Tiến sĩ 9X đam mê bào chế thuốc
TS Nguyễn Phước Vinh (sinh năm 1994) - Phó trưởng Khoa Dược, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP.HCM, là một trong 10 gương mặt nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2024.
TS Vinh cũng là người trẻ tuổi nhất nhận giải và là đại diện duy nhất của lĩnh vực Công nghệ y - dược. Giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Sự kỳ diệu của viên thuốc
Sinh ra ở vùng quê miền biển thuộc thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), TS Vinh đã trải qua nhiều đợt ốm, đau do thường xuyên đội nắng đi mò cua, bắt ốc. Đó cũng là lúc anh nhận thấy sự kỳ diệu của những viên thuốc. Hồi cấp 3, thầy giáo chủ nhiệm của anh cũng từng nói “nếu làm ra được một loại thuốc, cuộc sống của hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người có thể tốt hơn”. Từ đó, niềm đam mê với thuốc càng mãnh liệt hơn, thôi thúc anh thi vào ĐH Y Dược TP.HCM theo hệ Pháp ngữ.
Sau khi ra trường, TS Vinh đạt học bổng xuất sắc của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để theo học thẳng thạc sĩ tại Pháp năm thứ 2 về Dược học và tiếp tục học lên tiến sĩ. Trong quá trình học, anh cũng đã có nhiều nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong đó, nghiên cứu về dạng thuốc thông minh tiềm năng với kích thước nano trong điều trị ung thư vú ba âm và ung thư phổi tế bào nhỏ đã giúp anh đạt Giải thưởng xuất sắc về Bào chế năm 2022, Viện Hàn lâm Dược học Cộng hòa Pháp.
Theo TS Vinh, tỷ lệ bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng và đã trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Trong điều trị ung thư, thuốc và các thuốc kháng ung thư (hóa trị) được sử dụng phổ biến nhưng tác dụng phụ lại hết sức nặng nề. Điều này, khiến anh luôn trăn trở và dành trọn tâm huyết nghiên cứu này trong những năm tháng học tiến sĩ tại Pháp.
Nghiên cứu đã mở ra hy vọng mới trong điều trị các loại ung thư khó chữa như ung thư vú ba âm và ung thư phổi tế bào nhỏ. Đây là bước đột phá khi hệ thống này kết hợp công nghệ gene và hóa trị liệu để nhắm chính xác vào các tế bào ung thư tăng cường biểu hiện protein EGFR.
Hệ nano này có kích thước khoảng 100 nanomet có thể bảo vệ các đoạn gene dễ bị phân hủy trong cơ thể, đồng thời tăng khả năng thâm nhập và chọn lọc tế bào đích, giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Khi kết hợp với hóa trị liệu cisplatin, hệ nano giúp giảm một nửa liều thuốc cần thiết, hạn chế các tác dụng phụ mà vẫn tăng gấp ba lần khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.
Không chỉ dừng lại ở hiệu quả điều trị, nhóm nghiên cứu còn phát triển một phương pháp đánh dấu phóng xạ để theo dõi sự phân bố của hệ nano trong cơ thể. Đây là công nghệ không xâm lấn, cho phép theo dõi trực tiếp mà không cần bất kỳ can thiệp nào, mở ra hướng đi mới trong giám sát và tối ưu hóa quá trình điều trị.
Với khả năng kết hợp giữa công nghệ nano, liệu pháp gene và hóa trị, nghiên cứu mang đến hy vọng về những giải pháp điều trị ung thư hiệu quả hơn, ít tác dụng phụ hơn và đặc biệt là phù hợp với nhu cầu điều trị cá nhân hóa.
Theo đuổi các giải pháp về đề kháng thuốc
Sau đại dịch Covid-19, TS Vinh quyết định trở về Việt Nam và lựa chọn công tác tại Trường ĐH Khoa học Sức khỏe (tiền thân là Khoa Y) ĐHQG TP.HCM. Anh tiếp tục phát triển những giải pháp mới về đề kháng thuốc, kháng nấm, tập trung lên đối tượng bệnh nhân Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu về dạng bào chế truyền thống và tiên tiến các dạng thuốc, nghiên cứu phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên, y học cổ truyền, và có nguồn gốc sinh học.
