Đời sống

“Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” từ tác giả Đinh Thị Thanh Thủy

Trúc Nhã – Nguyễn My 13/12/2024 - 15:05

Di sản sáng tác, biên khảo, biên soạn của nhà văn Sơn Nam luôn được nhiều tác giả, nhà nghiên cứu tập trung nghiên cứu và chuyên luận. Mới đây, NXB Tổng hợp TP.HCM đã cho ra mắt quyển sách “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” do tác giả Đinh Thị Thanh Thủy biên soạn nhằm chia sẻ sâu hơn đến bạn đọc về khí chất, tính cách, cá tính và văn hóa của người dân Nam Bộ

Xuất phát từ những lời thúc giục

Theo chia sẻ của tác giả Đinh Thị Thanh Thủy, quyển sách “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” ra đời từ sự động viên, thúc giục và hỗ trợ nhiệt thành của đông đảo bạn đồng nghiệp và nhà thơ Lê Minh Quốc, sau hơn 20 năm bảo vệ luận văn cao học qua đề tài “Văn hóa và con người Nam Bộ trong tác phẩm của Sơn Nam”.

anh-1-3-.jpg
Tác giả Đinh Thị Thanh Thủy.

Nhà văn Sơn Nam là một trường hợp tiêu biểu suốt đời cầm bút chỉ đeo đuổi một chủ đề, bền lòng đi trên con đường đó, không chệch hướng. Ngay từ thời trẻ, mới chân ướt chân ráo vào nghề, ông đã tự ý thức, tự nhận “sứ mệnh” phải trình bày trên trang viết của mình về “đất lề quê thói” của miền Nam. “Đất lề quê thói” là những thói quen, phong tục có từ lâu đời, xuất hiện thường xuyên trong nếp sống của một vùng, một nước. Chính những trang viết mộc mạc, chân phương về vùng Nam Bộ, ông đã được nhiều thế hệ tri ân bằng cụm từ thân thương và hết sức trìu mến: “Sơn Nam – Ông già Nam Bộ”.

Sở dĩ tác phẩm của ông hấp dẫn, sống động là nhờ sự bao quát từ những gì ông đã quan sát, ghi chép điền dã, tham khảo tài liệu để rồi thể hiện dưới nhiều thể loại, góc nhìn khác nhau. Càng đọc Sơn Nam, chúng ta có cảm giác như ông biết rõ tường tận mọi ngóc ngách gốc cây, cục đá và ngôi sao của “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”. Trong cái sự bao quát ấy, Sơn Nam như một lực điền đã “vạch ra một chân trời”, mở rộng qua nhiều biên độ lẫn lối viết, do đó, để hiểu hết về đóng góp của ông là một công việc không dễ dàng.

Có lẽ do thấu hiểu điều này, tác giả Đinh Thị Thanh Thủy đã “khoanh vùng”, giới hạn trong phạm vi của thể loại truyện để nghiên cứu thực hiện tác phẩm “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam”. Sự khảo cứu này là một sự chọn lựa mạnh dạn, tâm huyết của tác giả Đinh Thị Thanh Thủy, đồng thời là một hướng đi tập trung, tìm hiểu cặn kẽ hơn về tính chất phong tục, “đất có lề, quê có thói” của miền Nam qua cái nhìn của nhà văn Sơn Nam.

Theo GS.TS Huỳnh Như Phương (nguyên Trưởng khoa Ngữ văn – Báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG TP.HCM) - người đã đọc hết quyển sách này, để thực hiện đề tài này, ngoài kiến thức Lý luận Văn học và Văn học sử, tác giả còn phải tự bồi dưỡng cho mình kiến thức về Văn hóa học đại cương và Văn hóa vùng Nam Bộ.

