Giáo dục

TP.HCM luôn cố gắng để tri ân Nhà giáo đi B và Nhà giáo Nội đô

Ngọc Duy - Võ Liên 11/11/2024 - 16:00

Từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã cố gắng làm mọi thứ để tri ân thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu tại đây. Trong đó có các Nhà giáo đi B và Nhà giáo Nội đô.

Đây là thông tin được lãnh đạo Thành phố chia sẻ tại buổi họp mặt Nhà giáo đi B, Nhà giáo Nội đô năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, vào sáng 11/11.

z6021363718852_8ef9916349969e438bfc970a5d0d621a.jpg
Buổi họp mặt do Sở GD&ĐT TP.HCM và Hội Cựu Giáo chức Thành phố tổ chức.

Tại buổi họp mặt, các Nhà giáo đi B (những thầy cô vượt Trường Sơn vào Nam chống Mỹ cứu nước) và Nhà giáo nội đô (thầy cô tham gia cách mạng, hoạt động trong lòng địch) đã có dịp ôn lại những trang sử hào hùng cũng như một thời xông pha chiến đấu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Nhà giáo Trịnh Hồng Sơn – Trưởng đoàn đi B năm 1964, đã kể lại những kỷ niệm vui, buồn lẫn khó khăn gian khổ và hiểm nguy khi đoàn đi B vượt Trường Sơn để vào miền Nam. Đoàn phải đối mặt với nguy cơ bị trận càn, bị bom ném nhưng tất cả vẫn không chùn bước, chỉ có một mục tiêu là nhanh vào miền Nam, cùng đồng bào chiến đấu chống Mỹ cứu nước, giải phóng và thống nhất đất nước.

Luôn tâm huyết cho nền giáo dục nước nhà

Phát biểu tại buổi họp mặt, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết, buổi họp mặt hôm nay cho thấy sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Thành phố đối với ngành giáo dục nói chung và các thầy cô là Nhà giáo đi B, Nhà giáo Nội đô nói riêng.

z6021364274504_9b6fb2ce79416a30896164e666974bed.jpg
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu gửi lời tri ân đến các thầy cô đi B và Nội đô.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng vạn nhà giáo, sinh viên miền Bắc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu, cùng với các nhà giáo ở miền Nam xây dựng nền móng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, các thầy giáo, cô giáo đi B và Nội đô dù về trở về Thủ Đô hay ở lại Thành phố vẫn tiếp tục cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Rất nhiều thầy giáo, cô giáo trực tiếp đứng trên bục giảng. Nhiều thầy cô được đề bạt làm cán bộ quản lý các trường học, các phòng GD&ĐT quận, huyện và Sở.

Dù ở cương vị nào, các chiến sĩ nhà giáo vẫn luôn tâm huyết, cống hiến xây dựng Thành phố và đất nước, phát triển giáo dục, vun đắp tài năng cho các thế hệ học sinh.

z6021363665662_e05ba4ba20eefa80b06590edd23b29de.jpg
Giám đốc sở GD&ĐT tặng quà cho cô Huỳnh Thiện Kim Tuyến - Trưởng đoàn Nhà giáo Nội đô.

Nhiều thầy giáo, cô giáo đã vượt qua khó khăn, chiến đấu với bệnh tật, các di chứng chiến tranh để tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp phát triển của ngành giáo dục Thành phố.

Làm tất cả những gì có thể để tri ân thế hệ đi trước

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thay mặt các thế hệ nhà giáo trưởng thành sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975) và đại diện ngành giáo dục Thành phố, gửi lời tri ân các thầy cô đã vượt Trường Sơn để đến với miền Nam và các Nhà giáo Nội đô yêu nước, hoạt động trong lòng địch.

Không chỉ xây dựng phong trào giáo dục, cầm súng chiến đấu bảo vệ trường lớp học, thầy cô đã góp sức mình cùng viết nên trang sử oanh liệt trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, thống nhất non sông.

“Tinh thần, ý chí, phẩm chất và sức cống hiến bền bỉ của thầy cô đã truyền cảm hứng cho thế hệ nhà giáo trẻ hôm nay có thêm được sức mạnh, niềm tin để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác, làm tròn sứ mệnh “trồng người” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó cho ngành Giáo dục và Đào tạo”, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

z6021363696639_9df944cf955cf9e727351b0cd33118e8.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng, Thành phố luôn cố gắng làm mọi thức để tri ân, ghi nhớ các thế hệ đi trước.