TS Vinh kỳ vọng, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất ra được một số giải pháp tiềm năng cho vấn đề nhức nhối về kháng thuốc trên đối tượng bệnh nhân Việt Nam. Góp sức vào chiến lược phát triển công nghiệp Dược Việt Nam. Trong đó chú trọng đến việc đảm bảo thuốc cho người dân, tăng mức độ tự chủ của sản xuất dược phẩm trong nước và tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu và tận dụng nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.
Đồng thời, anh cũng mong muốn sẽ có thể đóng góp công sức nhỏ bé vào quá trình đào tạo các cán bộ y tế theo hướng dựa trên năng lực và lấy người học làm trung tâm. Hiện anh đang tham gia chương trình trao đổi học giả của Dự án PHER, tại Trường Y Harvard (Boston, Mỹ), trong thời gian 3 tháng, tập trung về xây dựng và thiết kế chương trình đào tạo liên ngành.
Ngoài ra, TS Nguyễn Phước Vinh cũng là chủ nhiệm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia về vấn đề kháng thuốc, kháng nấm trên bệnh nhân ung thư Việt Nam, đặc biệt là trong nhiễm trùng bệnh viện và trên bệnh nhân với hệ miễn dịch suy giảm. Đây cũng là đề tài đầu tiên anh thực hiện với vai trò chủ nhiệm, từ ý tưởng, phương pháp, nhân lực, tài chính… Đề tài đã được đăng trên 2 tạp chí quốc tế uy tín với kinh phí 110 triệu đồng.
“Lúc đó, không chỉ đi làm thí nghiệm mà mình còn phải cân nhắc, thí nghiệm nào phù hợp hơn về cả mặt khoa học lẫn chi phí, cân nhắc tạp chí nào phù hợp, viết thư làm sao... Quả thực là một trải nghiệm quá tuyệt vời cho một người trẻ làm khoa học như tôi”, TS Vinh khẳng định.
Theo anh, với những người trẻ làm khoa học có 3 yếu tố quan trọng nhất để tiến xa hơn là thực lực, nhân lực và định lực. Đầu tiên phải biết mình ở đâu, thế mạnh mình là gì, điều kiện của nhóm/đơn vị là gì từ đó chọn hướng nghiên cứu đúng đắn. Tiếp đó là phải có nhóm nghiên cứu, nếu chưa có thì phải tập hợp những nhà khoa học cùng định hướng, cùng khát vọng và phải có khát vọng và kiên trì để đạt khát vọng đó.
“Trong thời gian làm đề tài Tiến sĩ, tôi phải tổng hợp, hoạt hóa, gắn đồng vị phóng xạ, song song phải tạo mô hình khối u tại chỗ trên chuột (orthotopic model), thử hoạt tính và theo dõi hiệu quả. Mỗi một đợt thí nghiệm như vậy tốn khoảng 6 tháng và bất kỳ sai lầm ở bước nào đều phải bắt đầu lại từ đầu và bỏ ra công sức, kinh phí cực lớn. Do đó, nếu không kiên trì, không đủ tỉ mỉ thì chắc chắn không thể hoàn thành được”, TS Vinh chia sẻ.
Vinh là một nhà khoa học trẻ triển vọng với chuyên môn tốt khi đã tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp và được Viện Hàn lâm Dược học Cộng hòa Pháp khen thưởng.
Tại đơn vị, Vinh rất năng động, chủ động trong nghiên cứu khoa học, cũng như công việc quản lý. Vinh năng động, tự nghĩ ra và tự đề nghị thực hiện các nghiên cứu cho trường cho khoa rất tốt. Do đó, việc bổ nhiệm Vinh làm trưởng phòng nghiên cứu khoa học là rất đúng sở trường và năng lực.
Vinh luôn tìm tòi những gì tốt nhất, mới nhất về nghiên cứu và tham gia tích cực trong trung tâm nghiên cứu của trường để tạo ra các loại thuốc mới, chuyển giao công nghệ…
GS.TS.DS Lê Minh Trí - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Sức khỏe - ĐHQG TP.HCM.