Y học

40 phút nghẹt thở cứu bệnh nhân ngừng tim 2 lần thoát khỏi “tử thần”

Trúc Nhã 21/11/2024 19:37

Ngừng tim ngoài bệnh viện hầu hết đều tử vong, vì nếu nhồi máu cơ tim 4 phút đã chết não, khó cứu sống. Sự phối hợp kịp thời giữa cấp cứu ban đầu ở doanh nghiệp và chuyển lên tuyến trên cấp cứu chuyên sâu tim mạch đã góp phần tạo nên kỳ tích xảy ra.

Đó là chia sẻ của PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân - Trưởng Khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM trong buổi chia sẻ thông tin mới đây về việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân ngừng tim khi đang làm việc.

Sự kết hợp chặt chẽ giữ sơ cứu ban đầu và cấp cứu chuyên sâu

Theo thông tin từ Bệnh viện Thống Nhất, nam bệnh nhân N.T.S. (51 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM), làm phụ bếp tại một Công ty đóng trên địa bàn huyện Bình Chánh. Ngày 18/11/2024, khi đang làm việc thì bệnh nhân đột ngột ngất xỉu, ngừng tim. Ngay sau đó, nhân viên y tế tại công ty đã liên hệ đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất để phối hợp hướng dẫn và tiến hành hồi sức tim phổi. Trước đó, bệnh nhân khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường.

BS Nguyễn Đạo Hiển - Đại diện Trưởng trạm y tế Công ty bệnh nhân làm việc cho biết: Khi tổ cấp cứu của nhà máy tiếp nhận, anh S đã ngừng tim nặng, được ấn tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo. 20 phút sau, bệnh nhân được đưa lên xe cấp cứu tới bệnh viện. Trên xe, ê-kíp cũng ấn tim liên tục, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, 20 phút sau thì tới được bệnh viện.

Chia sẻ thêm về trường hợp này, BS Nguyễn Đạo Hiển cho hay, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố tại công ty. Khi nhận được tin báo, nhân viên y tế đã xuống hiện trường và nhận thấy bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở nghiêm trọng. Ngay lập tức đội ngũ nhân viên y tế đã gọi cho Bệnh viện Thống nhất để được nhận hướng dẫn sơ cứu và báo trước cho bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu.

bn1.jpg
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp Bệnh viện Thống Nhất thăm khám bệnh cho bệnh nhân N.V.S (SN 1973) bị ngừng tim khi đang làm việc tại công ty.

Bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng loạn nhịp thất, rung thất. Tại đây, các bác sĩ tiến hành sốc điện liên tục, hồi sinh tim phổi nâng cao, phục hồi tuần hoàn. Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, đồng thời chẩn đoán bệnh nhân có hẹp mạch vành, suy tim trước đó, cùng tiền sử hút thuốc lá và cao huyết áp.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đánh giá: “Đây là một trường hợp rất đặc biệt. Sở dĩ, có thể cứu sống bệnh nhân là do sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị tuyến dưới và tuyến trên, nếu không khả năng tử vong sẽ rất cao”.

Sau 20 phút cấp cứu chuyên sâu, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp để tiến hành thông tim. Tại đây, kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân tắc gần như hoàn toàn nhánh mạch vành chính. Đây là thủ phạm dẫn đến tình trạng ngưng tim của người bệnh, hai nhánh vạch vành còn lại cũng trong tình trạng hẹp rất nặng. Bệnh nhân được đặt 2 stent mạch vành (thủ thuật điều trị các bệnh mạch vành, xử trí trường hợp nhồi máu cơ tim cấp).

Ca thông tim diễn ra thành công, huyết áp phục hồi, bệnh nhân được ngưng thuốc vận mạch, chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và ngày hôm sau rút được ống thở. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường, tiếp xúc tốt.

Sơ cứu ban đầu đóng vai trò quan trọng để cứu bệnh nhân

z6055914644729_563a7883aca5a1e4839be60d42bf36ba.jpg
PGS.TS. Nguyễn Văn Tân - Trưởng Khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp Bệnh viện Thống Nhất cho biết bệnh nhân được cứu sống là một kì tích, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa trạm y tế nơi bệnh nhân làm việc và Bệnh viện Thống Nhất.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân cho biết, nam bệnh nhân trên là trường hợp ngừng tim tại 2 cơ sở y tế khác nhau. Nhờ sự phối hợp giữa tuyến cơ sở cấp cứu ban đầu và tuyến trên là cấp cứu nâng cao, đi sâu vào tim mạch can thiệp đã góp phần cứu sống được bệnh nhân. Nếu không có sự phối hợp tốt giữa hai đơn vị, bệnh nhân sẽ tử vong.