“Trong quá trình này, tác giả đã rất chủ động và tích cực, đảm bảo các yêu cầu đặt ra về mặt nội dung và phương pháp. Tác giả đã bao quát một khối lượng tư liệu khá lớn, đặc biệt là các tác phẩm truyện ngắn, truyện dài vốn rất phong phú của Sơn Nam. Tác giả đã trực tiếp gặp gỡ và tìm hiểu nhà văn và nhiều người cùng thời am hiểu sáng tác của ông để bổ sung vào kho tư liệu về Sơn Nam” - GS.TS Huỳnh Như Phương chia sẻ.

Truyện của Sơn Nam đầy sức sống, hư cấu là nền tảng để chuyển tải các yếu tố mà tác giả Đinh Thị Thanh Thủy đã nhìn ra, điển hình là “Hình ảnh những người tiên phong khẩn đất lập làng ở Đồng bằng sông Cửu Long thế kỷ XIX được miêu tả qua những khó khăn gian nan nhưng đầy tính hồn nhiên và lạc quan trên bước đường đi tìm mầm sống mới”.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Quyển sách gồm 3 phần, phần đầu là những chia sẻ về sự nghiệp văn học cũng như những đề tài chính trong truyện của Sơn Nam, phần 2 với những trang viết về văn hóa Nam Bộ trong truyện của Sơn Nam và cuối cùng là con người Nam Bộ với những nét đặc trưng: chất phác, nhân ái, nghĩa khí và sáng tạo trong truyện của Sơn Nam.

anh-2-3-.jpg
Tác phẩm Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam của tác giả Đinh Thị Thanh Thủy.

Theo nhà thơ Lê Minh Quốc - Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn TP.HCM, ở chuyên luận này, xét trong dòng văn hóa Việt Nam khi vào đến miền Nam, căn cứ yếu tố biến đổi văn hóa, khí chất con người…, tác giả đã phân tích chu đáo, góp phần giúp độc giả hiểu rõ hơn vì sao chính Sơn Nam lại mạnh dạn đặt từ “văn minh” đứng trước từ “miệt vườn” có sẵn để trở thành “văn minh miệt vườn”.

Với những luận điểm xuất hiện trong tác phẩm này như: “Dừng chân ở mảnh đất sình lầy, phù sa bồi lắng chưa xong, lênh đênh chống chèo trong âm u rừng thẳm, nếu không mang theo truyền thống lâu đời có lẽ người Việt không thể định cư lâu dài ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hay là sức mạnh của sự quy tụ, đoàn kết làm con người mạnh dạn tiến sâu hơn vào vùng hoang sơ để tìm cho mình chân trời mới… tất cả cho thấy tác giả đã khảo sát, phân tích chu đáo tinh thần cốt lõi tư tưởng của nhà văn Sơn Nam.

Với tác giả Đinh Thị Thanh Thủy cùng chuyên luận Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam, dù chỉ mới mỗi tác phẩm này nhưng nhiều người cho rằng tác giả là một trong những tri âm của nhà văn Sơn Nam. Điều này được thể hiện qua tấm lòng của sự tri âm, tri kỷ giữa nhà nghiên cứu dành cho tác giả. Họ đã đeo đuổi bền lòng chỉ vì lý do duy nhất: đồng cảm với tác phẩm mà mình đã đọc, đã say mê, đã tâm đắc. Điều này được xem như một cách tri âm đến tác giả mà họ đã đồng hành từ tác phẩm.

“Thế ứng xử của người phương Nam trước tự nhiên và trong xã hội biểu hiện từng lúc khác nhau, nhưng hồn Việt Nam luôn nhất quán đằng sau những câu chuyện Sơn Nam kể lại. Điều này minh chứng cho dòng chảy văn hóa Việt Nam vẫn xuôi về biển lớn của một nền văn minh lớn trên thế giới, dẫu có phải vượt qua thác ghềnh lịch sử. Văn hóa đặc trưng Nam bộ mang một sắc màu đặc biệt trên bức tranh tổng thể văn hóa Việt, là khúc biến tấu ngọt ngào trong bản nhạc văn hóa Việt Nam được viết từ buổi bình minh lịch sử”.

Trích chương 2 “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” của tác giả Đinh Thị Thanh Thủy.

Trúc Nhã – Nguyễn My