Cơ hội ngành lương thực thực phẩm TP.HCM vươn xa ra thế giới
Tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm năm 2024, cơ hội ngành lương thực thực phẩm TP.HCM vươn xa ra thế giới.
TP.HCM diễn ra tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành Lương thực thực phẩm năm 2024 từ ngày 11 – 17/12, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) tổ chức, quy tụ gần 100 doanh nghiệp tham dự.
Cơ hội giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường trong và ngoài nước
Phát biểu chào mừng tại sự kiện, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch FFA cho biết, trong năm 2024, Việt Nam đối mặt với không ít thách thức từ thị trường toàn cầu, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội lớn. Các xu hướng tiêu dùng mới như thực phẩm xanh, sản phẩm thay thế, hay yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc đã đặt ra một lộ trình phát triển mới đầy tiềm năng cho ngành lương thực thực phẩm Việt Nam.
Tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm là một trong những sự kiện thường niên chiến lược mà Hội phối hợp tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
“Những sự kiện như tuần lễ triển lãm hôm nay chính là nền tảng để các doanh nghiệp không chỉ quảng bá sản phẩm, mà còn tiếp cận, kết nối đối tác tiềm năng, nắm bắt xu hướng và xây dựng chiến lược phát triển bền vững”, bà Lý Kim Chi nhận định.
Chương trình đã quy tụ gần 100 doanh nghiệp tiêu biểu của thành phố thuộc các ngành hàng tiêu dùng, đồ khô - thủy hải sản, đồ ngọt - bánh kẹo, đồ uống, nông nghiệp sạch...
Theo Giám đốc ITPC Trần Phú Lữ, mỗi sản phẩm được chọn lựa tham gia chương trình là nỗ lực của doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm trong việc mang đến cho người tiêu dùng và đối tác xuất khẩu những sản phẩm mới đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới nhằm hướng tới xây dựng một ngành lương thực thực phẩm xanh – sạch – hữu cơ (organic) và thân thiện với môi trường.
“Tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm năm 2024, sẽ là cơ hội để các đơn vị sản xuất trong nước giới thiệu những dòng sản phẩm mang thương hiệu Việt, với chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh, tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu và vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó khẳng định khả năng đáp ứng xu hướng tiêu dùng ngày càng khắt khe trên toàn cầu”, ông Trần Phú Lữ nhấn mạnh.
Trong thời gian diễn ra tuần lễ triển lãm, có các buổi kết nối giao thương, trao đổi trực tiếp với nhà phân phối, các đối tác trong nước và ngoài nước.
Đặc biệt, hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối hiện đại, sẽ diễn ra vào sáng ngày 13/12, nhằm tạo điều kiện các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối, hướng đến những thị trường tiềm năng, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành lương thực thực phẩm trên bản đồ quốc tế.
Ngành lương thực thực phẩm là ngành ưu tiên phát triển của TP.HCM
Ngành lương thực thực phẩm là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm được ưu tiên phát triển của TP.HCM, chiếm 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Ngành lương thực thực phẩm thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.
Ông Trần Phú Lữ cho rằng, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã từng bước cải tiến chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Từ đó từng bước đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu.
Đặc biệt trong xu thế khai mở các thị trường mới như hiện nay, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã nỗ lực không ngừng nhằm đạt được chứng nhận Halal góp phần đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường của các nước Hồi giáo.
Bà Lý Kim Chi nhìn nhận, ngành lương thực thực phẩm TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, sản phẩm lương thực thực phẩm TP.HCM còn vươn xa ra thế giới, chinh phục các thị trường quốc tế khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản.
“Năm nay, các doanh nghiệp tham gia sự kiện tiếp tục nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ thành phố, bao gồm kinh phí mặt bằng, kệ trưng bày và các hoạt động quảng bá. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm và nỗ lực của UBND TP.HCM và ITPC trong việc đồng hành cùng ngành lương thực thực phẩm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển”, bà Lý Kim Chi nói .
Để tiếp tục tạo động lực cho ngành lương thực thực phẩm, TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4700/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2024 về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng Kế hoạch triển khai Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Các chính sách và quyết định này là cơ sở để đẩy mạnh tốc độ phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm và mở rộng quy mô sản xuất trong nước.