Công nghệ

Sinh viên được tiếp cận kiến thức về ChatGPT tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo 2024

Võ Liên 11/11/2024 18:52

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM - được hướng dẫn những kỹ năng tương tác, đặt câu hỏi, lên ý tưởng,... bằng ChatGPT nhằm hỗ trợ việc học tập.

Ngày 11/11, tại TP.HCM, Trường Đại học Quốc tế tổ chức khai mạc Tuần lễ đổi mới sáng tạo 2024. Tuần lễ kéo dài từ ngày 11 - 14/11, với nhiều hoạt động đa dạng và hấp dẫn khác nhau.

ts-le-duy-tan-dhqt.jpg
TS Lê Duy Tân - Giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM - hướng dẫn cách sử dụng AI hiệu quả trong học tập.

Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong học tập" là hoạt động mở đầu Tuần lễ đổi mới sáng tạo 2024, thu hút đông đảo sinh viên tham gia.

Sử dụng hợp lý sẽ hiệu quả

Tại hội thảo, TS Lê Duy Tân - Giảng viên khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Quốc tế - đã hướng dẫn sinh viên ứng dụng ChatGPT trong nghiên cứu khoa học, học tập và định hướng việc làm.

Một khảo sát nhanh tại hội thảo cho thấy có đến 72% sinh viên đã sử dụng ChatGPT nhưng chưa thành thạo, số sinh viên thành thạo chiếm 20,6%, còn lại là những sinh viên chưa sử dụng, hoặc sử dụng khi bí ý tưởng,…

Theo TS Tân, với sự bùng nổ của công nghệ, các công cụ AI như ChatGPT đang trở thành đề tài nóng trong giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng ChatGPT có thể là công cụ hỗ trợ hữu ích cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, không ít lo ngại rằng công nghệ này có thể làm suy giảm khả năng tư duy và sáng tạo của người học nếu sử dụng không đúng cách.

TS Lê Duy Tân đã nhắc lại các sự kiện lịch sử minh họa cách mà lo ngại về công nghệ luôn hiện hữu khi có phát minh mới. Trước năm 1947, khi máy tính bỏ túi chưa ra đời, việc học toán đòi hỏi học sinh phải biết làm phép cộng, trừ, nhân, chia. Sau khi máy tính bỏ túi xuất hiện, nhiều giáo viên đã lo sợ học sinh sẽ mất đi kỹ năng toán học cơ bản.

"Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh rằng máy tính không làm mất đi kiến thức toán học, mà giúp học sinh giải quyết các bài toán phức tạp một cách nhanh chóng và chính xác hơn", TS Tân chia sẻ.

ChatGPT mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục nếu được sử dụng một cách hợp lý. Trước hết, ChatGPT có thể tùy chỉnh nội dung học tập theo nhu cầu và mục tiêu của từng cá nhân. Điều này giúp học sinh có thể tiếp cận kiến thức một cách nhanh chóng và tiết kiệm thời gian.

Cũng theo TS Tân, một lợi ích khác là ChatGPT giúp học sinh dễ dàng tìm kiếm thông tin, giảm bớt thời gian và công sức cần thiết trong việc tra cứu.

Cẩn thận vi phạm liêm chính học thuật

Dù mang lại nhiều lợi ích, ChatGPT cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tác động tiêu cực đến khả năng tư duy của người học. Sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ có thể làm giảm khả năng tư duy độc lập và sáng tạo. Thay vì tự tìm kiếm câu trả lời và phân tích vấn đề, sinh viên có thể chỉ cần dựa vào ChatGPT để lấy câu trả lời sẵn có.

TS Lê Duy Tân nhấn mạnh rằng khi làm việc nhóm, sinh viên nên trao đổi và thảo luận cùng nhau để giải quyết vấn đề. Sự có mặt của ChatGPT đã làm giảm thiểu quá trình này, vì sinh viên có thể lấy ngay câu trả lời từ ChatGPT.

sinh-vien-tham-du-tuan-le-dmst.jpg
Đông đảo sinh viên tham dự khai mạc Tuần lễ đổi mới sáng tạo 2024.

