Hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn quốc tế ngành ô tô
Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM đã ký kết hợp tác với Liên đoàn các Hiệp hội Kiểm tra và Bảo dưỡng Ô tô Hàn Quốc nhằm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn quốc tế cho ngành ô tô.
Ngày 17/12, hội thảo quốc tế "Phát triển ngành công nghiệp ô tô" đã được tổ chức thành công tại TP.HCM. Chương trình nhằm góp phần định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ThS Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM cho biết: "Hội thảo là bước khởi đầu quan trọng trong việc xây dựng một nền tảng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành ô tô theo tiêu chuẩn quốc tế".
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà giáo dục, đại diện doanh nghiệp từ Việt Nam và Hàn Quốc.
Chia sẻ tại hội thảo, ThS. Trương Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn cho biết, với mục tiêu xuất khẩu 90.000 xe ô tô và 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 như nêu tại "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2025, tầm nhìn đến 2035" sẽ rất khó khăn. Nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô gặp khó, gồm: kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng thấp do nhiều nguyên nhân; giá bán xe tại Việt Nam cao gấp 2 lần so với Thái Lan, Indonesia và còn lớn hơn so với những nước có ngành ô tô phát triển như Mỹ, Nhật Bản,...
Tuy nhiên, theo ThS. Trương Văn Hùng, Việt Nam cũng có nhiều lợi điểm, như: Thị trường tiêu thụ ô tô cao tại Việt Nam, tăng trung bình 20%-30% và tiềm năng đứng thứ 4 sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Theo thống kê năm 2020, Việt Nam có tỉ lệ sở hữu 50 xe/1000 dân (Thái Lan là 280 xe và Malaysia là 542 xe/1000 dân. Điện hóa ô tô cũng là lợi điểm của Việt Nam khi tương đồng như các nước châu Á về tiềm năng thu hút các dự án đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô điện nhất là trong xu thế dịch chuyển đầu tư và tái cấu trúc chuỗi giá trị công nghiệp trong khu vực.
Thách thức lớn nhất đối với ngành ô tô Việt Nam là sức ép từ các quốc gia đi trước, Thái Lan và Indonesia vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô khi lắp ráp đơn giản, sản xuất chỉ 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra; sản xuất khuôn mẫu, phôi liệu yếu về quy mô, thiếu về năng lực và kém trong liên kết phối hợp, tỷ lệ sai hỏng còn nhiều,…
Tại hội thảo, những vấn đề nổi bật cũng được các đại biểu thảo luận bao gồm: xây dựng tiêu chuẩn tay nghề và chương trình đào tạo nghề ô tô đạt chuẩn quốc tế; chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm từ các mô hình thành công của Hàn Quốc; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ hội thảo, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. HCM và Liên đoàn các Hiệp hội Kiểm tra và Bảo dưỡng Ô tô Hàn Quốc đã diễn ra. Đây là cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác lâu dài và bền vững trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành ô tô.
Bà Loan Trần - Phó giám đốc Tổ chức Giáo dục Duy Tân khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành cùng Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM trong việc kết nối các đối tác giáo dục quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ và chương trình đào tạo tiên tiến; hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc cập nhật tiêu chuẩn giảng dạy và đào tạo kỹ năng nghề; phát triển các tiêu chí đánh giá kỹ năng tay nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động,...
Đồng thời, sự kiện cũng đánh dấu sự ra mắt Chi hội Ngành Công nghệ Ô tô, trực thuộc Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM. Chi hội sẽ đóng vai trò kết nối các nhà giáo dục, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ô tô; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo và phát triển kỹ năng nghề nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo chuẩn quốc gia và quốc tế.