Tế bào gốc mở ra nhiều triển vọng trong y học
Tế bào gốc đã mở ra nhiều triển vọng lớn trong y học hiện đại, từ trị liệu các bệnh lý phức tạp cho đến ứng dụng, tuy nhiên, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật trong nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng.
Ngày 6/12, tại TP.HCM, Hội Tế bào gốc TP.HCM tổ chức Hội nghị Tế bào gốc lần thứ 13 với chủ đề "Tế bào gốc trong trị liệu và chống lão hóa".
Hội nghị đã có những phiên thảo luận về góc độ pháp lý, quản lý đến ứng dụng thực tiễn, từ đó phát triển lĩnh vực tế bào gốc đúng hướng.
Tuân thủ nghiêm các quy định trong ứng dụng tế bào gốc
Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tế bào gốc đã và đang mở ra những triển vọng to lớn trong y học hiện đại, từ trị liệu các bệnh lý phức tạp, tái tạo mô đến ứng dụng trong các lĩnh vực.
TP.HCM với vai trò là trung tâm khoa học và y tế hàng đầu của cả nước đã luôn tiên phong trong việc tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc. Những bước tiến này không chỉ phục vụ cho sự phát triển của ngành y tế, mà còn góp phần nâng cao vị thế của thành phố trên bản đồ khoa học quốc tế.
Tại chương trình, PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng cũng nhắc về sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật trong nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng tế bào gốc, phải tuân theo các quy định của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là đảm bảo an toàn, minh mạch đạo đức trong y học.
"Các nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ ảnh hưởng đến sự đổi mới mà còn phải gắn liền với trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội", ông Dũng nói.
PGS.TS. Trần Công Toại - Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM - cho biết trị liệu tế bào gốc đang mở ra nhiều triển vọng tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực y học tái tạo, điều trị ung thư, bệnh thoái hóa và chống lão hóa. Những năm gần đây, các quy định pháp lý đã có sự điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển trong lĩnh vực tế bào gốc.
Theo ông Toại, cơ sở pháp lý để nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam đã có từ nhiều năm trước. Những năm gần đây, các thông tư cũng được điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển hơn trong lĩnh vực tế bào gốc.
Ông Toại dẫn chứng, Thông tư 21/2017 của Bộ Y tế đã đưa ra danh mục kỹ thuật cho phép áp dụng tế bào gốc trong các lĩnh vực như da liễu, tạo hình thẩm mỹ, cơ xương khớp và nhiều lĩnh vực khác. Với thông tư mới, danh mục này đã được mở rộng hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học.
Về mặt pháp lý, có 3 vấn đề mà nhà nghiên cứu cần thực hiện để đảm bảo được tính pháp lý. Thứ nhất, xây dựng quy trình sản xuất theo GMP. Thứ hai là thực hiện xây dựng lab theo GLP. Thứ ba là thực hành lâm sàng tốt theo chuẩn GCP.
Tại chương trình, ông Toại cũng nêu lên các sai phạm thường gặp trong lĩnh vực tế bào gốc như: khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; quảng cáo dịch vụ chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh; quảng cáo sai thông tin, vượt quá phạm chuyên môn,...
"Đôi khi có những quảng cáo quá sự thật, không thực tế, do đó những nhà quản lý cần phải kiểm soát chặt chẽ", ông Toại nhấn mạnh.
Ứng dụng điều trị gan nhiễm mỡ
Tại chương trình, PGS.TS Trương Hải Nhung - Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM - cho biết gan nhiễm mỡ được xếp vào nhóm các bệnh lý rối loạn biến dưỡng (MASLD). MASLD được chia thành 2 dạng bệnh lý là gan nhiễm mỡ do rượu (AFL) và gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFL).
Theo đó, gan nhiễm mỡ do rượu có tỷ lệ lưu hành bệnh được ước tính khoảng 43% dân số và gan nhiễm mỡ không do rượu có tỉ lệ hiện diện trong khoảng 20 - 30% dân số. Mặc dù ở giai đoạn sớm người bệnh vẫn có tình trạng sức khỏe tốt, tuy nhiên đây lại là nguy cơ cao dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm khác như béo phì, đái tháo đường, viêm gan, xơ gan và suy gan.
Theo bà Nhung, exosome được xem là một trong những giải pháp điều trị bệnh thế hệ mới trong thời đại hiện nay. Với rất nhiều ưu điểm như chứa các các protein (yếu tố tăng trưởng,...), acid nucleic, acid amin, peptide, chất béo, miRNA và các chất hóa học khác, hỗ trợ sửa chữa vết thương, ức chế viêm, kháng stress oxy hóa…
Liệu pháp can thiệp RNA (RNAi) trong điều hòa gene đang nổi lên như một trong những liệu pháp hứa hẹn để điều trị hàng loạt các bệnh lý khác nhau.
siRNA là các phân tử RNA mạch đôi, thường dài từ 21 đến 23 nucleotide, có thể làm im lặng các gen mục tiêu thông qua quá trình phân hủy mRNA. Việc can thiệp vào các gene liên quan tới sinh tổng hợp lipid trong cơ chế tích tụ giọt lipid nội bào bằng siRNA có ý nghĩa và tiềm năng trong điều trị gan nhiễm mỡ.
Cũng theo bà Nhung, hướng nghiên cứu sử dụng exosome kết hợp với phân tử siRNA tác động vào gene mã hóa cho việc tổng hợp lipid nội bào, ngăn tình trạng tế bào bị nhiễm mỡ mang đến tiềm năng và nhiều ưu điểm vượt trội trong điều trị bệnh lý gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, tại chương trình, BS Phan Thanh Hào - Chủ tịch Chi hội Tế bào gốc chống lão hóa, Hội Tế bào gốc TP.HCM - cũng cho biết tế bào gốc được ứng dụng trong điều trị thẩm mỹ da và tóc. Các minh chứng khoa học trong các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng đã xác định được tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng exosome từ tế bào gốc trung mô để điều trị nhiều bệnh lý và các liệu pháp thẩm mỹ da và tóc.