TS Tân lưu ý không phải mọi câu trả lời của ChatGPT đều chính xác. "AI rất khó đạt được độ chính xác 100% nên việc sai lệch kiến thức là hoàn toàn xảy ra. Điều này có thể dẫn đến việc sinh viên chấp nhận kết quả đầu ra không chính xác, từ đó gây ra những hậu quả tiêu cực cho việc học tập và sự nghiệp tương lai", TS Tân nói.

TS Tân khuyên sinh viên chỉ nên sử dụng ChatGPT để hỗ trợ việc học mà không nên sử dụng để trả lời thay bài tập, tránh sử dụng ChatGPT để viết luận văn vì sẽ vi phạm liêm chính học thuật.

"Tác động của ChatGPT đối với giáo dục là vô cùng to lớn. Nếu không tiếp cận công nghệ thì sinh viên sẽ dễ bị đào thải. Với cuộc cách mạng Công nghiệp 1.0, Công nghiệp 2.0, Công nghiệp 3.0, đối tượng bị tác động là những người không được đào tạo kỹ, còn với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 lại là những người đã được đào tạo", TS Tân nói.

Do đó, sinh viên phải chủ động tiếp cận công nghệ. AI sẽ không lấy đi việc làm nhưng những người biết sử dụng AI sẽ lấy đi việc làm nếu không biết cách sử dụng công nghệ.

Đa dạng các hoạt động

Tại lễ khai mạc, PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế - cho biết Tuần lễ Đổi mới sáng tạo 2024 là cơ hội kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Trường Đại học Quốc tế với hệ sinh thái của TP.HCM và các tỉnh lân cận.

pgsts-dinh-duc-anh-vu-pht-truong-dhqt.png
PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM - phát biểu khai mạc.

Theo đó, các sản phẩm nghiên cứu, dự án khởi nghiệp tiêu biểu từ đội ngũ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Quốc tế sẽ được trưng bày, giới thiệu đến cộng đồng.

"Thông qua các hoạt động của tuần lễ, sinh viên được tiếp cận những kiến thức cơ bản về phát triển bền vững, trí tuệ cảm xúc và các kỹ năng số quan trọng, từ đó hỗ trợ cho sự phát triển trong học tập và công việc sau này của các em”, PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ chia sẻ.

Tuần lễ đổi mới sáng tạo năm 2024 với nhiều hoạt động đa dạng và hấp dẫn. Có thể kể đến hội thảo "EQ Communication" - giúp người tham gia hiểu và phát triển trí tuệ cảm xúc trong giao tiếp; hội thảo "Ứng dụng AI trong học tập" - hướng dẫn cách sử dụng AI hiệu quả và an toàn; tập huấn chuyên đề "Truyền thông sáng tạo" - trang bị kiến thức và kỹ năng truyền thông hiện đại.

Bên cạnh đó, chương trình còn có "Hội đồng chuyên gia đánh giá dự án" với sự tham gia của các dự án nghiên cứu tiêu biểu tại các khoa/bộ môn, sẽ được kết nối với chuyên gia để đánh giá về mức độ khả thi và tiềm năng thị trường.

Đặc biệt, khu vực trưng bày các dự án nghiên cứu tiêu biểu sẽ là nơi các sản phẩm mẫu, "demo" dịch vụ được giới thiệu đến cộng đồng, giúp người tham gia có thể góp ý, đóng góp cho sự phát triển của các dự án.

Ngoài ra, sinh viên, cán bộ và giảng viên còn được tham gia "Chuỗi hoạt động trải nghiệm sáng tạo" độc đáo như “Sự kỳ diệu của bã cà phê" - một mô hình tái chế mang tính bền vững,... Đặc biệt, "Hoạt động tương tác IU Go Goals và Climate Fresk" sẽ giúp người tham gia tìm hiểu về 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và biến đổi khí hậu, từ đó nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Võ Liên