Kinh doanh

Thí điểm hỗ trợ hệ thống bán lẻ tại TP.HCM chuyển đổi số

Vân Bùi 22/11/2024 - 09:15

Quý IV/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng kết Chương trình thí điểm hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số ở quận Phú Nhuận. Quý I/2025, sẽ mở rộng ra toàn bộ Tp. Hồ Chí Minh sau đó năm 2025 mở rộng ra cả nước.

Báo cáo “Kinh tế số Đông Năm Á năm 2024” do Google - Temasek công bố ngày 5/11 ước tính, quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet.

Tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường có thể dao động từ 90-200 tỷ USD.

Chuyển đổi số đã giúp thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, gia tăng tốc độ giá trị sản xuất công nghiệp với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 và doanh thu công nghiệp, công nghệ số ước đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với cùng năm trước.

Trong bối cảnh thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội, ngày 21/11, diễn đàn Chuyển đổi số ngành công thương năm 2024 được tổ chức nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hưởng tới phát triển bền vững.

chuyen-doi-so-nganh-cong-thuong1.jpg
Ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài. Đến tháng 9/2024, đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế của năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 3,2%. Các hoạt động dịch vụ đang trên đà sôi động trở lại và tăng cao hơn so với khu vực công nghiệp. Tương tự, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,9 đến 1,1 điểm phần trăm.

95% hộ bán lẻ Q. Phú Nhuận chưa chuyển đổi số

Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, theo thống kê, Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn.

Trong số này, các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và doanh nghiệp bán lẻ đang chiếm 3,91% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh và 3,19% tổng số lao động; còn doanh thu của 208.995 doanh nghiệp bán buôn chiếm khoảng 27,60% và khoảng 8,76% tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực bán buôn.

Thống kê cho thấy, bán buôn, bán lẻ đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế. Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng. Doanh thu B2B (doanh nghiệp với người tiêu dùng) năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ lệ tăng trưởng 25% cao hơn mức 20% năm 2022.

Với thị trường 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.

Do đó, việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ và đẩy mạnh theo hướng đưa toàn bộ hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thách thức hiện nay trong chuyển đổi số là thiếu nền tảng công nghệ, kết nối người bán và người mua tại Việt Nam với đối tác trên toàn cầu; thiếu hạ tầng logistic, nền tảng thanh toán đồng bộ, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

phunhuan2.jpg
Triển khai thí điểm chuyển đổi số cho các hộ bán lẻ tại quận Phú Nhuận. (Ảnh minh họa)

Theo khảo sát của liên bộ giữa Bộ Công Thương và Bộ Thông tin & Truyền thông tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua với 2.000 doanh nghiệp cho thấy, 95% doanh nghiệp, cửa hàng, chợ truyền thống chưa sử dụng công nghệ số. Nếu không triển khai nhanh các chương trình chuyển đổi số, tăng tỷ lệ ứng dụng công nghệ số thì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ thua các nhà cung cấp nước ngoài ngay trên sân nhà.

Gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shein, Temu… của Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh mẽ tại Việt Nam với tốc độ giao hàng rất nhanh, ưu đãi khủng… Nguy cơ các cửa hàng bán buôn, bán lẻ phải đóng cửa là rất lớn.

Theo ông Trần Minh Tuấn, dự kiến, trong quý IV/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng kết Chương trình thí điểm hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số ở quận Phú Nhuận, để rút kinh nghiệm. Quý I/2025, sẽ mở rộng ra toàn bộ TP.HCM. Theo lộ trình, cả năm 2025 mở rộng ra cả nước. Năm 2026 và các năm tiếp theo, sẽ đánh giá tác động, định kỳ cập nhật và khảo sát.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Để giải bài toán đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, ông Tuấn cho biết Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương đang thúc đẩy triển khai tại 6 nhà cung cấp với đầy đủ hệ sinh thái (từ đưa hàng hóa lên mạng, thanh toán, kho vận, các dịch vụ logistics...) nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh để nhanh chóng đón đầu xu hướng chuyển đổi số.

chuyen-doi-so-nganh-cong-thuong.jpg
Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn chuyển đổi số ngành Công Thương 2024.

Ông Tuấn đề xuất, ngành công thương cần đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp thông qua: xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái các giải pháp phù hợp với bộ tiêu chí; xây dựng công cụ để đánh giá theo bộ tiêu chí; đánh giá trực tuyến mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ; kết nối doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ với các giải pháp.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, chuyển đổi số đã làm thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Bộ Công Thương hiện đã hợp tác với Samsung, Toyota… đào tạo chuyên gia tư vấn; tập huấn, đào tạo các mô hình sản xuất, quản lý chất lượng hiện đại.

Bộ Công Thương cũng đang hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) triển khai xây dựng và công bố bộ công cụ đánh giá chuyển đổi số. Đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương định hướng hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số: Nghiên cứu, đề xuất, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030.

Vân Bùi