Dòng chảy

Báo chí lan tỏa phát triển bền vững về môi trường trong tình hình mới

An Quý 20/12/2024 - 14:13

Báo chí giúp nâng cao nhận thức phát triển bền vững và lan tỏa các giải pháp bảo vệ môi trường trong cộng đồng; là kênh truyền thống chính thống giảm thiểu các thông tin “tẩy xanh”.

Ngày 20/12, Trung tâm Báo chí TP.HCM phối hợp cùng Cty Cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức chương trình “Bồi dưỡng kiến thức phát triển bền vững về môi trường trong tình hình mới dành cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí tại TPHCM”.

f7f1ca2fd43a6964302b.jpg
Trung tâm Báo chí TP.HCM tổ chức chương trình “Bồi dưỡng kiến thức phát triển bền vững về môi trường trong tình hình mới dành cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí tại TPHCM”

Theo ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM, lớp bồi dưỡng đã thu hút sự đăng ký tham gia của đội ngũ phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo đài trên địa bàn Thành phố. Đây là những người tác nghiệp ở lĩnh vực môi trường, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp nông thôn và phát triển bền vững.

Tại lớp bồi dưỡng, TS. Đinh Thị Ngọc Bích, chuyên gia tư vấn và thành viên độc lập Tiểu ban Phát triển bền vững Coteccons - đã cung cấp các kiến thức nền tảng về phát triển bền vững trong lĩnh vực môi trường; đánh giá vai trò của báo chí trong nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, truyền tải các mô hình, giải pháp điển hình.

Theo TS Ngọc Bích, đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, như xây dựng, ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng cam kết phát triển bền vững và có trách nhiệm. Với việc ưu tiên các yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), các doanh nghiệp đang không ngừng giảm thiểu tác động đến môi trường, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cộng đồng, đồng thời duy trì các hoạt động kinh doanh minh bạch.

Bên cạnh đó, TS. Ngọc Bích cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc chống lại các chiêu trò marketing "tẩy xanh" (green washing) của nhiều doanh nghiệp không trung thực. Green washing sẽ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về các hoạt động môi trường của một công ty hoặc các lợi ích môi trường của một sản phẩm hoặc dịch vụ. Hậu quả của việc này khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin về thương hiệu xanh, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp khác.

6359c72cd93964673d28.jpg
Báo chí giúp nâng cao nhận thức phát triển bền vững và lan tỏa các giải pháp bảo vệ môi trường trong cộng đồng; là kênh truyền thống chính thống giảm thiểu các thông tin “tẩy xanh”.

Vì vậy, báo chí chính thống sẽ là nơi cung cấp các thông tin đa chiều, các nguồn tin được kiểm chứng giúp người đọc nhận thức đúng về các thương hiệu xanh, lan tỏa các giá trị chân thật; thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng xanh, bền vững.

Đại diện Acecook Việt Nam cũng chia sẻ về sự kiên trì cải tiến hoạt động sản xuất, gia tăng tính bền vững đối với các sáng kiến bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng và nỗ lực xây dựng môi trường hạnh phúc, thực hiện phát triển bền vững và gắn kết các bên liên quan cùng tạo nên các giá trị dài hạn cho tương lai.

Một học phần khác trong chương trình bồi dưỡng là các học viên sẽ được tham quan thực tế, tìm hiểu dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường, khám phá các giải pháp hiện đại nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác hại môi trường tại nhà máy của Acecook. Các chuyên gia sẽ trao đổi thêm về các giải pháp có thể nhân rộng trong cộng đồng góp phần thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường.

Các phóng viên, biên tập viên đã trao đổi, thảo luận sôi nổi các nội dung liên quan đến xu hướng phát triển bền vững và các giải pháp truyền thông nhằm lan tỏa nhiều hơn và hiệu quả hơn về môi trường.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh. Cụ thể về tăng trưởng xanh, phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Cùng với đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050.

An Quý