“Ngừng tim ngoài bệnh viện hầu hết đều tử vong, vì nếu nhồi máu cơ tim 4 phút đã chết não, khó cứu sống. Ca này nhờ sự phối hợp kịp thời giữa cấp cứu ban đầu ở doanh nghiệp và chuyển lên tuyến trên cấp cứu chuyên sâu tim mạch nên kì tích đã xảy ra. Cũng nhờ được hồi sức tốt và chuyển viện kịp thời nên ca này chưa cần sử dụng biện pháp hỗ trợ cơ học như ECMO” - bác sĩ Tân chia sẻ.

Sau biến cố ngừng tim, ngừng thở, tùy thuộc vào hậu quả để lại mà bệnh nhân có thể có những di chứng. Bệnh nhân kể trên nhờ cứu được não nên tránh nguy cơ tổn thương đa tạng. Bệnh nhân vẫn cần đánh giá toàn diện sau hồi phục để kiểm tra di chứng tổn thương, từ đó có hướng điều trị tiếp theo.

bn2.jpg
Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường, tiếp xúc tốt.

Tại buổi thông tin, PGS.TS Lê Đình Thanh nhấn mạnh, hiện nay tình trạng đột tử, ngưng tuần hoàn hô hấp ngoại viện khá phổ biến, nhưng rất ít trường hợp được cấp cứu thành công. Khi vào bệnh viện, các ca ngưng tim, ngưng thở không được sơ cứu đúng cách, do đó điều trị cấp cứu tiếp theo tại bệnh viện không hiệu quả, nếu cứu sống được cũng để lại nhiều di chứng.

Tại buổi thông tin, PGS.TS Lê Đình Thanh nhấn mạnh, hiện nay tình trạng đột tử, ngưng tuần hoàn hô hấp ngoại viện khá phổ biến, nhưng rất ít trường hợp được cấp cứu thành công. Khi vào bệnh viện, các ca ngưng tim, ngưng thở không được sơ cứu đúng cách, do đó điều trị cấp cứu tiếp theo tại bệnh viện không hiệu quả, nếu cứu sống được cũng để lại nhiều di chứng.

“Hiện nay, Bệnh viện Thống Nhất có thể thực hiện tất cả kỹ thuật cấp cứu hồi sinh tim phổi kể cả đột quỵ trên tim và đột quỵ não. Tuy nhiên, vẫn cần công tác sơ cứu ban đầu, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở cần được đào tạo một cách bài bản”, PGS.TS Lê Đình Thanh nói.

Chia sẻ về công tác hướng dẫn sơ cấp cứu doanh nghiệp, BS.CKI Nguyễn Đức Tới - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, nhiều năm qua, khoa Cấp cứu đã nhận lời phối hợp triển khai tập huấn sơ cứu y tế ban đầu với rất nhiều doanh nghiệp lớn, đồng thời đón tiếp nhân viên y tế doanh nghiệp đến bệnh viện để tham gia đào tạo về vấn đề này.

z6055949476118_f4dbb9fe5187da3b083f778651da5e54.jpg
BS.CKI Nguyễn Đức Tới - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất phát biểu tại buổi thông tin về bệnh nhân N.V.S.

Qua trường hợp trên, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân khuyến cáo, các nhà máy có nhiều công nhân, cách xa cơ sở y tế, cần trang bị đội ngũ nhân viên y tế cấp cứu. Các nhân viên này được huấn luyện kiến thức cơ bản để xử lý tình huống cấp cứu kịp thời cho công nhân không may bị các sự cố tương tự.

Đặc biệt, trong số lượng công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, một số trường hợp có thể tiệm cận bệnh lý tim mạch hoặc một số bệnh lý khác. Do đó, đội ngũ y tế tuyến cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn phải trang bị kiến thức cơ bản, hiểu được để xử lý tình huống cấp cứu khi có vấn đề xảy ra.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM: Đột quỵ và nhồi máu cơ tim là hai bệnh lý cấp tính nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong ngay nếu không can thiệp kịp thời trong thời gian vàng. Hai thủ phạm phổ biến nhất dẫn hai căn bệnh này, làm tăng sự xuất hiện các mảng xơ vữa là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bên cạnh các nguyên nhân khác như đái tháo đường, hút thuốc lá, thừa cân béo phì...

Trúc Nhã