Đô thị

Những tín hiệu khởi sắc của ngành giao thông TP.HCM trước Tết Nguyên đán 2025

Võ Liên 13/12/2024 - 16:11

Với sự quyết liệt cùng các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98, ngành giao thông Thành phố sẽ "hái những trái ngọt đầu mùa", từng bước hoàn thiện bộ khung hạ tầng giao thông vào năm 2025.

Mục tiêu đạt tốc độ giải ngân cao nhất

Việc thông xe cầu Rạch Đỉa vừa qua đã mở đầu cho 60 ngày đêm cao điểm của ngành Giao thông TP.HCM. Cùng với đó, ngành Giao thông Thành phố sẽ tiếp tục thông xe các dự án, đưa vào phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán 2025 khoảng 12 gói thầu, dự án.

du-an-thong-xe-cau-rach-dia.jpg
Hiện ngành Giao thông TP đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành 12 dự án giao thông trước Tết Nguyên đán.

Các dự án này gồm: cầu Phước Long, cầu Bà Hôm, cầu Tân Kỳ Tân Quý, một đơn nguyên của cầu Tân Long; các tuyến đường như đường Song Hành Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, đường Hoàng Hoa Thám, đường Dương Quảng Hàm, đường Tân Kỳ Tân Quý; và hầm HC1 - nhánh còn lại của hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ngoài ra, còn có các cây cầu như cầu Bà Giạc và cầu nút giao An Phú.

Bên cạnh đó, các dự án khác cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) cho hay năm 2024 được giao 12.380 tỷ đồng, đến nay giải ngân 3.700 tỷ đồng, đạt 30%. Mục tiêu ban đầu là giải ngân đạt 95%, nhưng đến nay, dự kiến chỉ đạt 80%, do thiếu hụt nguồn cát san lấp của dự án Vành đai 3, một số địa phương giao mặt bằng còn chậm,...

Theo ông Phúc, với thời gian còn lại, Ban Giao thông sẽ tập trung giải ngân thêm 6.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm thứ nhất, khoảng 2.000 tỷ đồng nằm trong 15 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhóm thứ hai, tập trung tối đa cho dự án Vành đai 3 vì khối lượng giải ngân riêng dự án này lên tới 1.500 tỷ đồng. Nhóm thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh thi công, xây lắp của 20 dự án trọng điểm khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhóm thứ 4 là một số dự án ODA đang thương thảo với nhà thầu, khoảng 400 tỷ đồng. Một số chi phí khác như thuế, chi phí đi theo khối lượng xây lắp khoảng 300 tỷ đồng.

Hiện Ban Giao thông đang đẩy nhanh tiến độ các dự án, tập trung phối hợp với các địa phương để giải quyết nhanh các vướng mắc. Đối với những vấn đề khó khăn như điều chỉnh, cập nhật quy hoạch hoặc đánh giá tác động môi trường, nếu vượt thẩm quyền thì sẽ báo cáo ngay để kịp thời xử lý.

Cũng theo ông Phúc, với kế hoạch chi tiết và sự quyết liệt chưa từng có từ UBND Thành phố, ngành giao thông đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ, làm việc với cường độ gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Trong thời gian tới, Ban Giao thông rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các địa phương, các sở ngành, cũng như sự đồng lòng, chia sẻ từ người dân và lãnh đạo Thành phố.

Giai đoạn 60 ngày đêm không chỉ là thời gian để hoàn thành các dự án, mà còn là cơ hội để giải ngân vốn đầu tư công, tận dụng tối đa từng giây phút. Mục tiêu là đạt tốc độ giải ngân cao nhất, đúng với tinh thần "bàn làm chứ không bàn lùi".

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM

Năm 2025 với siêu dự án khơi thông các cửa ngõ

Năm 2025 là một năm đặc biệt với TP.HCM khi thành phố đang hối hả chuẩn bị Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối với ngành giao thông TP.HCM, đây cũng là thời điểm để chạy đua với thời gian để những "trái ngọt đầu mùa" từ việc tận dụng các cơ chế đặc thù để phát triển về hạ tầng giao thông của Nghị quyết 98.

Cụ thể, trong năm 2025, nếu làm tốt có thể khởi công 5 dự án cửa ngõ áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết 98 của Quốc Hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Trong đó, ưu tiên 2 dự án, gồm: xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh; nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến lức Long Thành. Còn lại là các dự án: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3).

Cùng với đó, năm 2025, Thành phố cố gắng để thông qua chủ trương đầu tư và phấn đấu khởi công Vành đai 4 vào năm 2026. "Đây là một dự án lớn hơn cả Vành đai 3. Vành đai 4 không chỉ kế thừa mà còn tích hợp những bài học kinh nghiệm từ dự án Vành đai 3. Với cơ chế đặc thù, dự án kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hơn 200 km", ông Phúc nhận định.

Theo ông Phúc, dự án đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (TP.HCM) với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 3 khi hình thành sẽ là một trong những hạ tầng giao thông góp phần hoàn thiện, tăng cường kết nối giao thông khu vực, giảm ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái.

Bên cạnh đó, dự án mở rộng đường Tôn Thất Thuyết và xây công viên dọc bờ kênh Tẻ (quận 4, TP.HCM) phấn đấu 30/4/2025 sẽ được điều chỉnh chủ trương đầu tư và khởi công dự án vào cuối năm 2025 như một món quà cho người dân Thành phố.

Ngoài ra, năm 2025, loạt các công trình sẽ được khởi công như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Dự án cầu đường Nguyễn Khoái cũng được khởi công, kết nối quận 7, quận 4 và quận 1. Công trình hoàn thành sẽ giúp hình thành thêm trục Bắc - Nam mới, góp phần cải thiện giao thông và kết nối giữa các quận trung tâm với khu vực phía Nam Thành phố.

3 nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với Quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Tạo, đường Rừng Sác sẽ được khởi công. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang phấn đấu khởi công cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, cầu đi bộ bắt qua trung tâm Thành phố….

Trong năm 2025, TP.HCM phấn đấu nối Vành đai 3 với gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, chạy liền từ Nhơn Trạch đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đẩy nhanh tiến độ để có thể thông xe toàn tuyến vào quý 2/2026.

Ngoài ra, một số chủ trương đầu tư mới đang được đẩy nhanh ở năm 2025 như dự án cầu vượt thép tại ngã sáu Công trường Dân chủ, ngã tư Bốn xã để giải quyết ùn tắc giao thông nội đô.

Hàng loạt dự án sẽ được khởi công, thông qua chủ trương đầu tư và hoàn thành trong năm 2025. Quá trình chuẩn bị quyết liệt trong năm nay dự kiến sẽ mang lại nhiều trái ngọt vào năm tới với các công trình như 5 cửa ngõ, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, và đề án đường sắt metro.

Dự kiến năm 2025 sẽ là năm với nhiều đột phá trong các cơ chế huy động nguồn lực. Các nguồn lực được tận dụng tối đa từ đất đai, BOT, BT, trái phiếu... Trong bối cảnh đó, hạ tầng giao thông được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Võ Liên