Y học

TP.HCM: Ca mắc mới do ung thư tăng cao nhờ tiến bộ trong tầm soát

An Khánh 05/12/2024 18:15

Ước tính năm 2024, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã đón hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến khám. Trong đó, ca mắc mới là 41.758, tăng hơn 13% so với năm 2023.

Từ ngày 4 - 6/12/2024, với sự phối hợp cùng Hội Ung thư Việt Nam, Liên Chi hội Ung thư TP.HCM và Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tổ chức Hội thảo hàng năm Phòng chống ung thư TP.HCM Lần thứ 27 - Năm 2024.

Ung thư: Nguyên nhân tử vong sớm đứng hàng thứ 2

Chia sẻ tại hội thảo, theo TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, năm 2023, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận hơn 720.000 lượt khám chữa bệnh, ghi nhận hơn 30.000 người mắc mới.

bv-ung-buou-tp.hcm.jpg
Ước tính năm 2024, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã đón hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến khám. Trong đó, số ca mắc mới là 41.758, tăng hơn 13% so với năm 2023. Ảnh minh họa

“Hiện, bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.700 - 4.900 lượt khám/ngày, không ngừng tăng lên từng năm. Khoảng 82% người đến từ các tỉnh thành khác, trong khi tỷ lệ này trước đây khoảng 75%.

Theo số liệu Globocan 2022 vừa được công bố đầu tháng 3/2024, Việt Nam có hơn 180.400 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Ung thư là nguyên nhân tử vong sớm đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch”, TS.BS Diệp Bảo Tuấn, cho biết.

Vì vậy, theo TS.BS Diệp Bảo Tuấn, hội thảo là cơ hội để xây dựng và phát triển mạng lưới phòng chống ung thư tại Việt Nam, thông qua việc nâng cao nhận thức cộng đồng và mở rộng các chương trình hợp tác quốc tế.

Các kiến thức được cập nhật trong lĩnh vực ung thư học sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ung thư, từ giai đoạn phòng ngừa, chẩn đoán đến điều trị và chăm sóc giảm nhẹ, với mục tiêu hướng đến người bệnh. Khoa học kỹ thuật chuyên sâu trong y học ung thư được phát triển, từng bước đưa Việt Nam sánh ngang với khu vực và quốc tế trong các nghiên cứu và ứng dụng y học hiện đại.

pgs-ts-bs-nguyen-anh-dung-pho-giam-doc-so-y-te-tphcm-phat-bieu-tai-hoi-thao-sang-5-12..jpg
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tại Hội thảo hàng năm Phòng chống ung thư TP.HCM Lần thứ 27 - Năm 2024.

Nguyên nhân ca mắc mới ung thư gia tăng có thể kể trong bối cảnh tuổi thọ trung bình tăng, thời gian tích tụ và phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ càng nhiều khiến tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người tăng, chính sách bảo hiểm y tế tốt hơn, ý thức của người dân được nâng cao, hạ tầng giao thông phát triển... giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, các phương tiện chẩn đoán phát triển cũng như các phương pháp điều trị ngày càng tốt hơn, người dân có điều kiện sàng lọc sớm nên số người được phát hiện bệnh giai đoạn sớm tăng, điều trị hiệu quả.

Qua đó góp phần vào việc cải thiện công tác phòng chống ung thư, mang lại sự sống và hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân trên cả nước, kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân, lượt tái khám ung thư cũng nhiều lên…

GS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam, nhấn mạnh, với tiến bộ vượt bậc về phương tiện tầm soát, bùng nổ về điều trị, ung thư không còn là "cửa tử". Người bệnh ung thư được điều trị khỏi, tỷ lệ sống còn 5 năm sau khi xác định bệnh ngày càng tăng. Ông khẳng định: "Ung thư biết sớm trị lành, nếu mà để trễ dễ thành nan y".

