Khoa học

Thiết kế vi mạch hướng tới khả năng ứng dụng vào thực tiễn

Ngọc Duy 18/12/2024 - 16:37

Các sản phẩm của Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh đều hướng tới tính ứng dụng thực tiễn, khả năng áp dụng vào sản xuất, thương mại.

Đây là chia sẻ của ông Lê Quốc Cường - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM tại lễ phát động Cuộc thi Thiết kế Vi mạch cho đô thị thông minh lần 2 năm 2024, sáng 18/12. Cuộc thi do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

z6141518026961_1c5271df429ebb1515366e2efd0ed3b9.jpg
Ông Lê Quốc Cường - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi.

Hướng tới ứng dụng vào thực tiễn

Theo ông Lê Quốc Cường cho biết, Thiết kế Vi mạch cho đô thị thông minh đã tạo nên tiếng vang lớn trong cộng đồng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Thành phố. Qua đó, góp phần phát triển ngành vi mạch Việt Nam với lợi thế nguồn nhân lực trẻ và năng động sáng tạo. Cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong ngành vi mạch điện tử đến các tri thức trẻ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong cộng đồng khởi nghiệp ĐMST Việt Nam.

Cuộc thi được tổ chức cho tất cả các bạn sinh viên, học viên trên toàn quốc có ý tưởng, dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Các dự án được chọn lựa và tham gia các vòng thi, lần lượt là sơ tuyển ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm, đánh giá chuyên môn, chung kết và lễ tổng kết trao giải.

Tại đây, tài năng của các nhóm sinh viên và nguồn lực được phát huy mạnh mẽ từ hệ sinh thái 3 Nhà (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp), cũng như chú trọng vào hoạt động đào tạo, ươm tạo và hoàn thiện từ ý tưởng đến sản phẩm.

Sinh viên, học viên sẽ được đào tạo bởi các chuyên gia để hoàn thiện ý tưởng và quy trình thiết kế trên các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế. Các sản phẩm được đánh giá chuyên môn trước khi được ban giám khảo doanh nghiệp đánh giá tại vòng chung kết. Để khẳng định sự hoàn thiện về công nghệ, tính ứng dụng, khả năng ươm tạo và thương mại.

z6141517937044_e3d5c206eea032ed020aa3351b874426.jpg
Toàn cảnh lễ phát động cuộc thi.

“Các sản phẩm của Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh đều hướng tới tính ứng dụng thực tiễn, khả năng áp dụng vào sản xuất. Những dự án đạt giải cao sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các Khu Công nghệ cao, Trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp liên quan… để ươm tạo, tiến tới phát triển và chuyển giao sản phẩm cho sản xuất”, ông Cường khẳng định.

Đây cũng là cách thức tổ chức tiến bộ, sáng tạo, bền vững trên cơ sở một hệ sinh thái ngành mà Hiệp hội vi mạch bán dẫn toàn cầu SEMI cùng với các doanh nghiệp hàng đầu khác, như Cadence, Synopsys, Siemens đều đang thực hiện.

Cũng theo ông Lê Quốc Cường, cuộc thi năm nay được mở rộng trên quy mô toàn quốc, với sự phối hợp chính giữa ba thành phố lớn - những trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước: TP.HCM, TP.Hà Nội và TP.Đà Nẵng.

Đưa Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới

Trước đó, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, với mục tiêu Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn. Từ đó từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn.

z6141518016325_5150ec52db0331f9850ba8355f224d60.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi.

Một trong các giải pháp thực hiện là khuyến khích tổ chức các cuộc thi, giải thưởng tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, giúp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động và lợi ích cho cộng đồng.

Do đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã tổ chức Cuộc thi Thiết kế Vi mạch cho đô thị thông minh. Cuộc thi nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của UBND TP.HCM với sự sự chủ động và tính hiệu quả, đưa cuộc thi trở thành nơi đào tạo và ươm mầm, khuyến khích nghiên cứu phát triển những ý tưởng thiết kế vi mạch tiềm năng, với mục tiêu “Chuyển đổi kép phát triển Thành phố xanh bền vững”.

Từ đó góp phần xây dựng vị thế, đưa Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới.

Ngọc Duy