Khoa học

Tổng kết và trao Giải thưởng khoa học công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên năm 2024

Công Chương 09/11/2024 - 23:07

Đối với các công trình khoa học của giảng viên trẻ, Ban Tổ chức đã lựa chọn trao: 7 giải Nhất, 10 giải Nhì, 10 giải Ba; 18 giải Khuyến khích. Trong số 106 đề tài khoa học của sinh viên được vào vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn trao: 18 giải Nhất, 85 giải Nhì.

Ngày 9/11/2024, tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC phối hợp tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng khoa học công nghệ (KHCN) dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) năm 2024.

giai-nhat-gv-dhsp-1(1).jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và chị Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải Nhất cho các giảng viên trẻ.

Về tham dự Lễ tổng kết và trao giải thưởng có PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, chị Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, và đại diện các Bộ/ngành có liên quan.

Giải thưởng KHCN dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các cơ sở GDĐH năm 2024 được tổ chức nhằm biểu dương thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, đồng thời khuyến khích giảng viên trẻ và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng tài năng khoa học trẻ trong các cơ sở GDĐH. Thông qua giải thưởng này, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ và sinh viên trong các cơ sở GDĐH được đẩy mạnh, đồng thời cũng là động lực để tìm kiếm, phát hiện những hướng đề tài mới, phát huy tính thực tiễn, sáng tạo của giảng viên trẻ và sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học.

thu-truong-nguyen-van-phuc.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc gửi lời chúc mừng đến những giảng viên trẻ, sinh viên đoạt giải thưởng KHCN. Theo ông Phúc, năm nay, số lượng và chất lượng các công trình nghiên cứu được nâng cao rõ rệt, nhiều công trình có tính ứng dụng trong đời sống, một số công trình nghiên cứu ở lĩnh vực mới nổi được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng trường ĐH có hai sứ mệnh chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục ĐH ở nước ta có bước phát triển mạnh mẽ. Thành tựu này nhờ chủ trương, chính sách về đổi mới giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và sự quan tâm đầu tư. So với 10 năm trước đây, nghiên cứu khoa học của nước ta đã hội nhập quốc tế rất nhanh, đây là điều đáng mừng.

giai-nhat-sv-dhsp-2.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và chị Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải Nhất cho nhóm các sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM.

“Nếu 10 năm trước, các ĐH, trường ĐH của nước ta gần như vắng bóng trên các bảng xếp hạng ĐH khu vực và quốc tế thì đến nay, trong xếp hạng mới nhất, các trường ĐH của Việt Nam đã lọt top các trường ĐH châu Á lẫn thế giới. Nếu không có sự phát triển vượt bậc về thành tích nghiên cứu khoa học, nước ta không thể có uy tín, thứ hạng của các ĐH của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới…” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, không thể tách rời đào tạo và nghiên cứu khoa học, vì hai lĩnh vực này bổ sung cho nhau. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đồng thời nếu chất lượng nghiên cứu khoa học tốt sẽ tạo nền tảng thuận lợi cho giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh học tập.

giai-nhat-sv-dh-nl-3.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và chị Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải Nhất cho nhóm các sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng bối cảnh mới đặt ra với các cơ sở giáo dục ĐH trong nghiên cứu khoa học, trong đó có nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ, sinh viên. Đó là hiện nay, giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng đang chịu tác động to lớn bởi khoa học kỹ thuật trong đó có cách mạng công nghiệp 4.0 mà nổi lên là sự phát triển rất nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, ngành bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…

“Tất cả những điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học phải liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu mới nhằm phát triển đất nước cũng như bắt kịp xu thế phát triển của thế giới…” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý.

giai-nhat-sv-dhsp-3.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và chị Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải Nhất cho nhóm các sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ để ban hành Nghị định 109 vào tháng 12/2022 quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH và những thông tư liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ, sinh viên. Vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành kế hoạch định hướng phát triển khoa học công nghệ trong các đơn vị trực thuộc Bộ đến năm 2030, có nhấn mạnh đến các yếu tố: Yêu cầu phải hội nhập quốc tế trong chất lượng nghiên cứu khoa học. Trong Nghị định 109 có một điểm rất quan trọng là nhấn mạnh liêm chính học thuật. Các cơ sở giáo dục ĐH phải ban hành các quy định nội bộ về liêm chính học thuật để giảng viên, sinh viên tuân thủ, hội nhập.

“Ngành giáo dục muốn phát triển thì thầy cô phải khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục để thực hiện thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo của đất nước, để ngành giáo dục nước ta đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045…” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

khen-cac-don-vi-1.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM Huỳnh Văn Sơn trao trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho đại diện các đơn vị, cá nhân.

Năm 2024, Bộ GD&ĐT giao cho Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đăng cai tổ chức, tiếp nhận hồ sơ giải thưởng KHCN dành cho sinh viên; Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức tiếp nhận hồ sơ giải thưởng KHCN dành cho đội ngũ giảng viên trẻ. Tổng số đề tài tham gia giải thưởng năm 2024 lọt vào vòng sơ khảo gồm có 47 công trình nghiên cứu; gần 100 sản phẩm công bố khoa học và chuyển giao của các giảng viên trẻ đến từ 29 trường đại học tại Việt Nam; 536 đề tài của sinh viên ở 95 trường đại học trên khắp cả nước.

khen-cac-don-vi.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM Nguyễn Minh Hà trao trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho đại diện các đơn vị, cá nhân.

Trong đó, nhiều đề tài của sinh viên có ý tưởng hay đã được các nhà đầu tư hỗ trợ và tạo điều kiện tham gia hợp tác cùng doanh nghiệp khởi nghiệp Start-up; nhiều đề tài đã có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Các đề tài tham dự Giải thưởng chia theo 6 lĩnh vực: Khoa học Tự nhiên; Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ; Khoa học Y, Dược; Khoa học Nông nghiệp; Khoa học Xã hội, và Khoa học Nhân văn.

Giải thưởng KHCN dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các cơ sở GDĐH năm 2024 đã lựa chọn được những công trình xứng đáng để trao giải thưởng. Đối với các công trình khoa học của giảng viên trẻ, Ban Tổ chức đã lựa chọn trao: 7 giải Nhất; 10 giải Nhì; 10 giải Ba; 18 giải Khuyến khích.

Trong số 106 đề tài khoa học của sinh viên được vào vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn trao: 18 giải Nhất, 85 giải Nhì.

Công Chương