Dòng chảy

Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Ngọc Duy (t/h) 28/11/2024 - 10:52

“Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thông qua rà soát và hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thông tin trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) 2024 tổ chức tại Hải Phòng, chiều 27/11.

Khởi nghiệp sáng tạo cần có sự chung tay, đồng lòng

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cần ưu tiên thu hút nguồn lực từ các tập đoàn trong và ngoài nước, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nhiều kỳ lân công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ mới. Đồng thời, việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cần được thực hiện một cách toàn diện, bao trùm và bền vững.

anh-man-hinh-2024-11-27-luc-23.26.53.png
Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho rằng, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cần ưu tiên thu hút nguồn lực từ các tập đoàn trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cần có sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo phát triển, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; các viện, trường đào tạo nhân lực, tạo động lực, truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; doanh nghiệp hỗ trợ, đặt hàng, tạo môi trường phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Khởi nghiệp sáng tạo cũng cần có tư duy mới, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro trong thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cả từ phía quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", ông nói.

Đặc biệt, ông yêu cầu cần xây dựng thị trường đổi mới sáng tạo, phát huy quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế chấp nhận rủi ro, huy động nguồn lực từ các tập đoàn lớn để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, làm trụ cột đổi mới tăng trưởng, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới và nuôi dưỡng thế hệ doanh nhân, công nghệ tương lai.

“Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thông qua rà soát và hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Các giải pháp này sẽ tập trung hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư, và người dân, góp phần mạnh mẽ vào việc xây dựng lực lượng sản xuất mới và thúc đẩy những công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang bước vào giai đoạn mở rộng, hội nhập quốc tế

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, một thập kỷ qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự xuất hiện của các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

anh-man-hinh-2024-11-28-luc-10.31.07.png
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện.

Năm 2024, Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam đã tăng hai bậc, từ vị trí thứ 58 lên 56 (đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta liên tục được cải thiện qua các năm; năm 2024 tăng 4 bậc so với năm 2022, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.

“Nhờ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là Trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.

Lãnh đạo bộ KH&CN và UBND TP.Hải Phòng tham quan triển lãm.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, Việt Nam hiện thiếu hành lang pháp lý đầy đủ cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Các quy định pháp lý còn phân tán, nhiều nội dung nằm trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp giai đoạn đầu nhưng không đáp ứng nhu cầu mở rộng và kết nối của hệ sinh thái. Do đó, cần chính sách phù hợp với quy mô, tiềm năng và định hướng phát triển để thúc đẩy hệ sinh thái này.

Thứ trưởng cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã vượt qua giai đoạn đầu và đang bước vào giai đoạn mở rộng, hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn mới, cần có sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với vai trò đầu tư và sử dụng kết quả khởi nghiệp, cùng với chính sách hỗ trợ để hệ sinh thái phát triển bền vững.

Khởi nghiệp sáng tạo nhờ trí thức kiều bào

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho biết, mạng lưới trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người. Trong đó hơn 10% là trí thức (600.000 người), hoạt động thành công trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, sinh học, vật liệu mới.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm các sản phẩm dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo.

“Đây là nguồn lực quan trọng để Việt Nam phát triển. Việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước với các chuyên gia kiều bào là cần thiết để cập nhật xu hướng công nghệ và mô hình phát triển mới, tạo sức mạnh cộng hưởng giữa tri thức toàn cầu và tiềm lực trong nước”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Đến nay, Chính phủ đã thực hiện nhiều sự kiện, như Cuộc thi VietChallenge 2018, Diễn đàn "Kết nối Startup Việt", Hack4growth… để kết nối kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngoài ra, các hội doanh nhiên, trí thức Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng có nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Tuy nhiên, việc triển khai kết nối vẫn gặp thách thức do thiếu phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong và ngoài nước. Các văn bản pháp lý chưa theo kịp hội nhập quốc tế. Việc thiếu cơ sở dữ liệu về chuyên gia kiều bào cũng gây khó khăn trong việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Để giải quyết, Thứ trưởng đề xuất tăng cường trao đổi thông tin, nghiên cứu các xu hướng về khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia kiều bào, và tăng cường tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong nước.

Techfest 2024 do Bộ KH&CN phối hợp UBND TP.Hải Phòng tổ chức. Đây là sự kiện quốc gia thường niên, tập trung kết nối nguồn lực trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Sự kiện diễn ra từ ngày 26 - 28/11, với các hoạt động nổi bật như diễn đàn đối thoại chính sách, triển lãm sản phẩm khởi nghiệp, hội thảo chuyên sâu, cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp…

Ngọc Duy (t/h)