Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về “con sâu làm rầu nồi canh” trong báo chí
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để hạn chế tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” trong báo chí, Bộ TT&TT đã có quy định mới, nếu phóng viên của cơ quan báo chí của mình bị bắt, tổng biên tập phải chịu trách nhiệm.
Những "con sâu bỏ rầu nồi canh" trong báo chí
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đoàn Hưng Yên nêu tình trạng một số cơ quan báo chí thường nêu mặt trái của doanh nghiệp để trục lợi, có một số phóng viên tiêu cực gây ảnh hưởng cơ quan báo chí và nhà báo chân chính. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nên giải pháp nào khắc phục vấn đề này?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023-2024, mỗi năm có 14-15 phóng viên bị bắt khiến người làm trong nghề cũng đau lòng. Tuy nhiên so với 21.000 người có thẻ nhà báo và 45.000 người làm báo thì đây là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Trong đó, 80% phóng viên bị bắt từ các tạp chí nhỏ, của các hội nghề nghiệp, do các cơ quan chủ quản và Tổng biên tập buông lỏng quản lý.
Các sai phạm của tạp chí là nhiều vì họ “không có tóc”, không có hỗ trợ từ cơ quan chủ quản, Bộ TT&TT đã xây dựng tiêu chuẩn nhận dạng “báo hóa tạp chí”, để toàn xã hội giám sát và phục vụ thanh tra, kiểm tra.
Bộ TT&TT cũng có một số quy định mới, nếu phóng viên của cơ quan báo chí của mình bị bắt thì tổng biên tập phải chịu trách nhiệm, xem xét trách nhiệm tổng biên tập.
“Trước đây chúng ta chỉ xử lý cơ quan báo chí, còn bây giờ quy định mới là xử lý trực tiếp tổng biên tập, xử lý trực tiếp phóng viên có các vi phạm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tại sao báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi?
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên tranh luận, Bộ trưởng có nêu một mệnh đề là “báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi”. Đại biểu cho biết đồng tình với chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, tuy nhiên hiệu quả của công tác truyền thông chính sách mới là điều quan trọng nhất. Việc cấp kinh phí cho các cơ quan báo chí để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách là cần thiết, nhưng cần đảm bảo rằng báo chí phải tự chủ, cạnh tranh được với các kênh thông tin khác, đặc biệt là mạng xã hội.
“Tôi không hiểu ngân sách chúng ta có thể bố trí bao nhiêu để nuôi các cơ quan báo chí. Chắc chắn đây sẽ là một khó khăn và nếu không phát huy được tốt nội lực của mình thì sự vươn mình của đất nước chúng ta cũng là một khó khăn”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu ý kiến.
Trả lời đại biểu đoàn Phú Yên về quan điểm báo chí cách mạng cách mạng phải nuôi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây báo chí cách mạng là cách mạng nuôi 100% nhưng khi xuất hiện kinh tế thị trường mình có một đất sống là quảng cáo, có một xu thế rời bỏ nguồn ngân sách nhà nước sang bên kia để sống cho thoải mái, nhưng khi xuất hiện mạng xã hội bắt đầu mới thấy khó khăn.
Theo Bộ trưởng, hiện nay thực tế 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách, còn 70% các cơ quan báo chí tự bươn chải.
“Bây giờ báo chí 100% dựa vào thị trường liệu có là báo chí thị trường không cũng là điều chúng ta rất nên cân nhắc quan tâm. Nhà nước làm truyền thông thì nhà nước có chi trả cho các cơ quan báo chí không. Tôi nghĩ là đi 2 chân. Cả câu chuyện từ đặt hàng của Nhà nước đến câu chuyện phải bám chặt vào thị trường độc giả, phải đi cho đều chân thì tôi nghĩ sẽ giữ được báo chí cách mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh, đoàn Đồng Tháp thì bày tỏ sự lo ngại về tính khách quan của báo chí trước sức ép từ các nguồn quảng cáo và nhà tài trợ. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về chiến lược và giải pháp cụ thể để các cơ quan báo chí duy trì chất lượng, sự trung thực trong thông tin, hạn chế lệ thuộc vào quảng cáo mà vẫn đảm bảo tài chính ổn định, phát triển bền vững.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT thừa nhận có việc doanh nghiệp tác động vào cơ quan báo chí thông qua chuyện hỗ trợ truyền thông. Bộ cũng đã có phát hiện, rà soát, đánh giá, xử lý, kể cả việc ban hành các quy định nói rõ về việc bảo hộ truyền thông giữa doanh nghiệp và cơ quan báo chí để thực hiện cho đúng, tránh việc lợi dụng.