Tháng 6/2024, Hội nghị đồng thuận về kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới phòng chống ung thư vùng Đông Nam bộ đã thống nhất xây dựng "Mạng lưới phòng, chống ung thư vùng" kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành Đông Nam bộ, bao gồm ba cấp độ chăm sóc: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu.

Với kế hoạch phòng chống ung thư trong Đề án liên kết vùng, tăng cường hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ y tế và hỗ trợ nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị ung thư cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Điều này sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và nâng cao chất lượng điều trị ngay tại các tỉnh, thành trong khu vực.

Bên cạnh đó, mạng lưới cũng sẽ mở rộng đến các cơ sở y tế cơ sở, mục tiêu cung cấp dịch vụ phòng ngừa, điều trị ung thư toàn diện và nâng cao khả năng phát hiện sớm tại cộng đồng.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Nâng cao nhận thức, phát hiện ung thư sớm, giảm tỷ lệ tử vong

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã đạt nhiều thành tựu trong công tác phòng chống ung thư. Bệnh viện đã tổ chức các chương trình tuyên truyền, khám sàng lọc để nâng cao nhận thức cộng đồng về phát hiện ung thư sớm, góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

Đồng thời, bệnh viện chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và năng lực y tế cho các bệnh viện trong khu vực và cả nước.

ts.bs-diep-bao-tuan.jpg
Theo TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư là nguyên nhân tử vong sớm đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch

“Ngành Y tế TP.HCM xác định rõ việc xây dựng chiến lược phòng chống ung thư với các hoạt động trọng tâm được triển khai đồng bộ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sở Y tế TP.HCM đã triển khai kế hoạch Phòng chống Ung thư trên địa bàn TP. HCM đến năm 2025, tập trung tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư, nhằm phát hiện ngày càng sớm những trường hợp ung thư để điều trị hiệu quả hơn, với thời gian ngắn hơn.

Các trang thiết bị cũng được đầu tư hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu theo các cấp độ kỹ thuật, nhằm đẩy mạnh phát triển hệ thống, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân”, Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết.

Ngoài ra, công tác chăm sóc giảm nhẹ ung thư tại y tế cơ sở là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị ung thư toàn diện, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

benh-nhan-ung-buou.jpg
GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam, nhấn mạnh, với tiến bộ vượt bậc về phương tiện tầm soát, bùng nổ về điều trị, ung thư không còn là "cửa tử"

Chăm sóc giảm nhẹ không chỉ giúp bệnh nhân ung thư giảm bớt đau đớn, cải thiện tinh thần mà còn giúp họ duy trì sự lạc quan trong suốt quá trình điều trị. Do đó, xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ ung thư tại y tế cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống ung thư.

Hội thảo hàng năm Phòng chống Ung thư TP.HCM được tổ chức đều đặn mỗi năm, từ năm 1997 đến nay với 27 lần tổ chức hội thảo, do GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng khởi xướng và duy trì.

Theo TS.BS Diệp Bảo Tuấn, quy mô hội thảo được tổ chức ngày càng lớn, số lượng đại biểu tham dự ngày càng tăng. Điều đó cho thấy được sự phát triển mạnh mẽ và uy tín ngày càng cao của hội thảo, sự quan tâm, tin tưởng và ủng hộ rộng rãi từ các đồng nghiệp trên cả nước.

Hội thảo 2024 chào đón khoảng 2.010 đại biểu tham dự, bao gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu, bác sĩ và đại diện các bệnh viện, tổ chức y tế, những trường đại học và trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước.

Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của hơn 14 báo cáo viên quốc tế đến từ các quốc gia như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Bỉ và Singapore.

Lần đầu tiên, Bàn tròn Dược Lâm sàng được tổ chức với nhóm chuyên gia đến từ Toulouse Oncopole sẽ giúp gia tăng năng lực Dược lâm sàng, cũng như tối ưu hóa trung tâm pha chế thuốc hóa trị theo tiêu chuẩn EU và phiên Nội khoa nhằm giúp nâng cao năng lực của những đội ngũ hỗ trợ điều trị ung thư.

An Khánh