởng Khoa, phụ trách quản lý điều hành Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ trình bày báo cáo chuyên đề “Dinh dưỡng bền vững cho tuổi thanh niên”. BS.CKII Võ Thanh Dinh cho biết, “Dinh dưỡng bền vững” là một khái niệm liên quan đến chế độ ăn uống không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe của con người mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự công bằng xã hội và hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững.

bs.ckii-vo-thanh-dinh-bv-115.jpg
BS.CKII Võ Thanh Dinh – Phó trưởng Khoa, phụ trách quản lý điều hành Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115.

Theo định nghĩa của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO): “Dinh dưỡng bền vững là chế độ ăn có tác động môi trường thấp, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, mang lại cuộc sống lành mạnh cho thế hệ hiện tại và tương lai. Chế độ ăn này bảo vệ và tôn trọng đa dạng sinh học, hệ sinh thái, các nền văn hóa và hệ thống thực phẩm địa phương, đồng thời mang lại lợi ích cho kinh tế xã hội”.

Dinh dưỡng bền vững là chìa khóa để cân bằng giữa nhu cầu dinh dưỡng của con người và trách nhiệm bảo vệ môi trường, từ đó góp phần xây dựng một tương lai khỏe mạnh và bền vững cho thế hệ hiện tại và mai sau. Tầm quan trọng của dinh dưỡng bền vững đối với thanh niên có thể được xem xét từ nhiều khía cạnh như sức khỏe, môi trường, xã hội và kinh tế. Đây là lứa tuổi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cá nhân và xã hội, nên dinh dưỡng bền vững không chỉ giúp thanh niên phát triển toàn diện mà còn truyền cảm hứng và tạo động lực cho một tương lai tốt đẹp hơn.

BS.CKII Võ Thanh Dinh cho hay, thanh niên đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tinh thần. Vì vậy cần chế độ ăn bền vững, cân bằng giúp đảm bảo đủ năng lượng, vi chất dinh dưỡng (vitamin, sắt, canxi...) để phát triển chiều cao, khối cơ và các chức năng sinh lý khác. Bên cạnh đó, cần hạn chế bệnh không lây nhiễm như béo phì, tiểu đường, tim mạch do tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và không lành mạnh; duy trì thói quen ăn uống lành mạnh từ sớm giúp hình thành nền tảng sức khỏe lâu dài cho cả tương lai.

Tuy nhiên, sinh viên thường gặp những thách thức trong thực hành dinh dưỡng bền vững như: thiếu thời gian do áp lực học tập, công việc; khả năng chi trả hạn chế cho thực phẩm bền vững hoặc hữu cơ; sự hấp dẫn của thức ăn nhanh và đồ ăn chế biến sẵn,... Tại chương trình, BS.CKII Võ Thanh Dinh sẽ chia sẻ cách để các sinh viên vượt qua những thách thức đó, thực hành được chế độ dinh dưỡng bền vững.

“Sức khỏe của bạn và hành tinh phụ thuộc vào những gì bạn ăn mỗi ngày. Thanh niên chính là lực lượng tiên phong cho sự thay đổi trong thói quen ăn uống, từ đó xây dựng tương lai khỏe mạnh và bền vững”, BS.CKII Võ Thanh Dinh nhấn mạnh.

Người trẻ hiện nay cũng mắc nhiều bệnh xương khớp

Tiếp tục đồng hành với chương trình lần này, BS.CKII Nguyễn Đức Lâm (Phó Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, thuộc Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO) sẽ trình bày báo cáo chuyên đề “Phòng tránh các bệnh lý cơ xương khớp”. BS.CKII Nguyễn Đức Lâm cho biết, không chỉ người già mà người trẻ hiện nay cũng mắc nhiều bệnh xương khớp, phổ biến như: gout, chấn thương dây chằng, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm… Các nguyên nhân gây ra bệnh liên quan đến chế độ ăn, thói quen xấu...

bs.ckii-nguyen-duc-lam-saigon-ito.jpg
BS.CKII Nguyễn Đức Lâm (Phó Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, thuộc Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO).

Vì vậy, mọi người cần biết cách phòng tránh các bệnh lý xương khớp hiệu quả. Thứ nhất, loại bỏ những thói quen không tốt cho xương khớp như cúi gằm khi dùng điện thoại, ngồi lâu, bê vác vật nặng sai tư thế… Đó có thể là nguyên nhân hàng đầu gây thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp… Thứ hai, bên cạnh việc vận động, ăn uống để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, vóc dáng cân đối để giảm áp lực cho xương, bạn cũng nên tránh việc giữ quá lâu một tư thế. Và thứ ba, nên duy trì cân nặng ổn định, hợp lý để phòng bệnh xương khớp. Tình trạng thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố hàng đầu liên quan đến những tổn thương và thoái hóa khớp. Do vậy, tốt nhất nên phòng tránh bệnh xương khớp ngay từ khi còn nhỏ bằng việc cân bằng dưỡng chất và luyện tập những bài đúng độ tuổi.

Ngay sau phần trình bày báo cáo chuyên đề, hai báo cáo viên sẽ có phần giao lưu, giải đáp trực tiếp những thắc mắc của các thầy cô, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM. Những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng và cách phòng tránh các bệnh lý cơ xương khớp sẽ được chuyên gia, bác sĩ chuyên môn chỉ dẫn cụ thể để các thầy cô và sinh viên có thể ứng dụng vào thực tế chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày với các bệnh lý thường gặp” là một sáng kiến vì sức khỏe cộng đồng do Tạp chí Khoa học phổ thông khởi xướng, được tổ chức định kỳ hằng tháng nhằm mục đích nâng cao kiến thức phòng tránh các bệnh lý thường gặp đến với cộng đồng, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

HOÀNG NGUYỄN