Bác sĩ Vũ Trí Lộc – Hành trình từ Đại học Tân Tạo đến những dấu ấn khoa học quốc tế
Sinh năm 1995 tại Bắc Giang, bác sĩ Vũ Trí Lộc là một minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực, đam mê và khát vọng cống hiến không ngừng nghỉ trong ngành y.
Tốt nghiệp Khoa Y - Trường Đại học Tân Tạo năm 2020, anh chọn công tác tại chính ngôi trường mà mình từng học tập. Tại đây, anh không chỉ tham gia giảng dạy mà còn dấn thân vào nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của GS. Thạch Nguyễn, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Tim mạch.
Dấu ấn nổi bật của bác sĩ Lộc không chỉ nằm ở những cống hiến cho giáo dục và nghiên cứu trong nước, mà còn vươn xa ra quốc tế. Từ khi gia nhập vào nhóm nghiên cứu, bác sĩ Lộc cùng các đồng nghiệp đã đạt được những thành tích xuất sắc, trong đó nổi bật là việc giành được 4 giải thưởng học giả quốc tế Paul Dudley White – giải thưởng danh giá của Hội Tim Hoa Kỳ (AHA), được đặt theo tên bác sĩ Paul Dudley White, người sáng lập Hội Tim Hoa Kỳ. Ngoài ra, anh còn tham gia báo cáo tại nhiều hội nghị y khoa uy tín và đạt được hàng loạt giải thưởng quan trọng, khẳng định vị thế của một nhà nghiên cứu trẻ tài năng.
Những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật
Trong ngành Y, nghiên cứu khoa học đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Mỗi nghiên cứu đều có thể làm thay đổi phương pháp điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm thiểu gánh nặng bệnh tật. Bác sĩ Vũ Trí Lộc đã góp phần quan trọng vào các nghiên cứu tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực Tim mạch.
Một trong những nghiên cứu đáng chú ý của bác sĩ Lộc là công trình "Prolonged Arterial Phase is Caused of the Chest Pain in Takotsubo Cardiomyopathy" (Thời gian pha động mạch kéo dài là nguyên nhân gây đau ngực ở bệnh nhân cơ tim Takotsubo). Công trình này đã chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về tốc độ dòng máu ở bệnh nhân mắc bệnh cơ tim Takotsubo so với người khỏe mạnh, nhờ vào việc áp dụng công nghệ chụp động mạch vành kết hợp trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, nghiên cứu "Quantifying the Coronary Artery Slow Flow Phenomenon: Insight from Dynamic Angiography and Deep Learning" (Định lượng hiện tượng dòng chảy chậm động mạch vành: góc nhìn từ chụp động mạch vành động và học máy) là một bước tiến lớn trong việc phát triển phương pháp định lượng dòng chảy động mạch vành tại các phòng thông tim can thiệp, nơi chưa có hệ thống bơm thuốc cản quang tự động. Nghiên cứu này đã được trao giải thưởng Paul Dudley White trong Hội nghị kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Tim Hoa Kỳ.
Những công trình này không chỉ phản ánh sự tâm huyết của bác sĩ Lộc mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo và khả năng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong y học.
Vai trò của người thầy trong hành trình nghề Y
Chia sẻ về quá trình trưởng thành trong nghề Y, bác sĩ Lộc không quên nhắc đến vai trò vô cùng quan trọng những người thầy của mình. Đối với bác sĩ Lộc, người thầy không chỉ đóng vai trò hướng dẫn mà còn là nguồn cảm hứng, động lực trong suốt hành trình sự nghiệp. Anh luôn trân trọng những người thầy đã dìu dắt mình từ những ngày đầu chập chững bước vào ngành y, như thầy Phạm Nguyễn Vinh (Nội khoa), thầy Lê Quang Nghĩa (Ngoại khoa), thầy Vũ Huy Trụ (Nhi Khoa), cô Trần Thị Hồng (Vi Sinh-Ký Sinh), thầy Nguyễn Tuấn Vinh (Ngoại Khoa) và đặc biệt là GS. Thạch Nguyễn.
Anh chia sẻ: “Người Việt Nam có câu ‘Không thầy đố mày làm nên’. Các thầy cô của tôi không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là những người truyền cảm hứng, giúp tôi vững bước trên hành trình nghiên cứu và thực hành y khoa…”.
Bên cạnh đó, bác sĩ Lộc cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt của bệnh nhân trong ngành y: “Bệnh nhân chính là những người thầy thầm lặng, giúp tôi học hỏi và trưởng thành mỗi ngày. Họ dạy chúng ta cách lắng nghe, thấu hiểu và ứng xử với lòng trắc ẩn…”.
Với bác sĩ Lộc, ngoài các giảng viên, chính những bệnh nhân là người thầy quan trọng trong sự nghiệp hành y của mình. Họ không chỉ dạy cho các bác sĩ kiến thức lâm sàng mà còn giúp họ học cách đối diện với đau đớn, sự mất mát và tinh thần kiên cường.
