Sống xanh

TP.HCM tăng cường công tác phối hợp nhằm kịp thời ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn

Thành Minh 16/12/2024 - 07:16

Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM vừa có báo cáo kết quả công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ trong năm 2025.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận trong năm 2024

Trong năm 2024, TP.HCM tập trung kiểm tra có trọng điểm theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn kịp thời các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng.

Kết quả đã kiểm tra 56.944 cơ sở, phát hiện vi phạm 2.389 cơ sở và xử phạt 1.096 cơ sở với tổng số tiền hơn 5,872 tỷ đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 1 cơ sở, buộc thu hồi để tái chế hoặc chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy 5 loại sản phẩm thực phẩm (bánh kem, cà phê đóng bình, rau câu, bánh flan, kem ăn), buộc tiêu hủy 1.793 kg sản phẩm thực phẩm và 275 đơn vị sản phẩm, buộc thực hiện kiểm dịch lại sản phẩm động vật gồm: 302 con heo, 1.310 kg thịt heo, buộc ghi nhãn hàng hóa 160 bánh trung thu, buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm 3 loại thực phẩm (rau câu, bánh flan, kem ăn), đình chỉ 4 cơ sở; chuyển cơ quan điều tra 1 cơ sở.

TP đã tiến hành hậu kiểm 874 hồ sơ đăng ký công bố (100% đạt); 5.785 hồ sơ tự công bố sản phẩm, trong đó: 5.783 hồ sơ đạt (chiếm 99,97%), 2 hồ sơ không đạt (chiếm 0,03%). Đối với các hồ sơ hậu kiểm không đạt, TP đã có kế hoạch giám sát, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo đúng quy định.

Phương hướng mục tiêu trong năm 2025

Trong năm 2025, TP.HCM tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường. Từ đó, có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như có cảnh báo an toàn thực phẩm kịp thời đối với người tiêu dùng.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các địa phương khác nhằm kịp thời ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường. Thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách quản lý cơ sở thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Mặt khác, tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng nguyên liệu, thực phẩm từ các nhà cung cấp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”, Giấy chứng nhận ISO, HACCP, GlobalGAP, VietGap… đặc biệt là các bếp ăn trường học, bệnh viện.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh tố giác, cung cấp tin về tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Thành Minh