Chuyên gia góp ý về Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học
Ngày 8/11, tại Trường ĐH Luật TP.HCM, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo 10 sở giáo dục và đào tạo, 20 cơ sở giáo dục đại học.
Tạo đàm được tổ chức nhằm thảo luận, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học.
Đồng thời đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế. Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ cùng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các văn bản có liên quan.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, việc làm rõ kết quả thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học tại các địa phương và các cơ sở giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá ưu điểm, hạn chế của các Luật trên. Từ đó có những đề xuất quan trọng nhằm hoàn thiện hơn nữa quy định của các Luật.
"Tôi hy vọng rằng, thông qua diễn đàn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thu thập được các thông tin thiết thực để bổ sung vào báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, làm căn cứ để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định của các Luật và các văn bản có liên quan", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.
Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục trong giai đoạn 2020-2024 và Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 và đề xuất giải pháp để tháo gỡ.
Bên cạnh đó, tọa đàm cũng tổ chức thảo luận về những kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục đại học (ban hành năm 2012, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) và văn bản liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2023 và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ. Trong đó có nội dung về việc tổ chức khảo sát, tọa đàm nhằm đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Cụ thể, rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các chính sách pháp luật liên quan để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Nghiên cứu các nhiệm vụ, quy định mới trong các văn bản của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo để đề xuất các nội dung cần thể chế hóa trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Nghiên cứu thực tiễn phát triển giáo dục, đào tạo trong khu vực và thế giới, ảnh hưởng của sự phát triển khoa học công nghệ tới đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.