Dòng chảy

Nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

Võ Liên 15/11/2024 - 12:04

Ngày 14/11, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Góp ý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)".

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng qua hơn 8 năm thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn về cơ bản đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Việc làm năm 2013 vẫn còn nhiều nội dung bất cập, hạn chế.

hinh-1-ts-le-truong-son-hieu-truong-truong-dai-hoc-luat-tphcm.jpg
TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM - phát biểu tại hội thảo.

Góp ý dự thảo Luật Việc làm sửa đổi

Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM - cho biết nội dung Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này đã có nhiều thay đổi lớn.

So với Luật Việc làm năm 2013, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, như: quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; bổ sung quy định về đăng ký lao động;...

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, đến nay, bản dự thảo đã và đang được hoàn thiện, chỉnh sửa nhiều lần thông qua các ý kiến góp ý của các cơ quan, ban ngành, của toàn thể nhân dân. Ngày 9/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) của Chính phủ. Tuy nhiên, bản dự thảo này còn nhiều nội dung chưa được thống nhất, còn nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo.

“Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và thực thi Luật Việc làm, cơ quan xét xử, các doanh nghiệp,… trao đổi, chia sẻ thông tin, từ đó cùng thảo luận và đưa ra các kiến nghị giúp ban soạn thảo hoàn thiện hơn các quy định trong Dự thảo Luật Việc làm”, TS Lê Trường Sơn chia sẻ.

ts-nguyen-thi-quyen-ht-truong-dh-luat.jpg
TS Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - chia sẻ tại hội thảo.

TS Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết ngày 23/11 Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Cho tới thời điểm này, các chính sách mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội đã cơ bản được các tổ, các đại biểu thống nhất và cũng có đề xuất trong quá trình chỉnh lý hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và Ủy ban xã hội (Quốc hội) để rà soát chỉnh lý.

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi có nhiều điểm mới

Tại hội thảo, ThS Trần Nguyễn Quang Hạ - Khoa Luật, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - cho biết, dự thảo của Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp mang lại nhiều điểm mới nhằm cải thiện hiệu quả của chính sách, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng phức tạp.

Theo ThS Hạ, những điều chỉnh về trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và các cơ chế hỗ trợ khác không chỉ tăng cường bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn thúc đẩy họ tái hòa nhập vào thị trường lao động một cách nhanh chóng và bền vững. Việc bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về thời gian, đối tượng, và cách thức hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn cho thấy nỗ lực của nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và nâng cao tính minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách.

“Để dự thảo này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự tham gia và phối hợp từ nhiều phía, bao gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người lao động”, ThS Nguyễn Quang Hạ chia sẻ.

Cũng theo ThS Hạ, những điểm mới cần được phổ biến rộng rãi, đảm bảo sự đồng thuận trong xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi. Đồng thời, các chính sách cần tiếp tục được đánh giá, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, để đảm bảo hệ thống bảo hiểm tai nạn không chỉ là công cụ hỗ trợ khi thất nghiệp mà còn là động lực thúc đẩy người lao động nâng cao kỹ năng, tạo dựng việc làm mới và ổn định cuộc sống lâu dài.

Còn theo ThS Lê Ngọc Anh - Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, thực trạng nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn không có đủ khả năng tài chính để trang trải các chi phí ban đầu như phí dịch vụ, đào tạo, ký quỹ, khiến cơ hội ra nước ngoài làm việc trở nên khó khăn hơn.

Vì vậy, chính sách cho vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài đã ra đời, giúp người lao động tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, vượt qua rào cản tài chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chính sách này vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt trong các quy định tại Luật Việc làm năm 2013.

ThS Anh cho rằng, để tạo điều kiện hỗ trợ hơn cho hoạt động này, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi với các quy định mới về đối tượng và điều kiện vay vốn, đã mở rộng phạm vi hỗ trợ và ưu tiên cho nhiều nhóm lao động hơn. Đồng thời, các điều kiện vay vốn cũng được quy định rõ ràng, từ yêu cầu ký hợp đồng đến bảo đảm tiền vay, giúp tạo ra một cơ chế vay vốn minh bạch và linh hoạt hơn.

Tại hội thảo, TS Hồ Xuân Dũng - Giảng viên Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM - cho rằng đối tượng lao động lớn tuổi chưa từng xuất hiện trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào từ trước đến nay tại Việt Nam từ đó cần có quy định bổ sung chính sách đối với nhóm đối tượng này.

Võ Liên