Công nghệ

Công nghệ bức xạ: Hướng đi mới trong điều kiện biến đổi khí hậu

Hà Lam 22/11/2024 - 23:19

Các chuyên gia nhận định, công nghệ bức xạ là hướng đi mới cho nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản công nghệ cao trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Ngày 21/11, tại TP.HCM, sự kiện kết nối sáng tạo tháng 11 (lần 2) với chủ đề "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ chế tạo các vật liệu mới phục vụ canh tác nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản công nghệ cao trong điều kiện biến đổi khí hậu" thu hút đông đảo các nhà khoa học, doanh nghiệp,... tham dự.

Chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì tổ chức, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ là đơn vị thực hiện.

Biến đổi khí hậu tác động lớn tới nông nghiệp

Theo báo cáo năm 2024 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), biến đổi khí hậu tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng toàn cầu. Nhiệt độ trung bình tăng cao kỷ lục, cùng với sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lớn và hạn hán, gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến nông nghiệp, thủy sản.

bien-doi-khi-hau-bai-so-khcn-22-11.png
Biến đổi khí hậu còn gây tác động đến môi trường nước.

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng với nhiệt độ tăng, nắng nóng kéo dài ở Hà Nội và TP.HCM. Mực nước biển dâng 3 - 5 mm mỗi năm, gây ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất.

Trong nông nghiệp, công nghệ bức xạ thường được biết đến qua việc chiếu xạ vải thiều để tiệt trùng trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, ứng dụng của công nghệ này còn rộng hơn, đặc biệt trong nông nghiệp. Bức xạ góp phần quan trọng vào các chu trình như chọn giống, cải tạo đất, diệt côn trùng, bảo quản sau thu hoạch và nuôi trồng thủy sản, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

ong-nguyen-minh-hieu-pho-gd-tt-ung-dung-tien-bo-khcn-tphcm.jpg
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP.HCM - phát biểu tại sự kiện.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP.HCM (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) - nhận định biến đổi khí hậu đã và đang tác động sâu sắc đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Điều này đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh nhu cầu thích nghi với điều kiện khắc nghiệt như hạn hán, xâm nhập mặn, nhiệt độ cao và dịch bệnh gia tăng.

Theo ông Hiếu, công nghệ bức xạ, với khả năng tạo ra vật liệu mới có tính năng vượt trội, đang mở ra nhiều hướng tiếp cận hứa hẹn.

Công nghệ bức xạ là "chìa khóa vàng"

Tại chương trình, các chuyên gia nhận định, công nghệ bức xạ là hướng đi mới cho nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản công nghệ cao trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một số đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp cũng trăn trở vì thực trạng hiện nay, vẫn còn nhiều nghiên cứu phải "cất ngăn tủ", do khó chuyển giao công nghệ hay thậm chí là vướng quy định của pháp luật.

pgs-ts-huynh-phu-bai-skhcn-22-11.jpg
PGS.TS Huỳnh Phú - Viện trưởng Viện Môi trường và Kinh tế tuần hoàn Miền Nam - cho rằng biến đổi khí hậu gây ra hậu quả tiêu cực.

PGS.TS Huỳnh Phú - Viện trưởng Viện Môi trường và Kinh tế tuần hoàn Miền Nam - cho biết biến đổi khí hậu và thiếu nước đã gây ra hậu quả tiêu cực đang đến với Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.

Do đó, PGS.TS Huỳnh Phú khuyến cáo cần phải tích cực, kịp thời tạo ra những thay đổi trong động thái hài hòa với thiên nhiên, phát triển bền vững để tự cứu mình và hành động khí hậu vì tương lai.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Duy - Phó Giám đốc Trung tâm Hạt nhân TP.HCM, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc tìm kiếm các giải pháp đột phá để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản là vô cùng cấp thiết. Trong đó, công nghệ bức xạ chính là một trong những "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa tương lai.

Công nghệ bức xạ là công nghệ thân thiện với môi trường, hiệu quả xử lý cao, tiết kiệm năng lượng, không gian và nguyên liệu, sản phẩm tạo ra có độ tinh khiết cao, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường.

Cũng theo PGS.TS Duy, với sự đầu tư và phát triển đúng hướng, công nghệ bức xạ hứa hẹn sẽ trở thành công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp và thủy sản công nghệ cao, bền vững và đáp ứng tốt hơn những thách tthức của biến đổi khí hậu trong tương lai.

"Tuy nhiên, thực tế vì là đơn vị chỉ có chức năng về nghiên cứu nên vấn đề sản xuất là rất khó, chúng tôi rất kỳ vọng được chuyển giao công nghệ và đầu tư của doanh nghiệp để các nghiên cứu về những vật liệu mới này đến được với người nông dân chứ không chỉ dừng lại ở 'ngăn tủ'", PGS.TS Nguyễn Ngọc Duy chia sẻ.

Hà Lam