Dòng chảy

TP.HCM triển khai mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số

Minh Thành 15/11/2024 - 16:55

Sáng ngày 15/11, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình về việc đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

ntl.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu dự phiên giải trình. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu kết luận tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhấn mạnh rằng chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược quan trọng và cấp bách, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa hoạt động chính quyền, và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược quan trọng và cấp bách

Theo đồng chí, TP.HCM đã và đang triển khai mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, bao gồm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số. Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực như nền tảng tích hợp dữ liệu dùng chung, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, cùng các ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông, y tế, giáo dục, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số vẫn gặp một số tồn tại và thách thức lớn, như: triển khai một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm do quy trình thực hiện phức tạp và kéo dài; việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu liên thông, đồng bộ.

Ngoài ra, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ số chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển nhanh chóng của thành phố. Một số lĩnh vực như bảo mật thông tin, quản lý tài nguyên, môi trường và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vẫn gặp khó khăn trong triển khai.

Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục, đặc biệt là giải quyết những khó khăn về quy trình, thủ tục và nguồn lực trong chuyển đổi số. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành để đồng bộ hóa và tối ưu hóa kết nối, chia sẻ dữ liệu. Thành phố cũng cần ưu tiên đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI, IoT trong các lĩnh vực trọng yếu như quản lý môi trường, giao thông, y tế, giáo dục và an ninh trật tự. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển đổi số, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình số hóa.

Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định, HĐND TP.HCM sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ quá trình triển khai các chương trình chuyển đổi số, đảm bảo các mục tiêu đặt ra được thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Thu hút nhân lực công nghệ thông tin

pct(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, chương trình chuyển đổi số đã được TP.HCM triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm qua, và trong năm 2024, thành phố tiếp tục đầu tư mạnh hơn. TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong việc thu thập và quản lý dữ liệu dân cư. Đến nay, thành phố đã cấp hơn 12 triệu CCCD gắn chip, triển khai sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID…

Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy cho biết, những kết quả trên là nỗ lực lớn của TP.HCM trong công cuộc chuyển đổi số. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân cập nhật thông tin về chuyển đổi số, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận, thành phố đang gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Mặc dù HĐND TP.HCM đã ban hành nghị quyết để tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực này vào khu vực công, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ quan cấp thành phố, sở, ngành và quận, huyện đã tương đối đảm bảo, nhưng tại cấp xã thì nhân sự thường kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.

Theo đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, hiện nay có rất nhiều nguồn đào tạo công nghệ thông tin, nhưng nhu cầu nhân lực trong khu vực tư cũng rất lớn, dẫn đến cạnh tranh với khu vực công. Trong khi đó, mức thu nhập của nhân lực công nghệ thông tin trong khu vực tư thường tương đương với công chức, viên chức, khiến khu vực công gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài. UBND TP.HCM hiện đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu và tham mưu chính sách để thu hút nhân lực công nghệ thông tin.

Minh Thành