Sống xanh

Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững

Trúc Nhã 06/12/2024 - 11:58

Biến đổi khí hậu và sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang là thách thức lớn trên toàn cầu. Để ứng phó với vấn đề này, tài chính xanh đã ra đời như một phương pháp hữu hiệu giúp kết hợp giữa tài chính và bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Công nghệ đóng vai trò không thể thiếu trong việc phát triển tài chính xanh, tạo ra những giải pháp sáng tạo giúp tăng cường hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) và tài chính xanh cho phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Viện Friedrich Naumann vì Tự do (FNF) tổ chức vào ngày 5/12.

Tài chính xanh được định nghĩa là các hoạt động đề cập đến hoạt động tài chính bao gồm các khoản vay, cơ chế nợ, đầu tư và các chính sách tài khóa như thuế môi trường hoặc trợ cấp được thiết kế để cải thiện các kết quả về môi trường.

Số hóa là ưu tiên số 1 song hành tài chính xanh

Tại Việt Nam, tài chính xanh cũng đã được khẳng định là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Theo đó, việc áp dụng số hóa sẽ mang lại sự thay đổi toàn diện cho ngành tài chính toàn cầu nói chung và tài chính Việt Nam nói riêng.

tai-chinh-xanh.jpg
Tài chính xanh là một trong những yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững - Ảnh minh họa

GS.TS Andreas Stoffers - Trường Đại học Khoa học ứng dụng cho Kinh tế và Quản lý nhận định: giao dịch kỹ thuật số đang bùng nổ, mở đường cho tài chính xanh. Số hóa là một bước ngoặt, ảnh hưởng đến toàn bộ ngành tài chính, bao gồm tài chính xanh. Trong bối cảnh xu hướng tài chính xanh ngày càng phát triển, Fintech (tài chính công nghệ) là tiên phong.

Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này nên số hóa là ưu tiên số 1 của Việt Nam, song hành cùng với tài chính xanh. Tài chính xanh là tài chính bền vững bao gồm việc tích hợp các cân nhắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào các dịch vụ tài chính và quyết định đầu tư.

Hiện nay, 3 trụ cột chính trong việc chuyển đổi số tại Việt Nam là Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ hai về kinh tế số ở Đông Nam Á, đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Việt Nam đặt ra những kỳ vọng lớn trong việc phát triển nền kinh tế dựa trên yếu tố công nghệ và dữ liệu số. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Xu hướng tài chính xanh hiện nay ngày càng phát triển và tài chính công nghệ là tiên phong trong xu hướng này với các nội dung như: Các khoản vay xanh và tài chính bền vững; thanh toán số, chữ ký số; đầu tư xanh; phương pháp xử lý thanh toán trung hòa carbon; Giải pháp thanh toán di động để bù đắp lượng carbon; Tiền mã hóa thân thiện với môi trường,…

“Việc áp dụng ESG là rất quan trọng đối với các ngân hàng của Việt Nam để tiếp cận nguồn tài trợ xanh quốc tế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần cải thiện các quy định, đặc biệt là hệ thống phân loại xanh, để khai thác đầy đủ các cơ hội này. Sáng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm đơn giản hóa hệ thống chính trị và hành chính của Việt Nam sẽ là chìa khóa cho sự phát triển của đất nước, bao gồm cả mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2045 và xây dựng hệ thống tài chính xanh vững mạnh”, GS.TS Andreas Stoffers nhận định.

Còn nhiều thách thức đối với AI trong tài chính xanh

Việc ứng dụng AI và Fintech (tài chính công nghệ) đã trở thành một phần tất yếu trong sự phát triển lâu dài của ngành dịch vụ tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng là cơ hội lớn giúp Việt Nam tiến xa trên bản đồ kinh tế số thế giới. Bên cạnh đó, việc nắm bắt được công nghệ này cũng giúp cải thiện quy trình quản lý, tiết giảm thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.

z6102749488641_bc054942995dfc2b730b46b3cb8969f8.jpg
Hiện Việt Nam đang đứng trước thách thức về thiếu hụt chuyên gia trong lĩnh vực AI cũng như thiếu các chương trình đào tạo chất lượng về AI.

Tại buổi hội thảo, ông Ludwig Graf Westarp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Việt – Đức nhận định: Điều này không chỉ tạo cơ hội cho các công ty cải thiện dịch vụ mà còn có thể mang lại doanh thu lớn hơn và lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp thách thức trong việc chưa có khung pháp lý cũng như đội ngũ để phát triển AI. Hiện Việt Nam đang đứng trước thách thức về thiếu hụt chuyên gia trong lĩnh vực AI cũng như thiếu các chương trình đào tạo chất lượng về AI.

Chia sẻ về đội ngũ, nguồn nhân lực vận hành tại Việt Nam hiện nay, TS Lê Hoàng Anh, Trưởng Bộ môn Công nghệ Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng nhìn nhận, hiện Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực để vận hành. “Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng đang có các chương trình đào tạo AI cho nhiều ngân hàng thương mại để có đội ngũ vận hành AI. Hiện các trường đại học đều có các chương trình đào tạo về Fintech nhưng cũng chỉ mới tuyển sinh nên vài năm sau mới có thêm lực lượng kỹ sư trong lĩnh vực này”, TS Lê Hoàng Anh cho hay.

