Kinh doanh

Xu hướng mua sắm Tết 2025: Sản phẩm tiện lợi, thiết thực, tiết kiệm

HOÀNG NGUYỄN 02/12/2024 - 20:53

Theo chuyên gia, xu hướng mua sắm Tết 2025 sẽ tiếp tục là mùa Tết tiết kiệm và thiết thực.

Trong quý 3/2024, Việt Nam đạt ​​mức tăng trưởng GDP cao 7,4% cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế mặc dù đối mặt với những thách thức do bão Yagi gây ra.

Tuy nhiên, khảo sát của Kantar Việt Nam tại 4 thành phố lớn cho thấy, tình hình tài chính của các gia đình đang dần ổn định nhưng chưa hoàn toàn phục hồi so với trước Covid-19. Trong 4 quý gần đây, tăng trưởng khối lượng FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu tích cực ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn, tuy nhiên so với hai quý trước, tốc độ suy giảm đã chậm lại. Đóng góp giá trị FMCG trong 2 tháng trước Tết đang có dấu hiệu giảm dần do người tiêu dùng (NTD) có xu hướng đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết, những dịp tụ họp linh đình để dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn.

Xu hướng mua sắm online và tiêu dùng theo cảm xúc

Theo bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam, bức tranh kinh tế trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về mặt tăng trưởng khi mà nhu cầu của người tiêu dùng có những sự thay đổi. Trong đó đầu tiên là sự lựa chọn kênh mua sắm. Bên cạnh tiệm tạp hóa thì kênh siêu thị và đại siêu thị được ưa chuộng cho các dịp mua sắm Tết trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, kênh online đang tăng trưởng, thu hút nhiều người mua do tính tiện lợi và da dạng chủng loại mặt hàng.

ba-nguyen-phuong-nga-giam-doc-khoi-kinh-doanh-kantar-viet-nam.jpg
Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam trình bày tại hội thảo.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2023 có 31% số hộ gia đình ở nông thôn mua online các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), tính trung bình với khoảng 6 triệu hộ gia đình mua, và xu hướng này sẽ ngày một nhiều hơn. Giai đoạn mua sắm Tết cao điểm trên các kênh online sẽ xảy ra sớm hơn so với các cửa hàng offline. Do NTD có nhiều lựa chọn mua sắm ở nhiều nơi hơn nên doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc lựa chọn kênh phân phối, cần lưu ý chọn kênh phân phối phù hợp, có tính tương tác với NTD.

thong-ke.png
Kết quả khảo sát các kênh phân phối được NTD lựa chọn của Kantar Việt Nam, từ quý 4/2022 đến quý 3/2024.

Tiếp đến, các sản phẩm mới được tung ra liên tục mang đến cho NTD nhiều lựa chọn hơn và danh mục sản phẩm phong phú hơn, tuy nhiên điều này cũng dẫn đến sự giảm sút lòng trung thành với thương hiệu. Từ đó, sự cạnh tranh khốc liệt đến từ cả các thương hiệu lâu đời cũng như mới nổi, nội địa và nước ngoài.

Đây là hai khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải từ vài năm gần đây. Bên cạnh đó, thị trường gần đây còn có thêm nhiều sự thay đổi bởi các yếu tố khác như cảm xúc. NTD thích sản phẩm tiêu dùng bền vững, xanh, gần gũi, sản phẩm liên quan đến lĩnh vực tốt cho sức khỏe, sản phẩm liên quan đến tình cảm và tính kết nối,… Đó là xu hướng và doanh nghiệp cần phải quan tâm để tạo ra sự khác biệt, chuyển đổi kinh doanh, sản xuất để xanh, sạch hơn, thấu hiểu tâm lý NTD,… để đưa ra những sản phẩm phù hợp.

Xu hướng quà Tết ngày càng thiết thực

Kết quả khảo sát của Kantar Việt Nam cho thấy, xu hướng quà tặng dự báo sẽ giảm năm 2025. Bên cạnh đó, xu hướng quà tặng FMCG ngày Tết ngày càng thiết thực, tốt cho sức khỏe và phù hợp với túi tiền hơn. Ngành hàng ghi nhận nhiều dịp tặng nhất là: bánh quy, bia, dầu ăn, nước ngọt, đường, nước mắm, cà phê hòa tan, mì ăn liền, bột gia vị, đậu phộng. Ngành hàng ghi nhận dịp tặng tăng nhiều nhất gồm có: dầu ăn, bột gia vị, mì ăn liền, bột ngọt, nước tương, nước mắm, snack & hạt, bánh mì đóng gói, sữa chua ăn, nước yến. Đây đều là những sản phẩm thiết thực, dùng được cho cả gia đình và đề cao tính tiện lợi và sức khỏe.

nguoi-tieu-dung-mua-sam-tai-sieu-thi.jpg
Các doanh nghiệp bán lẻ và nhà sản xuất đã chuẩn bị các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Tết 2025.

“Xu hướng quà tặng FMCG ngày Tết ngày càng thiết thực, tốt cho sức khỏe và phù hợp với túi tiền hơn. Các giỏ quà đa dạng với nhiều mức giá, từ 200-300 ngàn đồng. NTD có thể tự lựa quà tặng tại siêu thị hay qua livestream bán hàng của nhiều công ty. Doanh nghiệp cần lưu ý sản phẩm phải thiết thực, tốt cho sức khỏe, tiêu dùng. Thông điệp truyền thông của các thương hiệu cần nhấn mạnh tính thực tiễn, tiết kiệm và dùng được cho cả gia đình”, bà Nguyễn Phương Nga nhận định.

Bà Nguyễn Phương Nga cũng đưa ra 3 khuyến nghị các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mùa Tết 2025. Thứ nhất, “giản đơn nhưng không đơn giản”. Nhu cầu về sự tiện lợi và đơn giản hóa của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán.Thương hiệu và nhà sản xuất cần nắm bắt và đáp ứng xu hướng NTD muốn đón và chuẩn bị cho một mùa Tết giản đơn hơn. Họ sẽ ưu tiên những sản phẩm hướng tới tính tiện lợi, thiết thực và tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc.

Thứ hai là lựa chọn lành mạnh và ý nghĩa. Xu hướng chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên. Trong dịp Tết 2025, bên cạnh việc giữ gìn những ý nghĩa truyền thống văn hóa, người tiêu dùng cũng sẽ tìm kiếm những sản phẩm vừa đảm bảo sức khỏe, vừa mang ý nghĩa sum vầy, thể hiện sự quan tâm đến chất lượng cuộc sống.

Thứ ba là đúng nơi, đúng thời điểm. Việc hiểu rõ hành trình mua sắm Tết của người tiêu dùng trên các kênh online và offline là yếu tố rất quan trọng để các thương hiệu có thể tiếp cận người tiêu dùng đúng lúc đúng chỗ. Từ đó nắm bắt mọi nhu cầu của khách hàng từ việc mua sắm sớm cho đến giai đoạn chạy nước rút cận Tết.

Tại hội thảo, Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, xu hướng hành vi người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng và thị trường bán lẻ tại những mùa cao điểm mua sắm thời gian qua có những diễn biến khó lường, khó đoán hơn. Vì vậy, các đơn vị sản xuất kinh doanh không thể chủ quan mà phải bám sát thị trường thì mới có thể tăng doanh số trong mùa mua sắm Tết 2025. Để tăng năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp phải tập trung cải thiện chất lượng, giá thành sản phẩm và cả cách thức giao hàng, chương trình khuyến mãi,…

HOÀNG NGUYỄN