Doanh nghiệp vất vả chống hàng giả trên mạng xã hội
Theo các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, hàng giả trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng phổ biến, với thủ đoạn tinh vi hơn. Điều này đòi hỏi công tác phối hợp đồng bộ giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Ngày 12/11, tại TP.HCM, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM phối hợp Công ty CP Phát triển khoa học Công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức hội thảo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ".
Rao hàng thật, giao hàng giả
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa qua môi trường mạng tại Việt Nam trong năm 2021 đạt gần 13,7 tỷ USD, năm 2022 đạt hơn 16 tỷ USD, và năm 2023 là 20,5 tỷ USD. Dự báo trong các năm tới, thị trường thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với mức tăng hàng năm từ 20 - 25%.
Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử ở Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ hàng hóa xuất xứ được rao bán nhiều trên mạng internet, trên nền tảng giao dịch trực tuyến.
Tại hội thảo, bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Anh Đào - cho rằng hiện nay, việc bán hàng giả trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội nở rộ. Nhiều đối tượng giới thiệu hàng thật nhưng lại giao hàng giả, hàng nhái cho người tiêu dùng. Các sản phẩm được làm giả ngày càng tinh vi hơn, không chỉ quần áo, mỹ phẩm, mà thậm chí còn có thuốc chữa bệnh.
"Tôi vẫn mua hàng trên mạng xã hội để nắm bắt được thủ đoạn gian lận của các đối tượng này, từ đó có giải pháp ngăn chặn và bảo vệ tiêu dùng của mình. Có trường hợp, tôi đặt mua dụng cụ làm vườn trên mạng nhưng khi nhận hàng lại là sản phẩm không đúng như miêu tả", bà Đào cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn - cho biết nhiều năm phối hợp cùng cơ quan chức năng, các sản phẩm làm giả Nón Sơn trên thị trường truyền thống giảm đáng kể. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng lo lắng hàng giả trên không gian mạng ngày càng phức tạp hơn.
Cũng theo ông Tý, nhiều tài khoản mạng xã hội dùng mẫu nón sơn thật để livestream nhưng khi giao hàng lại giao cho khách hàng giả. Do đó, ông Tý mong muốn cơ quan chức năng có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.
Ứng dụng công nghệ chống giả
Theo ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường số phải dùng công nghệ số bằng tem chống giả, AI, blockchain,.. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng khi phát hiện hàng giả, hàng nhái.
Còn theo ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng Giám đốc Vina CHG, với tình hình nạn hàng giả ngày càng gia tăng, việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả công tác chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng thật, hàng giả một cách chính xác và nhanh chóng.
Theo ông Hồng, công nghệ số không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực trong việc phát hiện và xử lý hàng giả, mà còn tạo sự linh hoạt và chủ động trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong công tác chuyển đổi số, ông Hồng nhấn mạnh cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Để triển khai chuyển đổi số hiệu quả trong việc chống hàng giả, ông Hồng đề xuất doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, đồng thời ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chống giả bằng cách tích hợp QR code vào bao bì sản phẩm kết hợp với các công nghệ chống giả hiện đại.
Ngoài ra, ông Hồng lưu ý doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh cảnh báo hàng giả trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và phân biệt hàng thật, hàng giả, giúp họ mua sắm đúng sản phẩm chính hãng. Ông cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên công bố số "hotline" để tiếp nhận kịp thời các phản ánh của người tiêu dùng về hàng giả.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Trần Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường, Tổng Cục Quản lý Thị trường - nhận định tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán nhiều trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách…
Để tạo được chuyển biến căn bản hơn, hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Đề án 319, ông Trần Văn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng, các chủ thể tham gia thương mại điện tử, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: Xác định công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành; tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội vào công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số kết hợp với công nghệ, giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc hiện đại trong công tác giám sát và phát hiện vi phạm.