Kinh doanh

Đổi mới sáng tạo để nâng cao chuỗi giá trị dừa

Ngọc Duy 14/12/2024 - 07:57

Bến Tre cần đổi mới sáng tạo, nắm bắt công nghệ mới và phát triển bền vững để nâng cao chuỗi giá trị dừa, từ đó khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm tiền Mekong Connect 2024, với chủ đề “Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế”, chiều 13/12. Đây cũng là sự kiện khởi động chuỗi hoạt động tiền Mekong Connect 2024.

z6128024018094_0fb9b0d73df1ec8f9c620782dcfa34e0.jpg
Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM Huỳnh Kỳ Trân phát biểu tại tọa đàm.

Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM Huỳnh Kỳ Trân cho biết, tỉnh Bến Tre nổi tiếng với dừa và tiềm năng cây ăn trái với thương hiệu cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để duy trì lợi thế cạnh tranh, Bến Tre cần nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Trong đó, nâng cao chuỗi giá trị dừa là không ngừng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng mới.

Bên cạnh đó, trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế thì đơn sản xuất kinh doanh phải nắm bắt công nghệ mới khai thác tính bản địa của dừa và cải tiến sản phẩm truyền thống, cũng như phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

z6128024017310_178b23bbc7278cf0802a5e7e79e7e0a3.jpg
TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM cho rằng, tương lai của nghề trồng dừa phụ thuộc vào việc nắm bắt sự đổi mới và bền vững.

Đồng quan điểm, TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM cho biết, hiện nay việc trồng dừa đang phải chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, điển hình là các cơn bão khiến sản lượng dừa giảm mạnh. Để đối phó, các nhà khoa học đã phát triển giống dừa chịu hạn, kháng sâu bệnh và thích nghi với điều kiện khắc nghiệt, giúp ổn định năng suất và giảm tổn thất.

Tính bền vững cũng đang trở thành định hướng chiến lược quan trọng. Các phương pháp nông lâm kết hợp, như trồng dừa cùng ca cao và cà phê, không chỉ cải thiện sức khỏe đất mà còn đa dạng hóa nguồn thu nhập cho nông dân.

"Trồng dừa hữu cơ cũng đang gia tăng nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng 7% mỗi năm, giúp giảm thiểu sử dụng hóa chất trong nông nghiệp và thân thiện hơn với môi trường", TS Quốc chia sẻ.

Như Ấn Độ, một trong những quốc gia sản xuất dừa lớn nhất thế giới, đang dẫn đầu trong các hoạt động đổi mới này. Với sản lượng hơn 20 tỷ quả mỗi năm, nước này đã áp dụng nhiều biện pháp cải tiến giúp cân bằng giữa sản xuất và bảo vệ môi trường.

Từ đó cho thấy, tương lai của nghề trồng dừa phụ thuộc vào việc nắm bắt sự đổi mới và bền vững. "Trong tương lai này thì nông dân sản xuất nhỏ là xương sống của quá trình này. Họ là những người cần hỗ trợ, từ việc thay đổi nhận thức cho đến hỗ trợ chuyển giao công nghệ và giống", TS Quốc nói thêm.

z6128024036659_fbddd5419b0c01f83c5ae7dfec396ace.jpg
Các chuyên gia bàn luận tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Huy - Giám đốc dịch vụ đảm bảo kinh doanh và thực phẩm của Công ty Tiêu chuẩn Toàn cầu INTERTEK, cho rằng các doanh nghiệp dẫn đầu cần phát huy vai trò liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và thị trường quốc tế. Để sản phẩm dừa Việt Nam vươn xa, việc đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về môi trường, xã hội và quản trị là điều kiện bắt buộc.

“Sản phẩm từ dừa cần được theo dõi chặt chẽ từ vùng trồng đến nhà máy chế biến. Các doanh nghiệp dẫn đầu phải chứng minh sự bền vững với đối tác ở châu Âu, Bắc Mỹ, không chỉ ở khía cạnh môi trường mà còn trong việc đảm bảo phân phối công bằng giá trị cho nông dân,” ông Huy nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã đưa ra những đề xuất giải pháp cho ngành dừa - một ngành kinh tế chủ lực tại Bến Tre và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến vừa gợi mở định hướng phát triển bền vững, vừa tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngọc Duy