Đời sống

TP.HCM: Nâng tầm đội ngũ làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật

Đỗ Phương - Trúc Nhã 23/11/2024 - 17:36

Ngày 23/11, Ban Tuyên giáo Thành Ủy phối hợp cùng Hội đồng lý luận phê bình văn học TP.HCM tổ chức tọa đàm “Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp”.

Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng sáng tác và thưởng thức của công chúng. Buổi tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong 50 năm qua và đề xuất các giải pháp nâng cao công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật tại TP.HCM trong thời gian tới.

Nhiều thành quả đạt được

Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết: Sau 4 tháng ban hành kế hoạch và gửi thư mời viết tham luận đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, Ban Tổ chức tọa đàm đã nhận được 49 bài tham luận.

“Nội dung các tham luận tập trung khái quát chung về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; Bên cạnh đó, các tham luận còn làm rõ thực trạng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tập trung phân tích, làm rõ thực trạng kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất”, - ông Nguyễn Thọ Truyền cho hay.

z6061760338819_878ae094b005f5bd3b9046225e841269.jpg
Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhận định, tọa đàm còn là dịp để lắng nghe ý kiến của các Nhà Khoa học, các chuyên gia, các nhà phê bình văn học, nghệ thuật, đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM trong thời gian tới. Qua đó góp phần định hướng về việc xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến với công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật hay; phát hiện cái hay, mới về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật; tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng; động viên, khích lệ đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tìm tòi, phát triển và sáng tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM cho biết, thời gian qua, công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã làm tốt nhiệm vụ định hướng văn học, nghệ thuật đi theo quỹ đạo của một nền văn học, nghệ thuật chân chính vì con người, vì phẩm giá con người, vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao đẹp: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh! Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã có tác dụng tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, cái tiến bộ trong hoạt động sáng tạo.

z6061759063789_d60c6a1c1ad15a11bc0c0a3e6a00ecb5.jpg
Không gian buổi tọa đàm “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp”.

Ở góc độ của lĩnh vực mỹ thuật, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn học, nghệ thuật và sự phát triển của xã hội. Trong thời gian qua, lãnh đạo TP.HCM luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động lý luận, phê bình để thúc đẩy sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật. Nhờ vậy hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng đã phát huy vai trò định hướng giá trị xã hội, định hướng sáng tác, là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, tác động sâu sắc đến thị hiếu của công chúng.

Xét về góc độ văn học, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đã có phần trình bày trong việc đánh giá chung về mối quan hệ giữa lý luận, phê bình đối với văn học. Thời gian qua, lý luận, phê bình chưa đi kịp với đời sống sáng tạo văn học, nghệ thuật nói chung, thậm chí còn lùi phía sau. Theo nhà văn Bích Ngân: “Đa số những vấn đề nóng bỏng, gay gắt cần lý luận, phê bình lên tiếng thì lại e dè, chậm chạp, im ắng. Và như vậy, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật và sáng tác chưa thể đồng hành được”.

nha-van-bich-ngan.jpg
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm

Theo PGS.TS Phan Thị Bích Hà - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, hiện nay, công tác lý luận, phê bình còn có chức năng phát hiện, định hướng và cổ vũ cho cái mới trong hoạt động sáng tác, giúp cho văn nghệ sĩ trong công việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Thực trạng mới đòi hỏi công tác lý luận, phê bình nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng, phải có những chuyển đổi trong tư duy và nhận thức, trong phương hướng hành động để phù hợp với bối cảnh sáng tạo mới.

Bên cạnh đó, vấn đề hiệu quả kinh tế trong tác phẩm điện ảnh cũng cần phải được chú tâm, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả xã hội, bởi chúng ta vẫn xem xét điện ảnh ở các góc độ: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Để thực hiện hiệu quả những vấn đề trên, rất cần vai trò hướng đạo của công tác lý luận, phê bình.

Cần xây dựng đội ngũ chất lượng cao

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM chia sẻ: “Chúng ta đang đứng trước nghịch lý, đó là Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều viện, trường đào tạo nhưng lại ít nơi có đào tạo về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, và thường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Vấn đề này cần sớm được khắc phục”.

z6061345483940_82754fd8a8ad119da8be6382bee1798a.jpg
Đồng chí Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm.

Đồng chí Phạm Phương Thảo cho biết thêm, gần đây, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có sự phân công các thành viên trong hội đồng và lập ra 4 tiểu ban để theo dõi các vấn đề liên quan đến lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Nếu các tiểu ban này phát huy được hiệu quả thì sẽ tạo sự chuyển biến trong công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của thành phố.

Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Phương Thảo gợi ý: Sau buổi tọa đàm nên đúc kết lại những giải pháp cần tập trung triển khai sắp tới. Thứ hai là nghiên cứu chính sách đặc thù với công tác này, có chế độ khen thưởng, có chính sách đào tạo bồi dưỡng trong nước, ngoài nước, tạo điều kiện để động viên, khuyến khích, củng cố phát triển đội ngũ làm công tác này. Thứ ba là quan tâm đến lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng những người đang làm công tác lý luận phê bình văn học. Và cuối cùng là các cơ quan báo chí truyền thông tạo điều kiện để quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật có tính tư tưởng, thẩm mỹ, các bài viết phê bình văn học nghệ thuật hay.

Theo ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, phẩm chất và năng lực của đội ngũ văn nghệ sĩ phải được cụ thể bằng hiệu quả công tác thực tiễn, đó là luôn nắm vững được ngọn bút phê bình sắc bén, có tư duy khoa học và nghệ thuật, vừa nhạy bén vừa bản lĩnh vững vàng có thể đánh bại được tư tưởng sai trái, thù địch, phát hiện và khuyến khích được tài năng mới, giá trị mới, phong cách mới, kịp thời uốn nắn lệch lạc, khắc phục sai lầm trong hoạt động văn học, nghệ thuật.

Do vậy, để làm tròn chức năng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thì đội ngũ làm công tác này phải là chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa văn nghệ, có đủ phẩm chất, năng lực và khát vọng cống hiến vì nước, vì dân.

hinh-3.jpg
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM phát biểu kết thúc tọa đàm.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM đánh giá: các tham luận, ý kiến đóng góp tại tọa đàm dù tiếp cận chủ đề tọa đàm theo nhiều góc độ, bình diện và điểm nhìn, từ sáng tác, nghiên cứu, đào tạo hoặc xuất phát từ thực tiễn vận động của văn học nghệ thuật; chung nhất là cách đánh giá và thể hiện cũng có những điểm khác nhau nhưng đều bám sát chủ đề tọa đàm nêu ra.

“Kết quả Tọa đàm là cơ sở tin cậy để Hội đồng báo cáo Thường trực Thành ủy việc thực hiện Kế hoạch “Tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật TP.HCM sau ngày đất nước thống nhất”. Đồng thời là cơ sở để Hội đồng tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng chiến lược phát triển VHNT trong tình hình mới; gợi mở để các cơ quan, đơn vị, các hội VHNT thành phố đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, có những quyết sách phù hợp nhằm phát triển VHNT, trong đó có công tác LLPB cần đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới", - đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cho biết.

Đỗ Phương - Trúc Nhã