Kỷ niệm đáng nhớ – bước ngoặt thay đổi cuộc đời
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp của bác sĩ Lộc là chuyến đi học tại Hoa Kỳ vào năm 2017. Khi đó, dù tiếng Anh còn yếu và gặp khó khăn trong giao tiếp với bệnh nhân, anh vẫn được hỗ trợ tận tình từ các giáo sư và gia đình người bản xứ. GS Thạch Nguyễn đã giúp anh hòa nhập vào môi trường mới, học tiếng Anh, và thậm chí tham gia những hoạt động ngoài trời như cắt cỏ, lái xe.
Bác sĩ Lộc chia sẻ: “Ba tháng sống tại Mỹ là bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Tôi không chỉ cải thiện kỹ năng ngôn ngữ mà còn học được cách làm việc độc lập, tự tin hơn khi tiếp xúc với các chuyên gia quốc tế. Điều này đã giúp tôi có đủ tự tin để nghiên cứu và báo cáo tại các hội nghị lớn sau này…”.
Kể từ đó, bác sĩ Lộc đã nhiều lần quay lại Hoa Kỳ để trình bày các nghiên cứu của mình, khẳng định tài năng và sự trưởng thành trong nghề Y.
“Họ là những người tuyệt vời, họ tận tình chỉ dạy tôi từng từ tiếng Anh phát âm cho chuẩn, dạy tôi cắt cỏ, làm vườn, lái xe, bắn súng … Với 3 tháng sống như một người bản xứ, khả năng tiếng anh của tôi đã cải thiện rõ rệt.
Với những hỗ trợ của họ và Thầy Thạch Nguyễn sau này tôi đã có thể tự làm nghiên cứu và nhiều lần quay lại Hoa Kỳ để trình bày nghiên cứu của tôi. Mỗi lần quay lại tôi đề ghé thăm họ. Với tôi đó là kỉ niệm đẹp nhất và thay đổi cuộc đời tôi rất nhiều…”, bác sĩ Lộc chia sẻ về kỷ niệm đẹp này.
Nghiên cứu và dự định trong tương lai
Chia sẻ về những dự định trong tương lai gần, bác sĩ Lộc cho biết anh và nhóm nghiên cứu của mình sẽ tiếp tục hoàn thiện các công trình nghiên cứu đã trình bày tại Hội nghị Tim mạch Hoa Kỳ. Họ cũng dự định sẽ gửi các bản thảo nghiên cứu của mình tới các hội nghị quốc tế lớn như “Hội nghị Tim mạch Hoa Kỳ” (ACC 2025) và “Hội nghị TCT Châu Á - Thái Bình Dương”.
Còn xa hơn, dưới sự hướng dẫn của GS Thạch Nguyễn, anh và nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện các nghiên cứu về ảnh hưởng của huyết động học lên cơ chế gây ra bệnh lý xơ vữa động mạch.
Ngoài các công trình nghiên cứu, bác sĩ Lộc cũng mong muốn tạo cơ hội cho các sinh viên và bác sĩ trẻ tham gia vào các nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển của ngành y khoa Việt Nam. Anh chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu về huyết động học và xơ vữa động mạch, đồng thời hỗ trợ các bác sĩ trẻ cùng tham gia vào các nghiên cứu khoa học, đóng góp vào sự phát triển y học toàn cầu…”.
Góc nhìn về đào tạo y khoa hiện nay
"Trong giáo dục y khoa ở Việt Nam, trước tiên tôi nghĩ chúng ta vẫn cần chú trọng đến các môn khoa học cơ bản (sinh lý, giải phẩu, sinh lý bệnh...). Sau đó, một phần quan trọng hơn là giảng dạy lâm sàng tại giường bệnh. Tôi thực sự đánh giá cao tất cả những lời dạy đầu giường của giảng viên Việt Nam.
Tôi xin cám ơn GS.TS.BS Lê Quang Nghĩa, Phạm Nguyễn Vinh, Lê Văn Cường, Lê Hoàng Ninh, Trần Thị Hồng, Vũ Thị Kim Chi. Đối với phần lý thuyết, học sinh có thể mở sách, xem video trên youtube. Tuy nhiên, việc giảng dạy lâm sàng tại giường bệnh không thể được dạy bằng cách đọc sách.
Tháng 8 vừa qua, tất cả sinh viên Trường ĐH Tân Tạo đăng ký học hè đã được cấp visa Mỹ. Họ đến đây, học tại Đại học Purdue ở Hammond. Ngoài ra, hàng ngày các em còn đến phòng khám của bác sĩ để học lâm sàng về y học gia đình, tim mạch, nội khoa, phổi và thận. Các sinh viên cũng vào phòng mổ để quan sát các ca phẫu thuật.
Mục tiêu của công việc học hè ở Hoa Kỳ là thực hành tiếng Anh, hiểu hệ thống y tế Hoa Kỳ và học lâm sàng tại văn phòng bác sĩ và bệnh viện" - GS. Thạch Nguyễn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo.
