Khoa học

Sinh viên đại học lười tư duy vì dùng ChatGPT

Ngọc Duy 22/11/2024 16:12

Theo các chuyên gia, sinh viên ngày nay rất thông minh và rành công nghệ. Vấn đề nào không biết đều có thể hỏi ChatGPT, vì vậy nhiều sinh viên rất lười tư duy.

Sáng 22/11, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM và Trường ĐH Tài chính - Marketing phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với Chủ đề: “Ảnh hưởng của ChatGPT và các công cụ tương tự đối với chất lượng dạy, học các môn Lý luận chính trị”.

Hội thảo hướng đến sự đổi mới trong dạy và học đại học, đặc biệt các môn lý luận chính trị, dựa trên nhu cầu thực tiễn và sự phát triển công nghệ, đảm bảo đúng định hướng Đảng, Nhà nước và tiếp thu giá trị hiện đại. Trong đó, nổi bật là công cụ ChatGPT.

ht2.jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Lười tư duy vì dùng ChatGPT

Theo khảo sát của Trường ĐH Tài chính Marketing, 97,3% sinh viên trường biết đến ChatGPT hoặc đang sử dụng công cụ này trong quá trình học tập. Tỷ lệ này cho thấy công cụ này đang được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng sinh viên. Tương tự có 85,7% giảng viên biết ChatGPT hoặc đang sử dụng trong hoạt động nghiên cứu giảng dạy.

Trong đó, đa số sinh viên thường sử dụng ChatGPT để tìm kiếm thông tin tài liệu liên quan đến môn Lý luận chính trị (88,5%). Ngoài ra, sinh viên còn dùng ChatGPT để soạn bài thuyết trình (33,1%), viết bài thu hoạch cuối kỳ (20,6%)... Còn Giảng viên thường sử dụng ChatGPT để tìm kiếm thông tin tài liệu liên quan đến chuyên môn (75%), viết tham luận hội thảo, viết báo, tạp chí (39,3%), soạn đề thi (21,4%)...

z6058421293394_342dfdfd8386dd9aa3202153bc12790d.jpg
PGS.TS Phạm Thị Kiên - Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ về những thách thức của ChatGPT.

PGS.TS Phạm Thị Kiên - Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, với những ưu điểm vượt trội, như tính tương tác cao, cung cấp thông tin chính xác, khả năng đáp ứng nhanh chóng… khiến ChatGPT trở thành một công cụ không thể thiếu trong giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra một số thách thức đáng lưu ý nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Khi sử dụng ChatGPT, sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và trả lời các câu hỏi mà không cần đến sự hướng dẫn của giảng viên. Điều này làm giảm tương tác trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên, ảnh hưởng đến sự kết nối trong môi trường học tập. Sinh viên dễ phụ thuộc vào ChatGPT, từ đó giảm khả năng tập trung, mất cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp và thảo luận trực tiếp.

tt2.jpg
Các nhà khoa học khẳng định ChatGPT không thể thay thế giảng viên trong giảng dạy - Ảnh: TRẦN HUỲNH

ChatGPT cũng gặp hạn chế về dữ liệu, chỉ cập nhật đến cuối năm 2021, dẫn đến câu trả lời thiếu chính xác ở những vấn đề đặc thù. Việc kiểm chứng nguồn thông tin và phát hiện đạo văn trở nên khó khăn, đặc biệt khi công cụ này kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn không rõ ràng. Đồng thời, ChatGPT không thể thay thế vai trò giám sát và định hướng của giảng viên trong quá trình học tập.

Ngoài ra, các giảng viên tại hội thảo cũng cho rằng, sinh viên ngày nay rất thông minh và rành công nghệ. Vấn đề nào không biết đều có thể hỏi ChatGPT, vì vậy sinh viên rất lười tư duy. Các câu trả lời đều không có chiều sâu về kiến thức và khả năng phân tích. Do đó, lúc chấm bài, các thầy cô dễ dàng nhận ra ngay bài nào dùng và không dùng ChatGPT.

z6058421331950_fbc649be08fe2a6aa5d29709277d1ed2.jpg
Nhiều giảng viên, sinh viên dùng ChatGPT trong môn Lý luận chính trị.

Tăng cường phần thi thuyết trình, phản biện

Theo TS Phạm Văn Quốc - Trường đại học Nguyễn Huệ, dù còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực, thách thức tiềm ẩn, nhưng nếu có cách tiếp cận đúng đắn, có giải pháp phù hợp thì ChatGPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy đổi mới phương thức giáo dục lý luận chính trị.

"Trong giáo dục lý luận chính trị đang tích cực khuyến khích sử dụng và tìm cách biến thách thức thành điều kiện nâng cao chất lượng của chính quá trình giáo dục lý luận chính trị ở mỗi cơ sở đào tạo", TS Quốc chia sẻ.

TS Quốc cũng kiến nghị phải đổi mới hình thức đánh giá bằng cách giảm tối đa việc dựa trên cách viết bài luận và tăng tối đa hình thức vấn đáp, trao đổi trực tiếp để đánh giá, đánh giá thông qua các bài thuyết trình.

z6058421287250_d60804ce53c6b43e44a73e5ae5941aa4.jpg
TS Lê Trung Đạo - Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing cho rằng, giảng viên nên đổi mới, ứng dụng công nghệ.

TS Lê Trung Đạo - Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng cho biết, nếu các giảng viên không chịu đổi mới, ứng dụng công nghệ mà chỉ tập trung vào giảng dạy nội dung thuần túy sẽ khiến bài giảng bị tụt hậu, gây nhàm chán cho sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ lạm dụng ChatGPT để đối phó với những câu hỏi mang tính lý thuyết. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng tư duy, học tập và chất lượng giáo dục.

ht1.jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
tt1.jpg
Ông Tăng Hữu Phong - phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM (phải) - tặng hoa cho ban tổ chức hội thảo - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nội dung giảng dạy lý luận chính trị phải được cập nhật thường xuyên, gắn lý thuyết với thực tiễn để tăng tính hấp dẫn. Đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa thuyết trình, thảo luận và trải nghiệm thực tế… Điều này sẽ giúp sinh viên phát triển tư duy phản biện và kỹ năng ứng dụng.

Với sự tham gia của các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý và giảng viên trên toàn quốc, ban tổ chức hội thảo đã nhận được 90 tham luận, trong đó chọn đăng 37 bài. Nội dung chính gồm: Ảnh hưởng của ChatGPT đến dạy - học các môn lý luận chính trị; thách thức và giải pháp khi sử dụng ChatGPT trong giảng dạy; kinh nghiệm áp dụng ChatGPT trong môi trường giáo dục lý luận chính trị.

Ngọc Duy