Ngoài nguồn nhân lực, các chuyên gia cũng cho rằng, việc ứng dụng AI vào lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài chính xanh tại TP.HCM còn đối mặt với một số thách thức khác. Cụ thể như dữ liệu cho vay, hiện dữ liệu tài chính xanh chưa có nên chưa có dữ liệu đầu vào để ứng dụng AI trong cho vay tài chính xanh. Hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng đang gặp khó khăn khi xác định dự án nào là “xanh” để rót vốn đầu tư vì Việt Nam chưa có quy định chung về Danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế.

“Thách thức tiếp theo là Việt Nam vẫn đang thiếu hệ thống pháp luật quy định quyền hạn và trách nhiệm khi ứng dụng AI, đặc biệt là trong lĩnh vực nhạy cảm như tài chính. Chẳng hạn như ngân hàng ứng dụng AI khuyến nghị tài trợ tài chính xanh, nhưng khi rủi ro xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai? Do đó, cần có một đạo luật, khung pháp lý để phát triển AI một cách có trách nhiệm”, TS Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.

Về việc này, ông Ludwig Graf Westarp cũng cảnh báo, ứng dụng AI trong tài chính xanh cần cẩn trọng và phải có chiến lược nhằm đảm bảo an ninh mạng và an toàn dữ liệu vì AI là lĩnh vực quá mới, cần được nghiên cứu kỹ và quản lý nhằm tránh rủi ro.

Bên cạnh đó, vị này cũng đưa ra một số khuyến nghị để phát triển tài chính xanh ở Việt Nam: Thiết lập các quy định quốc gia cho một hệ thống phân loại xanh phù hợp với các tiêu chuẩn ngành hiện có; tạo ra các chính sách thúc đẩy thị trường carbon và tăng tốc ra mắt chính thức nền tảng giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam; tạo điều kiện hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan để phát triển, thực hiện các tiêu chí môi trường cho các khoản tín dụng xanh; duy trì cam kết của Ngân hàng Nhà nước với các chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng xanh trong lĩnh vực ngân hàng.

Ứng dụng fintech và AI trong xây trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM

TP.HCM hiện là trung tâm tài chính của cả nước và là trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp. Việc từng bước nâng lên thành trung tâm tài chính của khu vực, quốc tế là hướng phát triển phù hợp với vị trí, vai trò, thế mạnh của TP.HCM.

hinh-ts-truong-minh-huy-vu.jpg
TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu đề dẫn tại buổi hội thảo khoa học "Trí tuệ nhân tạo và tài chính xanh bền vững cho phát triển bền vững".

Theo TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM mới đây Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương thành lập đề án thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Trong đó, trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM sẽ được nghiên cứu dựa trên các siêu mô hình đi trước, từ các trung tâm tài chính hiện hữu như London, New York, Frantfurk; trung tâm tài chính gần đây như Singapore, Hồng Kông hay trung tâm tài chính mới nổi với cơ chế chính sách đặc biệt như Dubai…

“Chúng ta sẽ chọn mô hình với góc nhìn phù hợp ở Việt Nam và hình thành nên chính sách đi cùng. Trong đó, ứng dụng công nghệ fintech và AI trong trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM là vấn đề rất quan trọng. Thực tế Việt Nam đã ứng dụng vào một số lĩnh vực như cơ chế thử nghiệm (sandbox) trong cho vay ngang hàng (P2P Lending); ứng dụng AI để đánh giá tín dụng, chấm điểm tín dụng; ứng dụng AI vào khởi nghiệp ở TP HCM”, - TS Trương Minh Huy Vũ cho hay.

Để triển huy động nguồn lực triển khai tài chính xanh, theo các chuyên gia tại hội thảo, công nghệ đóng vai trò không thể thiếu trong việc phát triển tài chính xanh, tạo ra những giải pháp sáng tạo giúp tăng cường hiệu quả và giảm thiểu rủi ro. Tài chính xanh là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Hiện TP.HCM đang có một số quỹ về chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero. Hoặc là mở ra một số nguồn khác ví dụ như phát hành trái phiếu sạch, hoặc bán tín chỉ carbon dựa trên các chuyển đổi xanh, chuyển đổi các xe xăng qua xe điện hoặc là dựa trên chuyển đổi từ các phương tiện cá nhân sang phương tiện Metro.

net-zuo.jpg
Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm lượng phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Theo ông Ludwig Graf Westarp, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam là rất quan trọng bởi vì chúng giúp nâng cao nhận thức về tác động của lượng khí thải carbon.Việc mua bán tín chỉ carbon góp phần tạo ra động lực tài chính để giảm lượng khí thải, tạo ra các nguồn năng lượng bền vững, việc làm xanh và cam kết bảo vệ môi trường.

Đồng thời thị trường này cũng cho phép các quốc gia đã ký Thỏa thuận Paris thực hiện nghĩa vụ của mình và cùng nhau đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút nguồn tài chính xanh, tập trung vào thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như giảm phát thải khí nhà kính.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Ludwig Graf Westarp nói rằng muốn phát triển trung tâm tài chính quốc tế, thách thức là làm sao TP.HCM cạnh tranh được những trung tâm tài chính khác như Dubai? Thành phố cũng cần nhiều thời gian để xây dựng trung tâm này, làm sao có lợi thế cạnh tranh nhất định.

“Thúc đẩy tài chính xanh và sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam là cần thiết, nhất là trong bối cảnh TP.HCM và Hà Nội đang chịu áp lực về ô nhiễm không khí, ngập nước. Nếu đầu tư tài chính xanh phù hợp và dùng AI đẩy nhanh quá trình này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính quốc tế”, - ông Ludwig Graf Westarp nói.

Trúc Nhã