Theo bác sĩ Lộc, giáo dục y khoa ở Việt Nam hiện đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và kết nối với quốc tế.
Anh chia sẻ: “Các trường đào tạo y khoa hiện nay đầu tư mạnh vào đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Điều này giúp sinh viên có thể tiếp cận kiến thức tiên tiến và thực hành trong môi trường gần gũi với thực tế công việc sau khi ra trường. Đặc biệt, Trường Đại học Tân Tạo không chỉ chú trọng đào tạo trong nước mà còn tạo cơ hội cho sinh viên thực tập tại các bệnh viện quốc tế, như tại Hoa Kỳ, để học hỏi từ những nền y học phát triển…”.
Ngoài ra, bác sĩ Lộc cũng cho rằng, sinh viên hiện nay rất giỏi và có nền tảng học thuật vững vàng. Việc học tiếng Anh từ sớm giúp các em dễ dàng tiếp cận các tài liệu quốc tế và tham gia vào các dự án nghiên cứu. Anh cũng nhấn mạnh rằng các sinh viên ngày nay rất tự tin, độc lập và có khả năng tiếp cận thông tin rất nhanh chóng nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
Tại Trường Đại học Tân Tạo, các chương trình thực tập quốc tế là điểm sáng, giúp sinh viên tiếp cận với môi trường y khoa tiên tiến. Minh chứng là các sinh viên năm cuối như Trần Thị Minh Tâm và Âu Nhật Huy đã có cơ hội thực tập tại các bệnh viện lớn tại Hoa Kỳ, tham gia hội nghị quốc tế và đạt được những thành tích đáng tự hào.
Bạn Âu Nhật Huy, sinh viên năm thứ 6 Trường ĐH Tân Tạo, vừa qua có cơ hội tham gia chương trình thực tập tại bệnh viện St Mary và Methodist tại bang Indiana, Hoa Kỳ và may mắn được trình bày nghiên cứu của mình tại Hội nghị thường niên của Liên Đoàn Tim Mạch Đông Nam Á (AFCC) tổ chức tại Singapore.
Huy chia sẻ: “Chương trình thực tập tại các bệnh viện lớn ở Hoa Kỳ đã giúp em rèn luyện kỹ năng lâm sàng và học hỏi từ các bác sĩ quốc tế. Việc tham gia các hội nghị như Liên Đoàn Tim Mạch Đông Nam Á tại Singapore cũng mang lại cho em những trải nghiệm không thể nào quên, từ việc trình bày nghiên cứu đến việc kết nối với các chuyên gia trong ngành.
Tại đây, em có cơ hội trình bày nghiên cứu của mình trước các chuyên gia đầu ngành, lắng nghe những báo cáo khoa học mới nhất và học hỏi từ những kinh nghiệm thực tế. Hội nghị còn giúp em kết nối với những người cùng chí hướng, mở rộng mạng lưới chuyên môn, và nhìn nhận y học từ góc nhìn toàn cầu. Điều này đã truyền cảm hứng để em không ngừng trau dồi bản thân và tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học trong tương lai, Đây là những cơ hội quý giá mà ít sinh viên có thể có được…”.
Tương tự, bạn Trương Thị Minh Tâm – sinh viên năm thứ 6 Trường ĐH Tân Tạo cho biết, việc thực tập tại nước ngoài, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, mang lại rất nhiều ý nghĩa đối với bản thân và các bạn cùng học. Theo Tâm, được thực tập tại Hoa Kỳ là môi trường lý tưởng để cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh, không chỉ trong giao tiếp hàng ngày mà còn trong lĩnh vực chuyên môn. Việc tiếp xúc thường xuyên với các bạn học, giảng viên và bệnh nhân người bản địa giúp Tâm rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết một cách toàn diện, từ đó tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh trong công việc tương lai.
“Việc thực tập tại Hoa Kỳ không chỉ giúp em nâng cao khả năng chuyên môn mà còn giúp em trưởng thành hơn trong cuộc sống. Chúng em có cơ hội tiếp xúc với nền y học tiên tiến và học hỏi từ những bác sĩ, chuyên gia hàng đầu. Đặc biệt, khi tham gia các hội nghị quốc tế, em cảm thấy tự tin hơn khi trình bày nghiên cứu của mình và học hỏi thêm rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ các đồng nghiệp quốc tế…” – sinh viên Trương Thị Minh Tâm chia sẻ.
Với một quá trình nỗ lực, phấn đấu, bác sĩ Vũ Trí Lộc không chỉ là niềm tự hào của Trường Đại học Tân Tạo mà còn là những điển hình cho thế hệ bác sĩ trẻ Việt Nam, mang khát vọng cống hiến và hòa nhập vào nền y học toàn cầu. Những nghiên cứu, đóng góp với y học của anh là minh chứng rõ ràng nhất cho sự dấn thân, học hỏi không ngừng luôn là chìa khóa của thành công.