Sống xanh

Đề xuất giải pháp về chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Tin & Ảnh Đỗ Phương 17/12/2024 - 14:35

Ngày 17/12, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại bán lẻ tại Việt Nam” nhằm chia sẻ kết quả sơ bộ cũng như tham vấn ý kiến từ các cơ quan, chuyên gia, doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, quy mô thị trường bán lẻ năm 2023 đạt 142 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025.

f0ebdd25884635186c57.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo Giải pháp về chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại bán lẻ tại Việt Nam.

Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng ICED đánh giá lĩnh vực kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi, ứng dụng và vận hành các mô hình kinh doanh tuần hoàn, công nghệ phát thải thấp và công nghệ sạch. Do đó cần có các chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, trong quá trình chuyển đổi sang KTTH.

5a900e0cdf6e62303b7f.jpg
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng ICED phát biểu tại hội thảo

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số rào cản trong quá trình chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn. Cụ thể là rào cản về công nghệ, con người, chi phí đầu tư, chính sách và pháp lý…

Cụ thể, việc sử dụng nền tảng và công nghệ do bên thứ ba cung cấp, đặc biệt là các công ty nước ngoài, có thể dẫn đến rủi ro về việc họ thu thập hoặc phân tích hành vi khách hàng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, chi phí để xây dựng hệ thống bảo mật toàn diện khá cao, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với đối tác công nghệ để ngăn chặn rò rỉ thông tin.

Về phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Bảo Trân, đại diện Circle K Việt Nam cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Dù vậy, quá trình triển khai cũng còn khó khăn như chi phí đầu tư ban đầu cao; phức tạp trong chuỗi cung ứng và quản lý dữ liệu; quy định pháp luật và hạ tầng chưa đồng bộ.

22717c402823957dcc32.jpg
Bà Trần Thị Bảo Trân, đại diện Circle K Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Trước những rủi ro đó, ICED đã đề xuất nhiều giải pháp về chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững và KTTH trong lĩnh vực thương mại bán lẻ tại Việt Nam

Trong đó, doanh nghiệp cần có chiến lược triển khai công nghệ hợp lý, xây dựng hạ tầng công nghệ vững chắc (máy chủ, điện toán đám mây, bảo mật) để xử lý dữ liệu và tối ưu hóa hoạt động. Tích hợp các hệ thống như quản lý khách hàng, tồn kho và thanh toán phải kết nối liền mạch để tăng hiệu quả và giảm sai sót. Đầu tư hạ tầng công nghệ, từ đó giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Theo Viện, chính phủ cần ban hành chính sách về chuyển đổi số; hỗ trợ xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho các doanh nghiệp bán lẻ; đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số; nghiên cứu triển khai và ứng dụng công nghệ mới; đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; hỗ trợ tài chính…

Tin & Ảnh Đỗ Phương