Cũng tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để tri ân, ghi ơn những người con ưu tú từ mọi miền đất nước đã hy sinh xương máu nơi đây. Trong đó có các thầy cô giáo đi B và thầy cô giáo hoạt động Nội đô. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số việc chưa giải quyết hết, phải tiếp tục lắng nghe, ghi nhận và giải quyết thấu đáo trong thời gian tới.

z6021363755954_1ee296ceb1fef2c8efe0d13ea2b4bf8d.jpg
z6021363707444_2aa17eef631c690d31e5ff4a7842d18f.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM tặng quà cho các Nhà giáo đi B và Nhà giáo Nội đô.

“Chúng tôi, thế hệ sau, luôn biết ơn và trân trọng những gì các thầy cô đã làm cho đất nước. Những bài học quý giá về ý chí, nghị lực, sự tận tụy và lòng nhiệt huyết của các thầy cô đã và đang là động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống và công tác. Chúng tôi luôn ghi nhớ và xin hứa sẽ làm hết mình để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung tay xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

“Nhà giáo cầm súng” - Phát triển nền giáo dục vùng Nội đô

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải, ngày nay, nhắc đến cụm từ “Nhà giáo đi B” hay “Nhà giáo Nội đô” nhiều người không hiểu, nhất là các bạn trẻ nhưng thực sự đó là một thời đầy hy sinh gian khổ và hết sức vẻ vang.

z6021363749524_5a0b4ea52835da3797302e7cc6cc88e3.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố tặng quà cho các nhà giáo là Trưởng đoàn đi B, Tiểu ban Giáo dục R và Nhà giáo Nội đô.

Đối tượng đi B lúc đầu là lực lượng vũ trang, nhưng sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập (tháng 12/1960) và phong trào cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới thì đối tượng đi B được mở rộng. Các kỹ sư, bác sĩ, đến nhà giáo, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí… đều được huy động vào Nam chiến đấu và công tác. Việc đi B hoàn toàn bí mật, do Ủy ban Thống nhất Trung ương quản lý và cán bộ đi B phải gửi lại tư trang, hồ sơ, kỷ vật và toàn bộ sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, thẻ Đoàn, ảnh gia đình, nhật ký.

Trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông - Tây Nam Bộ và đã trở thành những “Nhà giáo cầm súng”.

Các thầy cô, nhiều người còn rất trẻ, vừa dạy học và tham gia gây dựng nền giáo dục giải phóng trong các chiến khu, vùng căn cứ, vừa tăng gia sản xuất và trực tiếp cầm súng chiến đấu, chống càn. Họ thường xuyên đối mặt với B52 rải thảm, chất độc hóa học và những trận càn ác liệt của địch, với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy không lường được. Trong đó, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường miền Nam, thậm chí có thầy cô đã ngã xuống ngay trước thời khắc ngày 30/4/1975 lịch sử.

z6021363689236_c7ab55566bfb8920d5cb388a5fbda3e6.jpg
Đây cũng là dịp để người trẻ tri ân các thế hệ thầy cô đi trước.

Còn “Nhà giáo Nội đô” là những thầy, cô hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam, một lực lượng đã góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá tư tưởng cách mạng, khích lệ lòng yêu nước và đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc ngay giữa lòng địch. Đồng thời tham gia phát triển nền giáo dục giải phóng ở các căn cứ lõm và vùng địch hậu.

Những bài giảng của các Nhà giáo Nội đô đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử và truyền thống dân tộc. Phần lớn phong trào đấu tranh của nhân dân, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đều có sự tham gia tích cực của các Nhà giáo Nội đô. Nhiều người bị địch phát hiện, khủng bố gắt gao buộc phải thay tên đổi họ, sống dưới nhiều vỏ bọc khác nhau để kiên trì bám trụ hoạt động và tiếp tục giảng dạy; nhiều người bị địch bắt, bị tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người trí thức cách mạng, không hề nao núng.

Ngọc Duy - Võ Liên